Bệnh nhân là ông L.V.T., 58 tuổi, trú tại xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Trong lúc vận hành máy cắt cây trên đồi trồng keo, do bất cẩn, ông T. bị máy văng vào chân phải. Cổ chân bị đứt lìa.
Nối thành công cổ chân bị đứt lìa cho bệnh nhân bị tai nạn lao động
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, ý thức lơ mơ, chân phải có vết đứt sắc gọn, đứt xương chày, xương mác và toàn bộ mạch máu; lộ cơ và xương giập nát, bàn chân phải lạnh, mất cảm giác, mất vận động, mạch mu chân không bắt được. Bệnh nhân bị tổn thương rất phức tạp, có nguy cơ cắt cụt chân phải cao.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã truyền máu, cắt lọc, làm sạch vết thương, phẫu thuật xuyên đinh cố định xương, khâu nối động mạch chày trước, động mạch chày sau, tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch chày trước; nối gân gót, gân chày trước, các gân gấp, gân duỗi chung các ngón, nối dây thần kinh bằng kính vi phẫu.
Sau hơn sáu giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã phục hồi toàn bộ giải phẫu, khâu nối gân cơ, các mạch máu và thần kinh cho cẳng chân đứt lìa của bệnh nhân.
Ngày thứ bảy sau mổ, bệnh nhân phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định. Tại chỗ vết mổ khô, chân nối của bệnh nhân phục hồi tốt, cẳng bàn chân phải hồng ấm có cảm giác, ngón chân cử động nhẹ nhàng, hồi lưu tốt.
Hiện nay, sau ba tuần điều trị, cổ chân được nối của bệnh nhân T. phục hồi tốt. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các bài tập luyện phục hồi chức năng, để đảm bảo phần chân nối có thể phục hồi gần như ban đầu các chức năng vận động.
Bác sĩ Hoàng Tuấn Long - phó trưởng khoa chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trưởng kíp phẫu thuật - cho biết đứt rời tay hoặc chân là các tổn thương nặng, không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt sau này.
Việc triển khai, ứng dụng thành công kỹ thuật nối chi thể đứt rời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã mang lại kết quả rất tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận