Phim Ròm là điển hình của sự khác biệt về quan điểm giữa nhà quản lý và nhà làm phim - Ảnh: ĐPCC
Hội thảo tham vấn Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam do UNESCO và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức trong cả ngày 28-7 nhằm tìm kiếm môi trường sáng tạo, bình đẳng hơn cho các nhà làm phim Việt Nam.
Nên chăng bỏ kiểm duyệt?
Bà Nguyễn Thị Thu Phương (VICAS), người thực hiện nghiên cứu Cơ hội, thách thức của các nhà làm phim Việt Nam do UNESCO đặt hàng, cho biết đa số các đối tượng được phỏng vấn đều cho rằng Luật điện ảnh chưa thể hiện được đặc thù của hoạt động điện ảnh, chưa theo kịp tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Luật thiếu những quy định cụ thể khiến cả người làm phim và người duyệt phim hoang mang. Kiểm duyệt phim ở Việt Nam lỗi thời, ngăn cản sự sáng tạo, nên phim không đi đến tận cùng được mọi khía cạnh của đời sống. Ngoài ra, Nhà nước thiếu chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà làm phim và đào tạo nhân lực chưa phù hợp.
Không nói đâu xa, bộ phim Ròm là một ví dụ điển hình cho thấy có một độ vênh nhất định giữa quan điểm của giới làm phim với Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện.
Ròm đã được Liên hoan phim Busan 2019 trao giải quan trọng là New Currents, nhưng tại Việt Nam trước khi ra rạp bộ phim đã bị phạt hành chính (vì lỗi không xin phép cơ quan quản lý đã đưa phim đi dự thi nước ngoài) và đạo diễn phải cắt gọt phim theo yêu cầu của Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện.
Số phận phim này cũng long đong, đến lúc ra được rạp rồi thì dịch COVID-19 khiến phim liên tục phải dời lịch chiếu.
Tại hội thảo, nhà làm phim độc lập Trần Phương Thảo, Đặng Hồng Giang, Nguyễn Lê Hoàng Việt đã nêu nhiều ví dụ về tình trạng "kiểm duyệt để an toàn" đến mức khó chịu của Việt Nam, cũng như nỗi sợ mơ hồ về kiểm duyệt của các nhà làm phim Việt Nam.
Nhà làm phim Trần Phương Thảo còn đặt vấn đề nên chăng bỏ kiểm duyệt?
Nói thực có nhiều phim sau khi bị kiểm duyệt, cắt cúp xong, khán giả xem không hiểu gì, nhà làm phim "khóc một dòng sông" luôn.
NSƯT Chiều Xuân
Nhà nước cần bắt tay với tư nhân, cộng đồng
Hiện giờ, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang thi hành Luật điện ảnh cũ với những quy định lỗi thời, lạc hậu. Nhiều người trong các cơ quan này vẫn coi điện ảnh là một sản phẩm văn hóa tư tưởng, tách biệt với thị trường.
Trong khi đó, khối làm phim tư nhân và khối làm phim độc lập từ lâu đã chạy theo nhịp của thị trường. Sản phẩm của họ làm ra để phục vụ khán giả, chứ không nhằm mục đích tuyên truyền như phim nhà nước một thời.
Đó chính là lý do thường xuyên có xung đột giữa cơ quan quản lý nhà nước với những nhà làm phim.
Tại hội thảo, bà Phạm Thanh Hường, trưởng ban văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ghi nhận những năm gần đây Việt Nam đã có một sự thay đổi lớn về mặt nhận thức với sản phẩm văn hóa. "Việc sản xuất, phổ biến phim trên thế giới hiện nay không thể bền vững nếu tách rời nó ra khỏi yếu tố kinh tế và công nghiệp điện ảnh", bà Phạm Thanh Hường chia sẻ.
Theo khuyến nghị của UNESCO, điều cần nhất hiện nay là tạo ra được cái bắt tay giữa chính phủ với khu vực tư nhân, cộng đồng nhằm xây dựng, duy trì nền tảng đối thoại và hợp tác, tạo ra một thị trường thuận lợi hơn cho các nhà làm phim, đồng thời tạo ra sự phát triển bền vững, toàn diện.
Mặc dù hội thảo Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim tại Đông Nam Á, có mục đích tìm kiếm các gợi ý và hiến kế gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước nhưng khi gặp những câu hỏi về chính sách, đại diện Cục Điện ảnh cho biết cục sẽ lắng nghe để đưa vào góp ý Luật điện ảnh sửa đổi, bổ sung và khuyến nghị các nhà làm phim đọc kỹ Luật điện ảnh hiện hành để hiểu.
Ngoài ra, đại diện này không trả lời cụ thể vào các câu hỏi.
Để thay đổi diện mạo ngành điện ảnh Việt Nam sẽ cần có một cuộc cải tổ về chính sách. Nhưng trong các cuộc thảo luận về chính sách hiện nay, dễ nhận thấy điểm yếu nhất của các nhà làm phim Việt Nam là thiếu kiến thức pháp luật, ít người chịu nghiên cứu sâu về chính sách.
Nên dù là người trong cuộc nhưng họ cũng chỉ có thể nêu được những vướng mắc họ gặp phải trong quá trình làm phim. Ít người phân tích được chính sách bất cập ở chỗ nào, cũng như ít người đưa ra được những giải pháp để thay đổi.
Trung tâm Chiếu phim quốc gia lỗ 9 tỉ đồng trong 6 tháng vì COVID-19
Đây là ghi nhận của đại diện Trung tâm Chiếu phim quốc gia trong hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm diễn ra chiều 28-7 tại Hà Nội.
Dịch COVID-19 đã "ảnh hưởng khủng khiếp" trong 6 tháng qua, khiến Trung tâm Chiếu phim quốc gia mặc dù chưa bao giờ thiếu cân đối tài chính nhưng 6 tháng qua đã lỗ 9 tỉ đồng.
Hậu quả từ COVID-19 cụ thể ở thời gian chiếu phim không đều, ngoài lúc phải đóng cửa, khi mở cửa cũng vắng khán giả và nguồn phim từ thị trường Mỹ bị hạn chế.
Đây cũng là tình trạng chung của các rạp phim, nhà hát, bảo tàng, di tích trên cả nước, theo nhận định trong báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Thậm chí hoạt động của các trường thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng khó khăn. Riêng Trường ĐH Văn hóa cho biết trường này có số học sinh thôi học tăng hơn mọi năm, với 750 sinh viên không đăng ký học kỳ 2 của năm học 2019-2020, trong đó nhiều sinh viên bỏ học, nhiều sinh viên xin thôi học một năm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong phát biểu tổng kết hội nghị nhấn mạnh đây là 6 tháng vô cùng đặc biệt của lịch sử ngành văn hóa và ghi nhận nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn của toàn ngành.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ông Thiện chỉ đạo các đơn vị phải suy nghĩ tìm giải pháp để thực hiện được nhiệm vụ kép, vừa chống dịch an toàn vừa tiếp tục hoạt động hiệu quả. Tuy thế, bộ trưởng không đưa ra được bất cứ gợi ý về giải pháp nào cho các đơn vị.
T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận