Trên đường tránh lũ phía nam huyện Hải Lăng, nông dân choán hết một làn đường để phơi lúa nhiều ngày nay, xe đầu kéo, xe tải phải tránh nhau ở làn còn lại.
Đường sá thành sân phơi lúa
Cứ đến mùa gặt, nông dân nhiều tỉnh thành miền Trung tận dụng các con đường để làm sân phơi nông sản. Tại Quảng Trị, người dân dùng thanh gỗ, cành cây để chặn đường, phơi lúa.
Tại xã Hải Quế, một phụ nữ đang đảo lúa cho hay mặt đường rộng, sạch sẽ, không bị bóng cây che khuất, được nắng nên phơi lúa nhanh khô. Bà cho hay năm nay trời nắng to, lúa phơi từ sáng sớm đến 15h đã khô, đủ chuẩn đóng bao cất trữ.
"Những năm trước, tôi phải chở lúa lên nhà ông bà nội ngoại mượn sân để phơi. Nhà tôi có sân nhưng không đủ. Nhờ con đường này rộng mà nông dân mới có sân phơi, làm thêm ruộng. Phơi nhiều thành quen nên mỗi đoạn đường của một người chứ còn cảnh sơn chữ giành chỗ như các năm", bà này cho hay.
Tại điểm giao quốc lộ 49C và đường tránh lũ, nông dân sử dụng phần lớn giao lộ để phơi lúa. Phía bên ngoài, người dân để các bao tải để ngăn xe ô tô chạy vào lúa.
Đường tránh lũ nam Hải Lăng có lưu lượng xe đầu kéo, xe tải chạy từ quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) nhiều. Mỗi khi có xe ngược chiều, các phương tiện phải giảm tốc độ, đánh lái vòng vèo tránh nhau. Tuyến đường dài khoảng 14km thì có 8km được biến thành sân phơi nông sản.
Tương tự, tại nhiều tuyến đường liên xã ở huyện Triệu Phong, người dân cũng tận dụng để làm sân phơi lúa.
Nếu lúa không kịp khô, nông dân chất lúa thành đống, ủ bạt ở sát lề đường, chờ hôm sau phơi tiếp. Người đi đường vào buổi tối không quan sát kỹ dễ vấp phải các đống lúa này.
Người cảm thông, kẻ lắc đầu
Một số tài xế tỏ ra phiền lòng vì ảnh hưởng giao thông. Tuy nhiên, cũng có tài xế cảm thông vì "nông dân một năm chỉ phơi một vụ lúa, vài ba ngày. Lái xe chậm rãi, quan sát tí là mọi việc đều ổn".
Công an huyện Hải Lăng thông tin những vụ mùa trước đã có một số tai nạn giao thông liên quan phơi lúa. Cơ quan công an khuyến cáo việc này là vi phạm pháp luật, tùy vào hậu quả mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Điều 12 nghị định số 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức.
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, tính mạng người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 261 Bộ luật Hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ, với khung hình phạt tiền và cao nhất phạt tù đến 10 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận