07/12/2012 08:53 GMT+7

"Nóng" chuyện dân sinh

T.TÚ - C.QUỐC - T.THÁI - T.XUÂN - M.QUỐC - Q.VINH
T.TÚ - C.QUỐC - T.THÁI - T.XUÂN - M.QUỐC - Q.VINH

TT - Ngày 6-12, kỳ họp HĐND nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL đã vào phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

id8yMX1u.jpgPhóng to

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp chất vấn lãnh đạo tỉnh về việc làm sau khi ra trường ngày 7-5-2012 - Ảnh: THANH TÚ

Đồng Tháp: học sư phạm ra trường thất nghiệp

Vấn đề “nóng” đầu tiên được UBND tỉnh Đồng Tháp nêu ra trước HĐND tỉnh ngày 6-12 là tình trạng lãng phí nguồn nhân lực sư phạm. Trong số 2.464 sinh viên ngành sư phạm ra trường năm 2011, ngành giáo dục chỉ bố trí được việc làm cho 707 sinh viên, chiếm tỉ lệ 28,7%. Như vậy hơn 71% sinh viên sư phạm không có việc làm hoặc phải làm việc khác trái chuyên môn.

Đáng lo ngại là hiện nay Trường đại học Đồng Tháp đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên ngành sư phạm. Ngoài ra, còn hàng ngàn sinh viên đang học sư phạm ở Đại học Cần Thơ và các tỉnh khác. Bà con cử tri là phụ huynh và chính các bạn sinh viên ngành sư phạm hiện rất bức xúc về vấn đề này.

Giải trình với HĐND tỉnh, bà Trần Thị Thái, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phải tăng cường hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh. “Làm sao phải cung cấp đầy đủ thông tin về ngành sư phạm hiện nay để các em biết mà lựa chọn ngành nghề thi, tránh tình trạng dư thừa giáo viên và lãng phí nguồn nhân lực” - bà Thái nói.

Riêng chuyện sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua làm hàng trăm hộ dân phải di dời chỉ được nhắc sơ qua trong các báo cáo tại kỳ họp này. Ông Lê Vĩnh Tân, chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp, giải thích vì đây là vấn đề quá lớn, không thể bàn qua loa được nên HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết riêng và xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của năm 2013.

Cần Thơ: chất vấn vụ chợ đêm bát nháo

Trong phần thảo luận tại hội trường, ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đã giải trình về tình hình hàng giả, hàng nhái, bình ổn giá cả thị trường cũng như hoạt động bát nháo của chợ đêm Ninh Kiều (Tuổi Trẻ đã phản ánh). Theo ông Toại, TP mở chợ đêm Ninh Kiều nhằm mục đích cho bà con du khách và người dân trên địa bàn tham quan, mua sắm hàng hóa với ba mặt hàng chủ lực là quần áo may sẵn, đồ gia dụng và túi xách. Tuy nhiên, qua kiểm tra thấy hàng Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao, trong khi hàng VN không được nhiều. “Sắp tới làm thế nào để đưa hàng Việt phục vụ bà con, bán đúng giá đáp ứng mong mỏi của bà con” - ông Toại nói.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hiền hỏi thẳng: “Vậy có duy trì chợ không?”. Ông Toại nói: “Theo ý kiến cá nhân tôi, sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời phối hợp uốn nắn để phục vụ tốt nhu cầu buôn bán, sinh hoạt của bà con chứ không phải quản không được là cấm”. Đại biểu Trần Văn Nam chất vấn: “Hồi nãy đồng chí giám đốc có nói thời gian tới làm thế nào để tăng hàng Việt, giảm hàng nhập phục vụ bà con. “Làm thế nào” ở đây là làm thế nào, đề nghị cho biết?”. Ông Toại không trả lời câu hỏi này.

Kiên Giang: công trình không làm vẫn để bảng “đang thi công”

Tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh Kiên Giang, năm đại diện sở ngành đã đăng đàn trả lời về các vấn đề cử tri đang quan tâm. Chất vấn lãnh đạo ngành giao thông, đại biểu Trần Thanh Dũng đặt vấn đề: “Tuyến đường Phi Thông (TP Rạch Giá) đến xã Tân Hội, xã Tân Thành (huyện Tân Hiệp) theo báo cáo của sở có bốn cầu đã hoàn thành 100%, nhưng thực tế không phải vậy. Ngoài ra, tám cầu còn lại hầu như ngừng thi công. Vậy năm 2013 sở có làm không và khi nào xong?”. Ông Dũng còn đưa ra hai tấm ảnh do chính ông chụp để dẫn chứng công trình để bảng “đang thi công” nhưng thực tế không thi công.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải Kiên Giang - nói: “Dự án trên có 12 cầu, hiện đã thông xe bốn cầu. Tuy nhiên dù thông xe nhưng mặt cầu vẫn chưa được thảm nhựa, hai bên đầu cầu chưa hoàn thiện... Công trình triển khai hơn ba năm nay đã chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân chậm là do vướng khâu giải phóng mặt bằng và cắt giảm vốn theo nghị quyết 11 của Chính phủ. Vì vậy năm 2011 và 2012 công trình chỉ làm cầm chừng”. Trả lời câu hỏi công trình khi nào xong, ông Dũng chỉ nói: “Hiện sở có kế hoạch đề nghị bố trí vốn 20 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình khi nào hoàn thành thì tùy thuộc việc có ghi vốn hay không”.

Hậu Giang: bãi rác ô nhiễm, bệnh viện xây... dần

Tại Hậu Giang, phiên chất vấn chiều 6-12 “nóng” với phần trả lời của ông Nguyễn Văn Huyền, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh, về thực trạng ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Long kéo dài nhiều năm qua gây bức xúc trong nhân dân. Ông Huyền cho biết hiện rác tại bãi Tân Long đã lấp đầy khoảng 85% diện tích các ô chứa, đến năm 2013 bãi rác không còn khả năng tiếp nhận thêm rác. Tuy nhiên, hiện TP Cần Thơ chưa có bãi rác thay thế nên việc đổ rác tại bãi Tân Long vẫn phải tiếp tục và không xác định được thời gian đóng cửa bãi rác...

Trả lời chất vấn của cử tri về công trình bệnh viện đa khoa 500 giường, Bệnh viện Đa khoa Châu Thành A thi công trì trệ, kéo dài liệu có hoàn thành trước Tết Nguyên đán tới như đã hứa, ông Nguyễn An Ninh, giám đốc Sở Y tế tỉnh, cam kết Bệnh viện Đa khoa Châu Thành A sẽ đưa vào hoạt động trước tết. Đối với bệnh viện đa khoa 500 giường, ông Ninh cho biết sau khi UBND tỉnh có kết luận cắt hợp đồng đối với nhà thầu thì đơn vị thi công đưa quân vô làm quyết liệt. Ngành y tế thấy vậy cũng... yên tâm, nhưng hiện nay tiến độ còn rất chậm. “Chúng tôi đã làm việc lần cuối cùng, đơn vị thi công hứa ngày 31-12 sẽ bàn giao khối lượng nhà chính, còn khả năng bệnh viện đi vào hoạt động chính thức phải đợi đến hết quý 1-2013. Bởi cần có thời gian để lắp đặt các thiết bị vận hành” - ông Ninh nói.

Vĩnh Long: “Tiếp tục làm đường 907”

Chiều 6-12, trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp lần thứ 6, HĐND khóa VIII tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Diệp, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh sẽ tận dụng mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng tuyến đường huyết mạch 907. Trên tuyến đường này có nhiều đoạn xây dựng dang dở như đoạn đi qua ba xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Trung Thành (huyện Vũng Liêm) gây khó khăn trong việc đi lại và sản xuất của người dân nhiều năm qua. Theo ông Diệp, do các nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng nên đã dừng thi công. Trong kế hoạch vốn năm 2013, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư ghi vốn 55 tỉ đồng cho công trình đường 907. Trong trường hợp khó khăn từ nguồn vốn trung ương, tỉnh sẽ gọi mời đầu tư để tiếp tục xây dựng tuyến đường này.

Bạc Liêu: đại biểu sử dụng máy tính bảng

Sáng 6-12, HĐND tỉnh Bạc Liêu khai mạc kỳ họp thứ 6 (khóa VIII). Theo chương trình kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua 23 nghị quyết. Đây là kỳ họp có nhiều nét mới: lần đầu tiên HĐND tỉnh chia tổ thảo luận và thảo luận tại hội trường; lần đầu tiên các đại biểu dùng máy tính bảng phục vụ kỳ họp (trước đó HĐND tỉnh đã trang bị cho mỗi đại biểu một máy tính bảng). Tuy nhiên, vài đại biểu còn lúng túng khi sử dụng máy tính bảng nên Văn phòng đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh vẫn phát tài liệu giấy cho đại biểu.

Nội dung thảo luận tại kỳ họp sẽ tập trung vào việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chất lượng sản xuất trong nông nghiệp, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp...

T.TÚ - C.QUỐC - T.THÁI - T.XUÂN - M.QUỐC - Q.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp