Tuyến xe buýt số 51 là một trong 6 tuyến ngưng hoạt động trong 2 năm qua - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thật đáng buồn, trong nửa đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng trên đường bộ bằng xe buýt có trợ giá chỉ đạt gần 89 triệu lượt hành khách, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 39,6% kế hoạch cả năm 2019.
* Bà Võ Thị Thu Lan - Xã viên xe buýt số 17, HTX Đông Nam:
Tình hình ngày càng bết bát
Năm 2014, theo chủ trương của TP, nhằm nâng cao chất lượng và thu hút hành khách, các xã viên tuyến xe buýt số 17 chuyển đổi xe loại nhỏ sang buýt lớn với giá 1,15 tỉ đồng/xe. Gia đình tôi vay mượn mấy trăm triệu đồng, Hợp tác xã (HTX) Đông Nam cũng đứng tên vay ngân hàng 850 triệu đồng/xe để đầu tư xe mới.
Hằng tháng, tiền ngân sách sẽ được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM gửi về tài khoản của HTX, ngân hàng cho vay sẽ tự động khấu trừ tiền lãi, gốc. Phần còn lại sẽ được HTX chuyển về cho xã viên đổ dầu, chạy xe. Hai năm qua, các tuyến xe buýt kém hiệu quả, trợ giá lại thấp, HTX mất cân đối tài chính.
Do quá khó khăn, năm 2018 tuyến xe buýt 40, 146... ngưng chạy. Sang năm 2019, tình hình bết bát hơn, thu không đủ bù chi, HTX phải ngưng hoạt động. Sau khi HTX Đông Nam ngưng hoạt động, ngân hàng thông báo chúng tôi (gồm 15 xã viên xe buýt tuyến 17) vẫn còn nợ vay mua xe khoảng 16 kỳ với số tiền 183 triệu đồng/xe. Ngân hàng đề nghị xã viên thanh toán, nếu không sẽ thanh lý xe.
Qua kiểm tra các hóa đơn từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, chúng tôi thấy rằng tiền trợ giá rót về hằng tháng đáng ra đã trả đủ tiền vay, nhưng không hiểu sao lãnh đạo HTX lại chưa thanh toán cho ngân hàng.
15 xã viên xe buýt 17, trong đó có tôi, đã làm đơn khiếu nại đến các sở, ban ngành TP. Vừa rồi, nghe tin ngân hàng cũng khởi kiện HTX Đông Nam về vấn đề vay vốn mua xe, chúng tôi cũng gửi đơn ra tòa án. Hiện số phận những chiếc xe vẫn đang phải chờ tòa án quận 2 xét xử.
Nhiều đồng nghiệp cùng cảnh ngộ với chúng tôi đang chán nản, người bỏ việc, người đi tìm việc mới sau bao năm gắn bó với xe buýt. Một số người mang xe buýt đi bán sắt vụn với giá chỉ mấy chục triệu đồng. Riêng tôi không còn biết trụ đến bao giờ, nhưng vẫn mong rằng TP có những chính sách kịp thời để chúng tôi ổn định, gắn bó với xe buýt.
* Ông Nguyễn Văn Lèo - Giám đốc Công ty CP Vận tải TP.HCM:
Khó duy trì tuyến
Hưởng ứng chủ trương phát triển xe buýt của TP, công ty đã thay mới hàng loạt xe buýt. Bản thân tôi kêu gọi xã viên, tài xế, nhân viên thuộc công ty tham gia các lớp kỹ năng, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách.
Tuy nhiên, mức trợ giá thấp, một số tuyến không được tăng giá vé khiến đơn vị lao đao. Cụ thể, có chuyến xe chỉ được trợ giá 27.000 đồng, 10 chuyến thì được 270.000 đồng. Trong khi lương trả tài xế, tiếp viên là 700.000 - 800.000 đồng/ngày. Thử hỏi như vậy làm sao có thể duy trì tuyến? Tâm huyết đến đâu nhưng không đủ chi phí hoạt động, chúng tôi cũng phải bỏ cuộc.
Mới đây, tôi phải nộp đơn kiến nghị Sở GTVT TP.HCM ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54 (bến xe Miền Đông - bến xe Chợ Lớn). Tuyến 54 này đơn vị tiếp nhận từ HTX Đông Nam ngưng chạy từ tháng 7-2017.
Tuyến có lộ trình đi qua hàng loạt bệnh viện lớn, phục vụ nhu cầu đi lại cho 4.700 lượt khách/ngày trong năm 2018. Tuy nhiên, trợ giá quá thấp, công ty lỗ suốt từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, việc bị khoán sản lượng quá cao đã làm công ty hoạt động ngày càng lỗ. Mức lỗ năm 2018 là 5,6 tỉ đồng, từ đầu năm 2019 là 1,2 tỉ đồng. Do vậy, chúng tôi đề xuất ngưng hoạt động tuyến.
Tôi đề nghị các cơ quan quản lý tại TP.HCM xem xét, có những điều chỉnh phù hợp trong vấn đề về trợ giá. Nên xem xét một số tuyến có thể không cần trợ giá, thay vào đó được tăng giá vé cho phù hợp.
Hoạt động cầm chừng chờ chính sách mới
Nhìn lại để thấy rằng những năm qua, khoảng 80% tuyến xe buýt có trợ giá đã hoàn tất việc đầu tư thay thế xe buýt mới trong bối cảnh trợ giá cho hoạt động xe buýt gặp quá nhiều khó khăn. Mất cân đối thu chi làm nhiều tuyến phải ngưng hoạt động, nhiều tuyến khác ít nhiều đều rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhiều chủ xe không còn tiền nhà để trang trải, buộc phải nghỉ, chạy nợ, vay mượn khắp nơi để duy trì hoạt động. Nhiều người cho xe nằm chờ chính sách mới. Chúng tôi cũng thuyết phục xã viên cố gắng đưa xe ra hoạt động, họ chỉ chạy cầm chừng rồi lại nghỉ vì thua lỗ.
Thiết nghĩ TP muốn phát triển xe buýt nhưng tình trạng đời sống cho các xã viên HTX như hiện nay thì quá khó. Kéo dài tình trạng này, thời gian tới nhiều đơn vị vận tải buộc phải ngưng tuyến.
Đại diện một HTX xe buýt tại TP.HCM
Xin ngưng chạy, lại bị phạt
Tình hình xe khó khăn, nhiều xã viên HTX chúng tôi đã xin ngưng chạy vì thua lỗ. Tuy nhiên, ngưng chạy lại bị xử phạt mất chuyến. Chúng tôi (cùng với nhiều HTX) đã kiến nghị xem xét lại vì số tiền xử phạt quá lớn. Đồng thời kiến nghị TP nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ để các đơn vị vận tải vượt qua khó khăn hiện tại.
Ông Nguyễn Ngọc Binh (giám đốc HTX xe buýt số 28)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận