18/11/2012 06:58 GMT+7

Nón Thúy một tay

ALĂNG NGƯỚC
ALĂNG NGƯỚC

TT - Cả du khách và người Huế thường gọi chị bằng cái tên đặc biệt “Thúy một tay”. Đó là một cách tôn vinh của họ về người thợ chằm nón có một không hai ở Huế: chằm nón chỉ với bàn tay trái còn lại.

Nhưng bàn tay ấy đã làm rạng danh nghề nón Huế.

C6nZD50f.jpgPhóng to

Thoăn thoắt với chỉ một bàn tay trái - Ảnh: Alăng Ngước

Chị tên đầy đủ là Trần Thị Thúy, 45 tuổi, với hơn 35 năm làm nghề chằm nón. Ngôi nhà nhỏ của chị trong một con hẻm ở làng nón Phủ Cam (phường Phước Vĩnh, TP Huế) đã trở thành một điểm tham quan của du khách.

Như một nghệ sĩ biểu diễn

Hơn 9g một buổi sáng cuối tháng 10, tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Chị Thúy bỏ chiếc nón xuống, với tay nhấc điện thoại rồi thông báo: “Có đoàn khách đến thăm!”. Chừng 15 phút sau, một đoàn du khách Úc và Singapore đã có mặt tại nhà chị. Chị Thúy ngồi giữa nhà, cánh tay phải không bàn tay tì lên chiếc khuôn nón, bàn tay trái thoăn thoắt đâm kim, rút kim... như một nghệ sĩ đang biểu diễn. Đoàn du khách ngồi quanh chăm chú trầm trồ và liên tục nháy máy ảnh. Khuôn mặt chị Thúy với nụ cười tươi rạng rỡ lấm tấm mồ hôi và một bàn tay thoăn thoắt trên chiếc nón đã xuất hiện trên rất nhiều sách báo du lịch ở châu Âu, Mỹ, Nhật...

Ngồi ngắm chị Thúy chằm nón một tay suốt gần hai giờ đồng hồ, chị Kristal, du khách Úc, thốt lên: “Thật tuyệt vời! Tài năng và nghị lực của Thúy ngoài sức tưởng tượng của tôi. Những chiếc nón được tạo ra chứa đựng một tình yêu nghề, niềm tin cuộc sống và trái tim yêu đời của cô ấy. Câu chuyện của cô gái Việt này chắc chắn sẽ còn được biết đến nhiều hơn khi chúng tôi trở về đất nước của mình”.

Người duy nhất chằm nón một tay

Lớn lên trong làng nón, mẹ cũng là thợ chằm nón, nên nghề ấy đã thấm trong máu của Thúy. Lên 10 tuổi, ngoài buổi đi học, Thúy thường phụ giúp mẹ chằm nón. Và cô bé với cánh tay phải bị dị tật bẩm sinh không có bàn tay đã biết chằm nón từ khi nào chẳng ai hay. Dù không dám tin vào khả năng của Thúy, nhưng một số chủ hàng đã phải gật đầu giao hàng bởi sự thiết tha được làm việc của cô bé. Thúy thường ngồi bệt dưới đất rồi cặm cụi chằm nón. Chằm nón là công việc tỉ mỉ, chỉ với một bàn tay thì quá khó nhọc. Vậy mà Thúy say mê nó một cách lạ lùng.

Bà mẹ Trần Thị Mến (73 tuổi) vẫn nhớ như in ngày Thúy mới bắt đầu học nghề chằm nón. Thấy con oằn mình với một bàn tay, mồ hôi đổ như người làm việc nặng, bà không muốn truyền nghề. “Nhưng rồi thấy con bé say mê quá nên tui đành chiều ý nó. Mà nó học nghề nhanh lắm, lại chăm chỉ suốt ngày khiến tui không cầm được nước mắt”. Sáng đến lớp, chiều giúp mẹ chằm nón thuê, câu chuyện về cô bé tật nguyền đầy nghị lực với khả năng chằm nón bằng một tay đã làm nức lòng người dân rong vùng. Họ tự hào vì Thúy là người duy nhất ở Huế (với hàng chục làng nón) chằm nón bằng một tay.

Thương hiệu “nón Thúy”

Trung bình mỗi tháng có khoảng 50 đoàn du khách đến thăm và đặt mua nón Thúy. Du khách, nhất là khách nước ngoài, rất thích xem Thúy chằm nón chỉ bằng một bàn tay. Sau đó, họ mua luôn chiếc nón chị vừa chằm. Có lần một vị khách người Úc đã không chịu ra về cho đến khi chị làm theo yêu cầu: thêu tên Thúy trên nón. Từ đó, công đoạn cuối cùng của chiếc nón Thúy luôn là một chữ Thúy bằng chỉ thêu trên nền lá. Thương hiệu “nón Thúy” đã ra đời từ đó và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Mỗi chiếc nón Thúy được khách mua với giá 40.000-50.000 đồng như một nguồn động viên lớn giúp chị tiếp tục sống với nghề truyền thống đang mai một dần ở ngay tại một nơi nổi tiếng về nghề thủ công như Huế. “Tui quyết sống với nghề chằm nón vì muốn giữ nghề truyền thống đã gắn bó suốt ba đời nhà tôi và để phục vụ du khách” - chị Thúy chia sẻ.

Tháng 6-2004, lần đầu tiên “nón Thúy” ra mắt với bạn bè quốc tế, khi chị Thúy đại diện nghề truyền thống Việt Nam tham gia Lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản. Hình ảnh cô gái miệt mài kết những ngọn lá trở thành một chiếc nón vừa che nắng mưa vừa là vật trang sức cho phụ nữ đã được du khách xem như là biểu tượng của sức lao động Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt nữa khiến họ phải trầm trồ thán phục: cô gái ấy đan nón với chỉ một bàn tay trái.

Chị Thúy cũng là gương mặt tiêu biểu mà Hội Nón lá Huế đề cử tham gia nhiều sự kiện văn hóa - du lịch được tổ chức trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Phước - thư ký Hội Nón lá Huế - cho biết hội chưa có nhiều hoạt động để giúp đỡ chị Thúy trong việc mở rộng sản xuất các sản phẩm nón lá.

Trong khi đó, với trách nhiệm là ủy viên ban chấp hành Hội Nón lá Huế, chị Thúy đã có rất nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và quảng bá chiếc nón Huế cũng như nghề nón Huế đến với bạn bè quốc tế.

ALĂNG NGƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp