14/03/2011 06:53 GMT+7

Nông dân khó vay, doanh nghiệp thiếu vốn

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Chính phủ chủ trương ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên tại ĐBSCL, dù cá tra nguyên liệu đang khan hiếm trầm trọng nhưng vẫn có ít người nuôi vì thiếu vốn.

TRyfXAy5.jpgPhóng to
Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải hoạt động cầm chừng - Ảnh: Đ.Vịnh

Nhiều hộ nuôi cho biết ngân hàng không cho vay hoặc nếu có cho thì họ cũng không vay vì lãi suất quá cao.

Theo các ngân hàng ở ĐBSCL, hiện không hề có nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với đầu tư nuôi cá tra, dù đây là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Vì thế lãi suất cho vay với ngành sản xuất này ở mức cao, 17-18%/năm.

* Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi Hiệp hội Điều VN khẳng định doanh nghiệp ngành điều là đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng của Chính phủ. Nơi này cũng đề nghị các doanh nghiệp điều chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để được vay vốn theo quy định hiện hành.

Đ.V. - T.MẠNH

Cần nhiều, cho vay ít

Vốn có bốn ao nuôi ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), mấy năm nay đợt thu hoạch cá nào ông Cao Văn Niết cũng thua lỗ. Gần đây thấy giá cá tăng cao ông quyết định nuôi tiếp. Khổ nỗi khi đã thả giống xong thì thức ăn, thuốc men phòng trị bệnh cho cá cứ tăng giá vùn vụt mà ngân hàng lại không cho vay vốn, buộc gia đình ông phải cầm cố đất vay nóng bên ngoài với lãi suất 3%/tháng.

“Tài sản thế chấp gồm có đất đai, trang trại, nhà cửa, kho chứa lúa... trị giá hàng chục tỉ đồng. Vợ chồng tôi xin vay 2 tỉ đồng nhưng chẳng ngân hàng nào giải quyết. Nơi nào cũng bảo không cho vay nuôi cá” - ông Niết kể.

Khát vốn nhưng khó vay ngân hàng là tình cảnh chung của người nuôi cá tra ở ĐBSCL. Liên trạm thủy sản Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) cho biết Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh có 950ha chuyên nuôi cá tra xuất khẩu, do thua lỗ liên tục, hàng loạt hộ bỏ nghề nên cuối năm 2010 chỉ còn 500ha. Gần đây, giá cá vượt 25.000 đồng/kg nhưng diện tích thả nuôi tăng không đáng kể.

“Chi phí nuôi cá đã tăng gần gấp đôi so với ba năm trước. Đang thiếu vốn mà ngân hàng lại hạn chế cho vay, không đủ khả năng đầu tư nên bà con chủ yếu nuôi cá giống” - bà Phan Thị Hừng, phó liên trạm, nói.

Nhiều nông dân cho biết ngân hàng có cho vay với mức thấp hơn nhiều so với trước và lãi suất cao ngất ngưởng. Một người nuôi cá nói mỗi hecta ao nuôi cho sản lượng 200 tấn cá thì riêng phần đầu tư thức ăn, con giống, thuốc men phải cần từ 4 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là đất trị giá trên 1,5 tỉ đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay chừng 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chín (ở Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang) cho biết với 1,6ha đất ông được vay 400 triệu đồng nhưng phải đóng lãi trước ba tháng hơn 20 triệu đồng, buộc ông phải vay nóng thêm bên ngoài mới đủ tiền nuôi cá.

Cuối tuần qua nhiều ngân hàng đã đồng loạt nâng lãi suất vay lên 1,8%/tháng. Không ít hộ khi thu hoạch bán cá xong đem tiền trả nợ cho ngân hàng thì sau đó không được vay lại hoặc được vay số tiền thấp hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho hay hiện toàn tỉnh vẫn còn 40% diện tích nuôi cá treo ao do khó khăn về vốn. “Chi phí đầu tư đã cao, lãi suất ngân hàng lại quá cao nên nông dân ngán vay vốn để sản xuất trở lại”.

Liên kết lỏng lẻo vì thiếu vốn

Trước tình hình khan hiếm cá nguyên liệu, một số doanh nghiệp tính đầu tư vùng nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu nhưng lực bất tòng tâm vì thiếu vốn. “Đầu tư vùng nuôi 100ha cần hàng trăm tỉ đồng. Trong tình hình hiện nay rất khó vay ngân hàng. Ngay cả những đơn vị có tiềm lực, có uy tín lâu nay khi vay để thực hiện hợp đồng xuất khẩu mà cũng đã rất khó rồi” - bà Trần Thị Vân Loan, tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, chia sẻ.

Mấy năm gần đây, để chủ động nguồn nguyên liệu, không ít đơn vị liên kết đầu tư cho nông dân nuôi gia công. Tuy nhiên, theo ông Dương Nghĩa Quốc - giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, do giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng tiếp tục tăng, cộng thêm việc doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính nên diện tích nuôi theo hình thức này có chiều hướng giảm dần, hiện toàn tỉnh còn chừng vài chục hecta.

Thốt Nốt là vùng nuôi cá tra xuất khẩu trọng điểm của Cần Thơ, tập trung gần chục nhà máy chế biến thủy sản, thế nhưng theo trưởng Phòng kinh tế Nguyễn Văn Dẫn, đến nay ở đây vẫn chưa có doanh nghiệp nào liên kết với nông dân nuôi cá.

“Nhiều doanh nghiệp than rằng vốn đầu tư cho vùng nuôi quá lớn, ngay cả nếu có vay được để đầu tư thì doanh nghiệp cũng cân nhắc vì lãi suất 18%/năm là quá cao, đầu tư như thế không hiệu quả” - ông Dẫn giải thích.

Ngân hàng không an tâm cho vay

Ông Lê Trọng Nghĩa, giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, cho biết tổng dư nợ cho vay của các đơn vị tín dụng đối với nông dân nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh vào tháng 12-2010 là 1.060 tỉ đồng, chỉ bằng 84,56% so với đầu năm. Gần đây giá cá tăng cao nhưng tổng dư nợ đến tháng 1-2011 cũng chỉ tăng 14 tỉ đồng. Điều đó cho thấy nông dân vẫn treo ao.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng ở ĐBSCL cho rằng hiện giá cá tra tăng cao nhưng thị trường chưa lấy gì đảm bảo ổn định lâu dài. Nghề nuôi cá tra vốn nhiều rủi ro, vẫn chưa được tổ chức quản lý sản xuất theo quy hoạch nên phát triển thiếu bền vững, khiến họ rất dè dặt đối với cho vay vốn nuôi cá.

Ông Nguyễn Tấn Phước, phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT An Giang, nhìn nhận hiện nay nông dân rất cần vốn đầu tư nuôi cá. Tuy nhiên đơn vị chỉ có thể cho vay với định mức 50% giá trị đất nông nghiệp theo khung giá đất do Nhà nước quy định. Riêng đối với doanh nghiệp vay nuôi cá thì cũng phải thế chấp tài sản, lãi suất vay 17-18%/năm. Do phần lớn các đơn vị này đều đã thế chấp vay nên không thể vay thêm.

Theo ông Hà Hồng Ngọc - giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Cần Thơ, hiện các ngân hàng không thiếu vốn nhưng do phần lớn nông dân chưa đủ điều kiện đảm bảo nuôi đạt hiệu quả, chưa có hợp đồng tiêu thụ nên... khó vay.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, cho biết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng cho vay có chọn lọc. “Cho vay chủ yếu là những hộ nuôi cá trong vùng quy hoạch, đủ tiềm lực kinh tế, có liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; còn với hộ nuôi nhỏ lẻ thì hầu như không thể” - ông Thạch nói.

Trong khi đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa được tổ chức thực hiện nên việc vay vốn để đầu tư nuôi cá theo hình thức này bị ách lại.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp