Tối 13-10, tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm Bình Dương, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã đem đến Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2024 vở nhạc vũ kịch Khát vọng Sen, một vở múa thể hiện nỗi niềm về nghệ thuật múa dân gian.
Đây là chương trình mà nhà hát thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM để tham dự cuộc liên hoan chuyên nghiệp có quy mô toàn quốc.
Khát vọng Sen khiến người ta trăn trở về sự tồn tại của nghệ thuật múa dân gian.
Cuộc đấu tranh để bảo tồn nghệ thuật múa dân gian
Không dự thi chương trình theo hình thức các tiết mục đơn lẻ, mà Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã xây dựng phần thi 70 phút của mình thành một vở nhạc vũ kịch hoàn chỉnh.
Khát vọng Sen (kịch bản văn học: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, NSND Công Nhạc, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, Nguyễn Lương Tuấn) là câu chuyện về cô diễn viên trẻ tên Sen, chuyên ngành múa dân gian. Cô tài năng và yêu nghề.
Việt cũng là người trẻ đam mê múa, sinh ra, lớn lên ở nước ngoài. Anh gặp Sen và phát hiện ra mối quan hệ đặc biệt giữa mẹ anh và ba của Sen.
Từ đó, vở mở ra quá khứ và đường link đến hiện tại. Ở đó là trăn trở của những người thiết tha yêu nghệ thuật múa dân gian.
Những người đi trước đau đáu về sự tồn tại của múa truyền thống trước sự lấn át của những loại hình giải trí thời thượng.
Nỗi niềm của Khát vọng Sen không chỉ bó hẹp ở nghệ thuật múa dân gian, mà dường như đó còn là tâm sự chung cho các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay.
Một câu hỏi lớn mà người hôm nay cần hết sức cân nhắc để giữ cho được bản sắc văn hóa dân tộc.
50 nghệ sĩ cùng thể hiện khát vọng
Là một chương trình có câu chuyện xuyên suốt, trọn vẹn với thông điệp thời sự, giàu ý nghĩa, khoảng 50 nghệ sĩ cùng các nhạc sĩ, biên đạo múa đã miệt mài trên sàn tập suốt 2 tháng để có tác phẩm Khát vọng Sen.
Khát vọng Sen là sự phối hợp nghệ thuật múa dân tộc và hiện đại, ca nhạc, trình tấu nhạc cụ dân tộc, có cả rap để thể hiện ý đồ vở diễn một cách tốt nhất.
Trong tình hình các loại hình nghệ thuật đang khan hiếm người trẻ thì vở có sự góp mặt của kha khá diễn viên trẻ.
Theo bà Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, hiện tượng này là điều hết sức đáng quý.
Người trẻ cần được tạo nhiều cơ hội rèn nghề để có thêm động lực nuôi lửa tiếp nối nghệ thuật truyền thống.
Bà Thúy cho biết thêm, sau khi tham dự liên hoan, sở và nhà hát sẽ tính toán để vở nhạc vũ kịch Khát vọng Sen hoàn thiện hơn và hướng tới những suất diễn phục vụ du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận