Ông chủ trẻ Trần Thanh Nhật với công việc yêu thích bên trong salon tóc của chính mình - Ảnh: TẤN LỰC
Từng sống với quá khứ nghiện ngập, trộm cắp, tù tội cùng cái nhìn xa lánh từ cộng đồng khiến những bạn trẻ một thời lầm lỡ tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Thoát khỏi chuỗi ngày u tối
Ở số 80 đường Dương Vân Nga (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vừa mọc lên một salon tóc bề thế với trang bị khá hiện đại. Khách đến ai nấy đều ngạc nhiên khi biết rằng ông chủ trẻ của salon Trần Thanh Nhật (24 tuổi) từng có một quá khứ khá đặc biệt.
Nhà Nhật tại phường Thọ Quang, có ba chị em. Sau một biến cố, cảnh nhà từ đó sa sút. Nhật bỏ học lang thang theo đám bạn xấu rồi lâm vào ma túy lúc nào chẳng hay
"Lúc trước mình chơi bời thì phải nói là tanh bành khói lửa, ma túy món gì cũng từng chơi qua. Để có tiền bù khú, mình chơi game bắn cá không đủ nên lần lượt mang xe cộ, tài sản trong nhà đi cầm hết. Lúc đó cha mẹ, anh chị buồn lắm nhưng mình mặc kệ không quan tâm. Sau một đêm chơi thuốc, sáng ngủ dậy mới biết mình bị bắt vào trại cai nghiện" - Nhật kể lại.
Sau hơn một năm cai nghiện trở về, tình cờ Nhật nhận được thư mời của Tổ chức Tầm nhìn thế giới và quyết định tham gia vào Chương trình giáo dục, cảm hóa và dạy nghề cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt (4E).
Nhật bảo rằng hầu như cả con người anh đã được chương trình này đào tạo lại. Nhìn lại quá khứ, anh thấy thương cha mẹ và giận bản thân mình. Anh bày tỏ nguyện vọng được giúp đỡ học nghề và tìm việc làm.
Sau thời gian thử thách, Nhật vượt qua các bài kiểm tra và được chương trình giới thiệu học nghề tóc tại một salon nổi tiếng trên đường Lê Độ. Một năm học tập trôi qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới và nguồn vay mượn từ gia đình, Nhật đã thành lập salon tóc cho riêng mình.
"Mấy tháng đầu thu nhập chưa cao nhưng cũng ổn, mình thấy nghề này có triển vọng lâu dài. Bây giờ mình đã trả được một phần nợ vay ngân hàng, cố gắng đến hết năm nay sẽ trả dứt nợ. Từ lúc đi cai về mình tăng hơn 20kg, nhìn lại tấm ảnh gầy đét ngày xưa mà phát sợ. Giờ mục tiêu của mình là phát triển salon, sau này có cơ hội sẽ giúp đỡ lại các em có hoàn cảnh như mình. Ổn định rồi thì mới tính chuyện lấy vợ, lập gia đình" - Nhật cười, nói.
Giúp đỡ các em bằng cái tâm chân thành
Sau hai năm triển khai, chương trình 4E tiếp cận đến 120 bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại quận Sơn Trà, hơn 30 bạn đã đi đến cuối chương trình. Không chỉ thay đổi nhận thức, quan điểm sống, các bạn còn được đào tạo nghề và có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống bản thân và giúp đỡ được gia đình.
Anh Trần Ngọc Minh, nhân viên Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Đà Nẵng, bảo rằng việc thay đổi một con người là hành trình đầy chông gai.
"Trước hết phải tạo cho các em cảm giác gần gũi và tin tưởng ở mình. Trong những cuộc đối thoại, chúng tôi đề nghị công an mặc thường phục, lãnh đạo không mang veston để các em không cảm thấy mình bị phân biệt. Khi niềm tin đã được gầy dựng thì các em mới trút bỏ mặc cảm mà trải lòng về hoàn cảnh của mình. Từ đó chúng tôi mới tìm được phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em. Mà không phải ngày một ngày hai là các em ngoan liền đâu. Nhiều em ăn nói cộc cằn, thiếu kỷ luật nên gửi tới cơ sở dạy nghề người ta không nhận. Mình phải sửa các em từ cách nói chuyện, giao tiếp. Bày dạy các em như là con của mình vậy" - Minh chia sẻ.
Theo Minh, qua tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới hành động hư hỏng của các bạn đa phần đến từ gia đình. Nhiều gia đình bố mẹ không hạnh phúc, thường xuyên cãi vả, bạo hành. Các em oán giận gia đình, lớn lên thiếu vắng tình thương yêu của bố mẹ rồi tìm theo bạn bè xấu.
Có những em rất đầu gấu, lì lợm nhất bọn nhưng đến khi trải lòng thì lại là đứa khóc nhiều nhất. Có em chỉ ước ao được ăn bữa cơm gia đình có cha có mẹ. Minh bảo rằng những hành động bạo lực của các em chỉ nhằm che đi sự yếu đuối trong tâm hồn.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, nhận định chương trình 4E thực sự hiệu quả và hoàn toàn khác cách làm của các hội đoàn thể lâu nay. Đây là chương trình có quá trình đồng hành lâu dài từ thay đổi nhận thức tới đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và có tính thử thách rất cao.
"Tại đây các em được học giá trị và kỹ năng sống, đào tạo lại con người. Từ đó, các em từ bỏ ma túy một cách bền vững và phát triển nghề nghiệp ổn định. Các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp bên ngoài cũng rất quan tâm các em và sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề. Sau quá trình đào tạo, chúng tôi rất vui khi các em thẳng thừng từ chối ma túy. Nhiều gia đình xúc động đến bật khóc vì nhìn thấy con em mình thay đổi. Từ thành công này, quận sẽ mở rộng thành phần sang thanh niên phạm tội, thanh niên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có việc làm. Đồng thời mở rộng địa bàn thêm 4 phường ngoài vùng dự án. Dần dà, chúng tôi sẽ nhận chuyển giao chương trình từ Tổ chức Tầm nhìn thế giới và tự mình đảm trách thực hiện" - ông Xứng nói.
Dìu dắt thế hệ sau
Hiện tại, salon tóc của Nhật luôn dành ra một ngày trong tháng để cắt tóc miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực. Ngoài ra, Nhật cũng cam kết nhận đào tạo nghề miễn phí cho những em có hoàn cảnh tương tự do chương trình giới thiệu.
Anh Trần Ngọc Minh bảo rằng một trong những mục tiêu của chương trình này là khuyến khích những bạn thành công quay lại giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh tương tự khi có điều kiện. Đây được coi là hành động thể hiện trách nhiệm và góp phần dìu dắt các thế hệ sau trong hành trình làm lại cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận