30/10/2017 10:48 GMT+7

'Nói sai phạm rất nghiêm trọng nhưng chỉ cho thôi giữ chức vụ'

LÊ KIÊN - LÊ THANH
LÊ KIÊN - LÊ THANH

TTO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân đặt vấn đề: "Các sai phạm của cán bộ, Đảng viên đều nói là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nhưng chỉ cho thôi giữ chức vụ, đâu phải là hình thức kỷ luật."

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phát biểu tại Quốc hội sáng 30-10 - Nguồn clip: VTV

Phát biểu tại phiên thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính hôm nay 30-10, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nhận định một trong những nguyên nhân khiến công tác này thời gian qua còn thiếu hiệu quả là thực hiện kỷ luật hành chính.

Cho thôi giữ chức đâu phải kỷ luật!

"Cử tri và nhiều cán bộ lão thành rất bức xúc việc khi Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cấp phát hiện và nêu ra các sai phạm của cán bộ, Đảng viên đều nói là ‘nghiêm trọng’, ‘rất nghiêm trọng’, xử lý kỷ luật về Đảng rồi nhưng về nhà nước thì chưa xem xét các mức độ sai phạm đó, truy cứu trách nhiệm với pháp luật như thế nào. Áp dụng hình thức cho ‘thôi’ giữ chức vụ, nhưng đây đâu phải hình thức kỷ luật", ông Hồng Vân nói.

Đại biểu Phú Yên cũng nêu tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, quy trình hoặc vượt quá số lượng.

"Đâu đó vẫn còn hiện tượng ‘phạt cho tồn tại, y như trong quản lý xây dựng. Xây dựng sai phép thì phải cưỡng chế, dỡ bỏ, đây đề bạt cán bộ sai thì phạt cho tồn tại là không phù hợp’, ông Nguyễn Hồng Vân nói.

Theo đại biểu Phú Yên, cần xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm để công bằng, nâng cao nhận thức về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì đề nghị không thí điểm mà thực hiện luôn việc bí thứ cấp ủy xã đồng thời là chủ tịch UBND thống nhất trong cả nước, có chế độ phụ cấp hợp lý hơn. Theo ông Hòa, như thế là trao quyền mạnh hơn về đánh giá, quản lý cán bộ cho người đứng đầu.

Bộ máy phình ra, biên chế tăng lên

Trước đó, báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày.

Nói sai phạm rất nghiêm trọng nhưng chỉ cho thôi giữ chức vụ - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Báo cáo chỉ ra một số bất cập cần điều chỉnh: Tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa đồng bộ và chưa triệt để; một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về (như một số nội dung trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng hoặc việc đăng ký quyền sử dụng đất). 

Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức "cứng" ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở Trung ương); chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Nhóm công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm 3.056 người. Trong khi đó, nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh (năm 2016 là 2.093.313 người, tăng so với năm 2011 là 121.736 người.

Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.

Biên chế công chức, báo cáo giám sát nhận định, đã được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tỏ ra lo ngại việc phình to số lượng cán bộ công chức, viên chức lên tới 2 triệu người gây khó khăn cho ngân sách khi hàng năm phải bỏ ra 20% chi thường xuyên để chi cho lương cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức.

Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị Cải cách tốt bộ máy, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
LÊ KIÊN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp