Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân tại hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN
Đối thoại có chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" với sự tham gia của 350 đại biểu nông dân miền Trung - Tây Nguyên.
Giá cà phê xuống thấp, có chặt cây không?
Đặt câu hỏi đầu tiên với Thủ tướng, ông Đỗ Quý Toản, nông dân tỉnh Đắk Lắk, thẳng thắn: "Thời gian gần đây, giá cà phê xuống thấp, dân muốn chặt bỏ. Vậy Chính phủ có giải pháp, định hướng gì để giúp phát triển ngành cà phê bền vững hay giúp nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả?".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam rất tốt, được thế giới đánh giá cao. "Vì vậy, tôi khuyên bà con chúng ta vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Nông dân không được tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng cà phê".
Thủ tướng nói về phía Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu, hiện nay tỉ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng nơi nào phù hợp nhất.
Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng.
Bà Vi Thị Thanh - ở Bon Rơ Sông, xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - nói trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp chủ lực, truyền thống của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới.
"Xin hỏi sắp tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp gì về việc phát triển cây mắc ca?" - bà Thanh đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hôm nay 29-9, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam.
"Tổng kết để chỉ ra thành công hay không thành công, nguyên nhân và giải pháp phát triển mắc ca tại Việt Nam" - Thủ tướng chia sẻ.
"Việc cây giống không ra trái, yêu cầu kiểm tra ai cung cấp giống không phù hợp khiến cho cây mắc ca không ra trái hoặc ra trái rất ít, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ tất cả các bên để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển cây mắc ca" - Thủ tướng nói thêm.
Nông dân cũng đặt các câu hỏi về nhà máy chế biến nông sản còn ít, giải pháp nào "trị" phân bón giả, tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường, vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, bảo đảm nông thôn văn minh, hiện đại; vấn đề vốn, chống tín dụng đen, di dân tự do...
Sau từng câu hỏi của các nông dân, Thủ tướng trực tiếp trả lời cặn kẽ và chỉ định cho lãnh đạo bộ, ngành giải đáp những vấn đề các đại biểu nêu.
Một nông dân đặt câu hỏi với Thủ tướng tại hội nghị - Ảnh: TTXVN
Phải hình thành tầng lớp nông dân mới
Phát biểu kết luận đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với 65% dân số đang sống ở nông thôn, việc phát triển nông thôn văn minh, hiện đại chính là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải hình thành một tầng lớp nông dân mới, hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường, để biết cách sản xuất. Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay từ khi gieo hạt. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ, phải tự vươn lên để làm giàu".
Thủ tướng nói rằng một trong những yếu tố quyết định chính là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp thời 4.0 để nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Thủ tướng, học tập chính là cửa vào tự do hạnh phúc của người dân.
"Vì vậy, bà con nên dành dụm tạo điều kiện cho con cháu chúng ta học hành đến nơi đến chốn. Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến y tế, giáo dục, các vấn đề xã hội. Nhà nước nâng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục, để miền Trung - Tây Nguyên không phải là vùng trũng, mà là vùng phát triển ngang bằng các vùng khác" - ông chia sẻ.
Thủ tướng cũng nói còn nhiều trăn trở mà Chính phủ, các bộ ngành qua đối thoại lần này cần quan tâm xử lý, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất, làm giàu. Về vốn, cần giảm, hoãn cho những hộ nông dân khi thiên tai, bệnh tật xảy ra để bà con có cách giải quyết và chính sách tín dụng phải đẩy mạnh.
Trong thời hội nhập, cần có thông tin thị trường để bà con yên tâm đầu tư có định hướng, nhất là những nước, khu vực mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và công an các địa phương xử lý kiên quyết nạn phân bón giả, giống kém chất lượng; nạn tín dụng đen. Thủ tướng chia sẻ việc tiêu thụ nông sản nói chung, thủy sản nói riêng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên ông cũng cảnh báo những ngư dân đưa tàu vi phạm vùng biển nước khác không chỉ bị nước sở tại bắt giữ, xử lý mà còn có thể khiến EC rút "thẻ đỏ" đối với thủy sản xuất khẩu...
Nghiên cứu xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang
Chiều tối 28-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk. Thủ tướng nhấn mạnh dù khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng Đắk Lắk có cố gắng lớn khi tăng trưởng vẫn đạt 8,7% và phấn đấu đến cuối năm là 10,3%.
Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII sắp tới. Ông cũng đề nghị tỉnh có phương án tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk phải thật tốt, thật đoàn kết.
Về những kiến nghị của địa phương, Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang để phát huy hiệu quả tối ưu. Tỉnh cũng cần có thêm các phương án để xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh lân cận và trong vùng.
Ông cũng thống nhất sẽ chỉ đạo mạnh mẽ hơn kết luận 67 của Bộ Chính trị về việc phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
TR.TÂN
Khuyến khích nông dân nhỏ lẻ làm được nhiều hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quan Huy (giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An) - người đưa thành công chuối Việt sang chinh phục thị trường Nhật Bản và đang ký kết hợp tác nuôi bò theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Long An - cho biết từ cuộc đối thoại của nông dân với Thủ tướng hơn hai năm trước, nông nghiệp Việt Nam cơ bản đã được khuyến khích nhiều hơn, tạo thuận lợi hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp muốn làm ăn lớn, phát triển nông nghiệp kiểu hiện đại, đầu tư cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cơ bản, như vấn đề hạn điền vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
Ông Huy cho rằng hiện nay giá trị đất nông nghiệp khi xác định để thế chấp vẫn còn quá thấp so với giá trị thực tế của chính miếng đất đó trên thị trường, dẫn đến việc giải ngân vốn vẫn còn khá ít ỏi, chưa đủ để những người dân sở hữu đất đai có nguồn vốn có thể phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn.
Một vấn đề khác mà ông Huy cũng đặt ra là hiện nay, nhiều dự án được giao đất rất lớn để làm nông nghiệp như trồng mía, cao su... nhưng khi chủ đầu tư các dự án này đã phá sản, và nông dân trước đây từng được giao khoán đất để sản xuất, nay muốn hợp tác với các nhà đầu tư khác để thực hiện trồng cây khác, hoặc nuôi con khác thì không thể được nên tài nguyên đất đai bị lãng phí, cần phải quyết liệt giải quyết.
SƠN LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận