15/08/2017 18:47 GMT+7

​Nơi núi rừng Tây Bắc có cậu bé nghèo hiếu học

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Bố mẹ bỏ nhau từ năm Điệp lên 4, em sống chung với ông bà nội từ ngày đó. Những ngày lên nương lên rẫy, bà nội lại gùi Điệp lên lưng, để em ở lán rồi đi làm.

Thầy Vương Văn Vui (bìa phải) là người phát hiện ra đam mê Sinh học của Điệp. Hai thầy trò cùng ôn luyện, hỏi - đáp nhanh để rèn luyện trí nhớ cho Điệp - Ảnh: HÀ THANH
Thầy Vương Văn Vui là người phát hiện đam mê sinh học của Điệp. Hai thầy trò cùng ôn luyện, hỏi - đáp nhanh để rèn luyện trí nhớ cho Điệp - Ảnh: HÀ THANH

Cứ thế Điệp tự lớn lên, tự biết đi, tự biết nói giữa núi rừng. Suốt 14 năm qua, cơm ăn bữa đói bữa no nhưng cậu bé Điệp chưa một lần có ý định bỏ học, em nuôi ước mơ trở thành thầy giáo để lớn lên phụng dưỡng ông bà.

Những ngày mưa lũ, đường vào xóm Chum Nưa (xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) càng khó hơn gấp bội vì mưa lớn khiến nhiều điểm sạt lở, đường sá trơn trượt. Mất 2 giờ đồng hồ đi từ trung tâm huyện Đà Bắc, chúng tôi mới đến được xóm Chum Nưa khi hay tin nơi đây có cậu bé nghèo Vì Văn Điệp hiếu học.

Bữa cơm của ba người chỉ có cơm trắng với bát nước mắm, Điệp thường xuyên nhịn đói đến trường - Ảnh: HÀ THANH
Bữa cơm của ba người chỉ có cơm trắng với bát nước mắm, Điệp thường xuyên nhịn đói đến trường - Ảnh: HÀ THANH

Nghèo xác nghèo xơ, cơm ăn bữa đói bữa no

Ở Trường THCS Mường Chiềng, thầy cô nào cũng nắm rõ từng chi tiết, kể rành mạch hoàn cảnh của gia đình Điệp.

Tròn 11 tháng tuổi, bà nội Xà Thị Pộn (73 tuổi) mang Điệp về nhà nuôi vì bố mẹ thường xuyên lục đục. Ngày em lên 4 tuổi, bố mẹ chia tay, Điệp về sống luôn với ông bà. Bố vào miền Nam, mẹ đi bước nữa, thỉnh thoảng mới gửi về cho ông bà số tiền 500.000 đồng/tháng nuôi Điệp.

Kể từ ngày đó, cái nghèo đói cứ bám riết lấy cuộc sống của ba con người: hai già, một trẻ trong căn nhà sàn dột ướt. Bữa cơm chỉ toàn rau, thậm chí có những bữa cơm ăn với muối trắng, với chút nước mắm. Họa hoằn lắm thì một tháng gia đình mới có được đĩa thịt. Điệp ngậm ngùi nói: “Có nhiều ngày con nhịn đói đi học”.

Mỗi ngày em thức dậy từ 5h30 sửa soạn quần áo, sách bút rồi đến trường. Có những hôm đói lả nhưng Điệp vẫn cuốc bộ 3km để đến được trường lớp. Ông bà già yếu nên Điệp quán xuyến hết việc nhà, từ làm nương rẫy, chăm lo cơm nước, giặt giũ quần áo, em chẳng nề hà việc gì.

Năm nay Điệp lên lớp 8 nhưng dáng người em nhỏ thó vì không đủ ăn, đủ mặc. Ấy thế mà dù cái bụng rỗng đến trường còn nhiều hơn cái bụng no, nhưng suốt mấy năm học qua chưa một ngày nào em xin nghỉ học.

Nhà chỉ có duy nhất một cái bóng đèn điện nên tối đến, Điệp tận dụng ánh sáng tự nhiên để học. Khó khăn nhưng suốt mấy năm liền em đều đạt học sinh giỏi toàn diện - Ảnh: HÀ THANH
Nhà chỉ có duy nhất một cái bóng đèn điện nên tối đến, Điệp tận dụng ánh sáng tự nhiên để học. Khó khăn nhưng suốt mấy năm liền em đều đạt học sinh giỏi toàn diện - Ảnh: HÀ THANH

“Gia tài” quý giá

Không tivi, không quạt điện, có lẽ thứ đáng giá nhất trong căn nhà sàn dột ướt là những tấm giấy khen treo trên vách sàn đã dần phai màu mực và chiếc rương cũ kỹ đựng sách vở của Điệp. Nói là gia tài vì chiếc hòm này lắm công dụng, nó vừa giúp em đựng sách vở, vừa “hô biến” thành một bàn học ngay ngắn.

Từ nơi này, Điệp chăm chỉ học hành, hoàn thành hết các bài tập về nhà. Em thường tranh thủ học lúc trời còn sáng, bởi trong nhà chỉ có một bóng đèn sáng chẳng đủ nhìn thấy mặt người. Vậy mà, suốt 7 năm liền Điệp luôn đạt học sinh giỏi toàn diện và mang về nhiều bằng khen, giấy khen.

Đặc biệt em có niềm yêu thích với môn sinh học nên từ khi lên THCS, nhà trường luôn đưa em đi “chọi”. Năm vừa rồi Điệp xuất sắc giành giải ba môn sinh học cấp huyện. Bên cạnh đó em còn yêu thích môn tiếng Anh nên luôn đạt từ 8 - 9 điểm. Điệp nói tiếng Anh rất thú vị và cố gắng học tốt môn học này vì sẽ giúp cho tương lai của em.

Ông bà, thầy Vương Văn Vui, thầy cô giáo Mường Chiềng, trưởng thôn Vì Văn Hớn… mừng lắm. Nơi xóm nghèo xa xôi hẻo lánh lại có một cậu bé nghèo chăm ngoan, học hỏi, có tinh thần hiếu học nên ai cũng thương, cũng quý.

Thầy Vui là thầy giáo ở Trường THCS Mường Chiềng, dạy môn kỹ thuật công nghệ, vừa dạy môn sinh học và là người phát hiện, nuôi dưỡng đam mê sinh học cho em Điệp. “Nhà quá khó khăn, chỉ có vài tạ thóc là đáng giá nhưng em nó không nản chí. Em chăm chỉ, có trí nhớ tốt và rất tự giác học nên tôi thấy cần phải ươm mầm tài năng cho con trẻ. Với tài năng này, tôi sẽ theo dõi em suốt năm học tới và bồi dưỡng cho em”, thầy Vui tâm sự về cậu học trò nhỏ.

Còn trưởng thôn Vì Văn Hớn thường xuyên qua nhà thăm hỏi, động viên Điệp đến trường. Ông nói riêng nhà ông Chịp (ông nội của Điệp - PV) thuộc diện đặc biệt khó khăn nên cứ đến lễ tết là không ai tranh quà biếu của họ, thậm chí còn để dành, cho thêm. Thấy ông bà và cháu ăn cơm trắng, thỉnh thoảng hàng xóm láng giềng người cho mớ rau, người cho ít thịt cá.

“Chẳng có bao nhiêu đâu, nhưng giúp đỡ được phần nào hay phần đó. Tôi thấy cháu nó học được nên cảm ơn lắm vì cháu có nghị lực. Mong muốn về sau cháu tiếp tục học lên cao nữa để giúp ích cho gia đình, xã hội”, ông Hớn chia sẻ.

Kèm bạn yếu học, làm người tốt

Không chỉ nhận nhiều giải thưởng về học tập, Điệp còn nhận bằng khen “Gương người tốt, việc tốt” năm 2016 từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như kèm cặp bạn học cùng tiến, giúp đỡ bạn bè. Mỗi khi có bạn ở lớp ốm, Điệp lại làm vệ sinh trường lớp thay các bạn.

“Ở lớp con kèm học cho bạn Tú, bạn Thiện. Các bạn nhờ con kèm hộ vì bạn Tú lực học yếu, bạn Thiện nhờ con kèm nên từ lực học yếu lên trung bình”, Điệp vui vẻ nói.

Hỏi em có bao giờ buồn khi bố mẹ chia tay, ánh mắt rắn rỏi của Điệp chùng xuống rồi như tủi thân, đứa trẻ òa lên khóc nức nở. “Con buồn, nhưng thầy cô giáo khuyên con không nên bỏ học. Chưa bao giờ con có ý định bỏ học cô ạ”, Điệp gạt nước mắt.

“Nếu ông bà mất đi, con phải học thành người”

Bên mâm cơm đạm bạc chỉ có cơm trắng với nước mắm, bà Xà Thị Pộn rưng rưng kể: “Bố mẹ bỏ nhau khi Điệp còn bé. Khó khăn quá không biết làm thế nào nên làm nương, làm rẫy già cũng mang nó đi. Không có gì ăn đâu, nó tự lớn lên ở lán rừng, tự biết đi, biết nói”.

Nhìn đứa cháu nhỏ, bà nói dù hoàn cảnh khó nghèo nhưng đi học về, thương bà nên Điệp làm hết mọi việc nhà. “Nó còn nói là rất thương già, thương ông nên dặn già yên tâm, sau này cháu nó sẽ trở thành thầy giáo để nuôi được ông bà”, bà Pộn gạt nước mắt rồi như dặn dò đứa cháu nhỏ, “nếu ông bà mất đi, con phải thật khỏe mạnh, con phải học thành người”.

Điệp tâm sự, xa bố mẹ đã mười mấy năm nhưng cuộc sống của em với ông bà rất hạnh phúc vì ông bà thương em lắm. Em nói muốn trở thành thầy giáo dạy môn sinh học như thầy Vui để sau này lớn lên phụng dưỡng được ông bà.

Hỏi em có cảm thấy việc học bây giờ khó khăn không, Điệp rắn rỏi nói: “Việc học với con không khó, nhịn đói con vẫn đi học vì con thích học lắm. Con không nghĩ nhiều cho bản thân, chỉ mong ông bà sống lâu bên con, luôn luôn khỏe mạnh”.

Điều ước đó của Điệp cũng là điều khiến em và thầy cô giáo Mường Chiềng lo lắng nhất bấy lâu nay. Ông nội Vì Văn Chịp năm nay già yếu, tay chân bủn rủn nên chỉ biết ngồi quanh bếp lửa, còn bà Pộn sức khỏe ngày một yếu dần.

Tương lai phía trước của Điệp còn rộng lớn, thầy Vui nói cứ để em học, để em đi tiếp. Nếu chẳng may ông bà mất đi thì còn hàng xóm láng giềng, còn thầy cô Mường Chiềng và các nhà hảo tâm, quyết không để em phải bỏ học.

Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp