08/02/2012 07:39 GMT+7

Nóng chuyện "chặt đẹp" du khách

HOÀI TRANG ghi
HOÀI TRANG ghi

TT - Sau bản tin “Ăn cá... chục triệu đồng ở Hạ Long” (số báo ngày 5-2), Tuổi Trẻ nhận được nhiều thông tin phản ảnh tình trạng làm phiền du khách tại đây và một số địa phương khác.

Thậm chí, các hãng tàu trong nước còn đi đến thỏa thuận sau tháng 4 sẽ không đưa tàu đến Hạ Long nữa.

RVH2PXNN.jpgPhóng to
Du khách bị đeo bám mời chào mua hàng khi vừa ra khỏi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chém lái tàu vì bị đuổi xuống

Anh K., hướng dẫn viên Công ty Du Ngoạn Việt (Viet Excursions) chuyên phục vụ du khách tàu biển, kể sáng 3-2 anh cùng 29 khách của tàu du lịch 5 sao Seabourn Pride đi trên một chiếc thuyền du lịch tham quan vịnh Hạ Long. Thuyền du lịch đang đi trên vịnh thì một chiếc thuyền nan nhỏ chở theo ba người: thanh niên, phụ nữ và em bé cặp vào mạn chiếc thuyền du lịch chào bán chôm chôm, nhãn và một ít bánh. Người phụ nữ bế em bé leo lên thuyền đi men theo mép thuyền ngửa tay xin tiền khách.

Khi người lái thuyền tỏ ý không đồng ý và yêu cầu người phụ nữ xuống thì ngay lập tức người thanh niên dưới thuyền rút ra một con dao dài khoảng 45cm chém hai nhát vào người lái thuyền, rất may anh này né được. Sau đó người thanh niên liên tục đạp vào thân chiếc thuyền du lịch, miệng chửi lái thuyền và cầm dao dọa: “Muốn tiếp tục đi trên vịnh thì để tao làm việc”.

Anh K. lấy điện thoại ra quay đoạn phim này cũng bị người thanh niên này sửng cồ: “Có muốn làm việc ở vịnh Hạ Long không?”. Du khách chứng kiến toàn bộ sự việc vô cùng hoảng hốt chỉ biết ngồi im, còn hướng dẫn viên và lái thuyền mặt xanh như tàu lá. “Anh lái thuyền sợ quá gọi điện về công ty thông báo không chở khách nữa và ngay lập tức muốn đưa thuyền về. Phải sau một hồi lâu trấn an, nghe rất nhiều cú điện thoại anh mới dám tiếp tục hành trình” - anh K. kể lại giọng sợ hãi.

Ông Lê Đình Tuấn, tổng giám đốc Viet Excursions, cho biết tình trạng này đã kéo dài rất lâu, có nhiều lần trẻ em leo lên tàu đến ngửa tay xin tiền khách và chỉ rời khỏi thuyền khi có khách đưa tiền. Các hãng tàu nhận được phàn nàn của khách đã gửi thư yêu cầu Viet Excursions phải có ý kiến gửi đến ban quản lý vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh nhưng gần như chẳng gì thay đổi. “Chúng tôi đã đạt đến một thỏa thuận các hãng tàu chỉ đưa tàu du lịch đến vịnh Hạ Long hết mùa du lịch này (đến đầu tháng 4-2012) thì sẽ chấm dứt, không đưa thêm bất cứ chuyến tàu nào đến vịnh Hạ Long” - ông Tuấn thông báo.

Taxi “cắt cổ”

Anh Huỳnh Công Hiếu, hướng dẫn viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, kể hồi tháng 12-2011 khi đang đứng ở quầy đổi tiền Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) thì có một ông khách nhìn thấy anh đeo thẻ hướng dẫn viên đã đến nhờ gọi taxi giúp. Hiếu thấy lạ và trả lời taxi đầy ngoài đường, ông có thể gọi bất cứ chiếc nào nhưng ông này cho biết mới hôm trước đã bị một tài xế taxi lấy 900.000 đồng cho một cuốc từ chợ Bến Thành về cảng Sài Gòn (gần 2km) - nơi con tàu du lịch của ông đang neo đậu.

Ông Cao Trí Dũng, giám đốc Công ty du lịch Vitours (Đà Nẵng), cho hay có lần ông hẹn một đối tác người Nhật đến ăn tối ở một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Anh (Q.1) khi ông này đang ở chợ Bến Thành (Q.1). Ông Dũng ngồi chờ mãi gần một giờ sau ông khách này mới đến được. Hóa ra ông khách đã bị một tài xế taxi lái xe đi lòng vòng suốt hơn 45 phút, sau đó phải thanh toán số tiền taxi hơn 300.000 đồng.

Tương tự, anh Hùng, một hướng dẫn viên tự do, kể từng chứng kiến ở Hà Nội, hai người đánh giày chạy theo một ông khách người nước ngoài, sau một hồi kỳ kèo ông khách này đồng ý đánh giày. Sau khi nhận lại đôi giày được đánh qua quýt ông khách này đưa 10.000 đồng thì hai người đánh giày “hiện nguyên hình”, sừng sộ, lớn tiếng chửi rủa...ông đành phải móc ra hai tờ 50.000 đồng.

Ăn uống đắt như châu Âu

Nhiều khách du lịch phàn nàn trực tiếp với bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty du lịch Asian Trails, rằng họ đã rất buồn, thất vọng khi sang du lịch ở VN vì phải trả tiền cho các bữa ăn với giá như họ đang ăn tại nhà hàng ở châu Âu. Bà Thủy Tiên kể du khách khẳng định việc phải mua một trái dừa lạnh của người bán dạo với giá 2 USD (đắt gấp 5 lần bình thường) cũng còn có thể chấp nhận được vì họ đã mua trên đường, nhưng khi vào các nhà hàng, khách sạn (ngoài chương trình tour) tại các thành phố lớn ở VN họ đã phải trả những hóa đơn với giá mắc tương đương ở quê hương họ. “Khách thất vọng cũng phải khi mua tour họ đã được giới thiệu thức ăn VN rẻ, ngon và bổ dưỡng nhưng đã hoàn toàn trái ngược”. Anh Đức Tuấn, hướng dẫn viên tự do, cho hay nhiều khách bức xúc khi phải chi đến hơn 70 USD cho một bữa ăn chỉ hai người ở một nhà hàng tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (tổng giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt - Tavitour): Tôi cũng bị “bỏ chợ” tại hồ Ba Bể

Bản thân tôi người trong cuộc mà nhiều khi còn bị lừa. Mồng 2 tết vừa rồi ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tôi và nhóm khách đã bị “bỏ chợ” một cách không thương tiếc dù đã đặt trước các dịch vụ. Không thuyền tham quan, không người hướng dẫn, đưa đón… cả nhóm đứng chơ vơ ngay bến thuyền.

Sau đó, để tìm được một chiếc thuyền, chúng tôi vẫn phải chịu cảnh làm giá, “chặt chém”… một cách trắng trợn. Tôi đã điện thoại cho lãnh đạo vườn quốc gia Ba Bể, thậm chí cho cả lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhờ can thiệp trực tiếp nhưng cuối cùng cũng không được gì. Nói như vậy để thấy rằng là tổng giám đốc một công ty du lịch mà tôi còn bị coi không ra gì, gặp chuyện mà không biết kêu ai.

Những chuyện như thế đang làm hỏng du lịch VN, làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người VN trong lòng du khách nước ngoài và nếu chúng ta không cầu thị, không sửa đổi thì nền du lịch VN sẽ không bao giờ phát triển được.

Bạn đọc có thể chia sẻ với TTO những câu chuyện "không vui" đã trải qua trong những chuyến du lịch của mình, nhằm chia sẻ, đóng góp để môi trường du lịch đất nước ngày càng lành mạnh hơn.
HOÀI TRANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp