Phóng to |
Tổ ấm trong nhà nuôi trẻ ở Trung tâm công tác xã hội Nghệ An, chi nhánh huyện Đô Lương - Ảnh: Vũ Toàn |
Ông Lê Trung Thực, giám đốc Trung tâm công tác xã hội Nghệ An, chỉ hai bé gái kể: “Em Lê Thị H., 9 tuổi, chưa được cắt rốn đã bị bỏ trong làn nhựa đặt trước cổng cơ quan tôi lúc mờ sáng. Nhân viên bảo vệ nhìn thấy nên bé được đưa vào trung tâm ngay. Nguyễn Thị T., 7 tuổi, cũng là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong góc tối một bệnh viện. Nhân viên của trung tâm đi hơn 70km đến đưa em về nuôi. Bây giờ H. là học sinh lớp 3, T. chuẩn bị lên lớp 2 Trường tiểu học cơ sở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương”.
Những cảnh đời
Ông Thực tạm dừng câu chuyện để nghe điện thoại rồi cho biết thông tin mới: “Phòng Lao động-thương binh va xã hội huyện biên giới Kỳ Sơn muốn trung tâm nhận nuôi ba anh em từ 5-9 tuổi. Cha ba em này đi cai nghiện rồi bỏ trốn. Mẹ nuốt lá ngón tự tử năm 2010. Hai đứa lớn phải bỏ học lớp 2 đi làm thuê để nuôi em nhưng không tìm được việc làm”. Nói xong, ông Thực phân công cán bộ và lái xe chuẩn bị đi hơn 200km lên Kỳ Sơn làm thủ tục đón ba anh em về nuôi.
Rẽ vào con đường lát gạch lượn vòng dưới bóng hàng xoài đến khu nhà nuôi trẻ, chúng tôi bắt gặp mấy bé tuổi từ 6-8 đang chơi đu quay, cầu trượt. Còn 25 bé tuổi từ 1-3 đang nằm chơi trong những chiếc giường inox di động. Chị Phan Thị Sen, 30 tuổi, trưởng phòng tư vấn và chăm sóc trẻ, bế đứa trẻ bé nhất, kể: “Đây là bé Lê Lan A. bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Nghệ An lúc mới một ngày tuổi. Khi chúng tôi tới nhận, bé chỉ nặng 0,7kg”. Chị nhớ lại cảnh đời của những đứa trẻ tội nghiệp: “Có em bị bỏ rơi trong hố rác. Có em được mẹ bế vào trong đêm khuya nhờ nuôi nhưng khi đang làm thủ tục thì mẹ bỏ đi mất. Có em khi bế về nhìn mặt mũi khôi ngô nhưng mở tấm chăn ra thấy không có xương chậu”. Rồi chị Sen tiếp lời: “Làm ở đây lương không cao nhưng ai cũng tự nguyện bởi nghĩ con mình có cha có mẹ, còn các em này lại gặp số phận như thế, thương lắm”.
Nói xong, chị Sen gọi hai chị em Nguyễn Thị Huyền T. (8 tuổi, học lớp 2) và Nguyễn Thị Quỳnh N. (6 tuổi, học mẫu giáo) đến trò chuyện. Tôi hỏi, đi học về cháu làm gì, T. thưa: “Cháu rửa mặt mũi rồi dọn bàn ăn cơm, bón cơm cho em ăn. Tối học bài xong mới đi ngủ. Ngoan như thế bố Thực mới khen”. T. và N. là hai trong hầu hết trẻ ở đây không biết bố mẹ và quê quán. Nhìn hai em trò chuyện, ông Thực bộc bạch: “Nhiều lúc có em ùa vào lòng tôi hỏi: Bố cho con hỏi thật nhé, mẹ con đi đâu sao lâu không thấy về? Con có phải bị bỏ rơi trước cổng cơ quan không bố? Nghe mấy đứa hỏi tôi ứa nước mắt”.
Ươm mầm hạnh phúc
Trung tâm nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi từ năm 1997, đến năm 2007 trung tâm trở thành đơn vị trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, các em mới có chế độ chăm nuôi hằng tháng. Suốt 10 năm, trung tâm này “nuôi trẻ bằng tình thương là chính”. Ông Thực giải thích việc nuôi trẻ bằng tình thương nghĩa là nuôi bằng nguồn tiền có được từ lao động của 57 cán bộ, nhân viên khi làm ở xưởng may, khi dạy lái xe máy, ôtô hoặc đi xây từ bờ tường đến nhà hai tầng cho dân quanh vùng. Sau 16 năm có hơn 30 trẻ trở thành công nhân các xí nghiệp may, cơ khí hoặc về quê mở tiệm làm nghề. Hiện có 20 em học tiểu học và THCS, còn lại học lớp mầm non ngay trong trung tâm. Kể chuyện các em đi học, ông Thực cho hay trung tâm có năm trẻ khuyết tật nhưng học khá. Đặc biệt có em chỉ có hai ngón tay trỏ và không có bàn chân mà vẫn cố gắng đi học.
Còn một câu chuyện sau cùng chúng tôi muốn nói đến là năm nay giám đốc Lê Trung Thực đã 51 tuổi, vẫn là ông giám đốc đạt quán quân về những cái “không”: không uống rượu bia, không hút thuốc lá; ăn chay trường; không nhà riêng, không vợ con và không bao giờ nhận lương. Đến kỳ nhận lương, ông giao kế toán nhận rồi bỏ vào quỹ cơ quan bổ sung vào các khoản chi. Ông nói vui: “Số tôi tiến thì làm quan, lùi thì làm thầy”. Quả thật, tại trung tâm này tôi ngạc nhiên khi nghe các trẻ gọi ông là “bố Thực”. Còn từ phó giám đốc trở xuống ai cũng gọi ông là “thầy Thực”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận