Bề mặt trên phía taluy nứt toác, sạt lở tại một nhà dân ở Suối Cát - Xuân An, P.3, TP Đà Lạt sáng 6-5 - Ảnh: C.Thành |
Trong trường hợp xấu nhất taluy này sập sẽ kéo theo gần chục hộ dân xuống vực sâu, thiệt hại sẽ rất nặng nề |
Ông Lê Văn Nam (một người dân ở Đào Duy Từ, P.4, TP Đà Lạt) |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, khoảng 70 - 80% công trình nhà, biệt thự, cầu đường... tại TP Đà Lạt đều có bờ taluy trong kết cấu xây dựng công trình.
Sống trong lo lắng
Chiều 5-5, sau trận mưa lớn khoảng một giờ, ông Nguyễn Đức Thiêm (ngụ tại 25/4, Suối Cát - Xuân An, P.3, TP Đà Lạt) phát hiện một số vết nứt nhỏ nằm cạnh bức tường taluy trước sân nhà. Như thường lệ, ông Thiêm không mấy bận tâm tới sự cố này vì nhiều năm nay đã có một số vết nứt nhỏ cắt ngang mặt taluy nhưng chưa thấy hiện tượng gì xảy ra.
Theo ông Thiêm, taluy nhà ông cao 8m, dài 15m được chủ cũ xây dựng từ những năm 1980. Tới năm 2000, ông Thiêm thuê thợ gia cố chân móng lần đầu tiên. Sau đợt gia cố 15 năm nay, gia đình ông Thiêm đinh ninh bờ tường được kè bằng đá, có sắt thép làm mối giằng nên không thể có chuyện sập do mưa lớn.
Thế nhưng tới 5g30 sáng 6-5, gia đình ông Thiêm tá hỏa khi phát hiện gần như toàn bộ phần taluy bị nứt toác và đổ sụp xuống hai nhà hàng xóm. Tại hiện trường, vết nứt taluy sụp xuống dài khoảng 15m, sạt xuống đè bẹp một phần đuôi ngôi nhà phía dưới làm nứt nhiều vị trí, có nơi đường kính vết nứt rộng tới 20cm. Phía trên bề mặt taluy còn xuất hiện nhiều vết nứt khoảng 20 - 40cm, tới cuối ngày 6-5 thì đổ sập hoàn toàn.
Là người sống gần 20 năm nay dưới chân taluy này, ông Võ Văn Luyện còn chưa hết bàng hoàng trước sự cố trên. Khi bức tường đổ sập, ông Luyện và vợ đang chuẩn bị tưới nước cho vườn rau sau nhà. “Suýt chút nữa tôi và vợ đã nằm dưới đống đất đá kia rồi” - ông Luyện hãi hùng nói.
Theo ông Luyện, không phải tới giờ chuyện xảy ra ông mới bất ngờ. Suốt nhiều năm qua, ông và các gia đình hàng xóm sinh hoạt dưới bờ taluy cao ngất ngưởng trong nơm nớp lo sợ. Mỗi khi mùa mưa về, ông và một số gia đình hàng xóm đều nhắc nhở chủ taluy chú ý sửa chữa, làm hệ thống thoát nước trên taluy cho an toàn. Tuy nhiên, theo ông Luyện, muốn sửa chữa những taluy lớn không phải chuyện dễ dàng.
“Ở khu này nhà có taluy cao rất nhiều, sống lâu thì quen còn lo thì vẫn lo. Chúng tôi cũng muốn sửa lại cho kiên cố nhưng số tiền sửa mấy chục triệu đồng lấy đâu ra” - ông Luyện nói.
Khó tránh nguy cơ sạt lở Theo một cán bộ Phòng quản lý đô thị UBND TP Đà Lạt, hằng năm tùy công trình xin cấp phép, cơ quan chức năng đều yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn kết cấu công trình, phải có taluy đúng quy định. Trung bình với 1.000 giấy phép được cấp hằng năm, có khoảng 20% công trình có phương án xây dựng taluy kèm theo. “Một đặc điểm chung là hầu hết công trình nhà dân đã qua sử dụng trong nhiều năm, không được bảo dưỡng. Đồng thời cộng với điều kiện thời tiết mưa lớn bất thường thời gian gần đây khiến nhiều taluy dần mất ổn định và nguy cơ sạt lở là khó tránh khỏi” - vị cán bộ này nói. |
Khu vực đường Đào Duy Từ, P.4, TP Đà Lạt nổi tiếng lâu nay bởi những đoạn dốc gắt 75o và những taluy dài, nối từ nhà này qua nhà khác vây quanh mọi ngóc ngách đường phố. Ông Lê Văn Nam, một người dân ở đây có nhà sát mép một taluy cao 15m, dài 100m, cho biết thường xuyên có những vụ sạt lở nhỏ. Điều đặc biệt nguy hiểm là taluy này không có bất kỳ kè chắn, mối giằng nào. Phía trên đơn giản chỉ là lớp bêtông lót mặt đường dày 10cm do ông Nam và sáu hộ dân góp tiền tự đổ cách đây bốn năm. Phía dưới chân taluy là hai hộ dân xây nhà kiên cố sinh hoạt nhiều năm qua. Ông Nam cho biết trước đây Đà Lạt mưa dầm dề cả tháng nhưng gần đây khí hậu thay đổi, mưa ngắn chỉ 1-2 giờ nhưng mưa rất lớn làm xói mòn đất nhanh chóng.
Trước đó, ngày 3-5, một taluy cao 10m tại đường Đào Duy Từ đã bất ngờ sập kéo theo gần 20m3 đất đá, vùi một chiếc xe taxi 7 chỗ hư hỏng hoàn toàn.
Quản lý không dễ...
Ông Lê Quang Trung - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - cho biết hiện hầu hết những công trình nhà, biệt thự, cầu đường... tại TP Đà Lạt đều có hệ thống taluy dù cao hay thấp, chiếm khoảng 70-80%. Đây là nét đặc trưng trong kiến trúc xây dựng của thành phố vì địa hình đồi núi dốc, quanh co bắt buộc khi xây dựng phải có taluy kè chắn công trình.
Theo ông Trung, những công trình có taluy lớn như tại khu Hòa Bình, P.1, TP Đà Lạt (taluy có độ cao gần 15m và kéo dài 200-300m) đều có đơn vị chức năng bảo dưỡng, xem xét tác động sửa chữa định kỳ nên về cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, với hàng nghìn công trình taluy của người dân, việc quản lý các nguy cơ trước tác động của con người, môi trường thiên nhiên không phải dễ dàng. Về mặt quản lý nhà nước cũng có một số vướng mắc. Ví dụ như việc cơ quan chức năng cấp phép cho xây dựng, nhưng nhà thầu thi công thi công không đúng kỹ thuật. Trong khi đó, khâu hậu kiểm, giám sát hiệu quả còn chưa cao.
Tại các khu vực như P.7, P.3, P.4... (TP Đà Lạt) có độ dốc lớn, người dân sống dưới chân núi cao nhưng không hề dùng kè chắn cho taluy. Có nơi như ở Suối Cát Xuân An, P.3, taluy cao tới 20m nhưng người dân chỉ để cỏ mọc trên bờ taluy và sinh hoạt dưới mối nguy hiểm tiềm ẩn hằng ngày. Theo ông Trung, ở những nơi như vậy, người dân chủ quan không thường xuyên khơi thông khe rãnh thoát nước trên bề mặt taluy khiến nước ứ đọng, xói mòn mất ổn định, tạo sức nặng lên taluy rất nguy hiểm. Ngoài ra, vết nứt taluy nguy hiểm chỉ vài milimet thường bị rong rêu bám lên che khuất nên người dân khó phát hiện để kịp thời khắc phục.
Ông Trung khuyến cáo người dân ngay khi phát hiện dấu hiệu taluy nứt, quá tải... cần liên hệ ngay tới các đơn vị tư vấn kiểm định công trình tại thành phố hay Trung tâm kiểm định xây dựng (Sở Xây dựng TP) để cơ quan chuyên môn có đánh giá chính xác và sửa chữa kịp thời. “Sở Xây dựng TP đã có các văn bản cảnh báo liên quan tới người dân trong công tác phòng tránh các nguy cơ sạt lở khi mùa mưa đã bắt đầu và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên trong thời gian tới” - ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận