07/10/2022 08:54 GMT+7

Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ học sinh

NGUYỄN NGỌC (TP.HCM)
NGUYỄN NGỌC (TP.HCM)

TTO - Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, đến mục bầu ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) là cả lớp im re, người này đùn đẩy cho người kia.

Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ học sinh - Ảnh 1.

Học sinh một trường tiểu học ở Bà Rịa - Vũng Tàu vui hội trăng rằm - một hoạt động do ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp cùng nhà trường tổ chức - Ảnh: THU THỦY

Những người tình nguyện đứng ra làm thì cuối cùng lại rơi vào vòng thị phi: "Đặc quyền, đặc lợi", "áp đặt", "bày vẽ ra khoản này, khoản nọ"...

Những giãi bày dưới đây là tâm sự gan ruột của tôi sau hơn 10 năm làm trong BĐDCMHS trường, BĐDCMHS lớp cho 4 đứa con học từ mầm non đến THPT ở TP.HCM.

Thu quỹ làm gì?

Điều đầu tiên tôi cần nói ngay rằng nếu không thu quỹ thì lấy gì để BĐDCMHS hoạt động, làm sao thực hiện các phong trào, hoạt động ngoại khóa? Có năm, khi tôi đề xuất gửi cô chủ nhiệm lớp 2 một khoản tiền để cô tiêu dùng trong lớp, một vài phụ huynh đã phản ứng ngay là không cần thiết, cho là chúng tôi bày vẽ. 

Vậy thôi không làm nữa. Nhưng thực tế khoản tiền ấy cô chủ nhiệm sẽ dùng để mua thêm mấy bộ đồng phục để trong lớp xơ cua cho những hôm có bé bị bệnh, ói, làm ướt áo quần... có thể thay ngay mà không cần gọi điện cho bố mẹ mang quần áo tới. 

Cô chủ nhiệm mua thêm đồ dùng học tập để làm phần thưởng hằng tuần cho các con sau khi cộng điểm thi đua, để phòng khi có bé quên mang đồ dùng...

Thứ hai là những khoản đóng góp theo dạng thu tài trợ để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nhà trường. 

Đây là khoản khiến nhiều phụ huynh bức xúc nhất. Vậy tại sao có những khoản này? Ai cũng biết kinh phí nhà nước có hạn, chỉ trang bị những hạng mục cơ bản cho nhà trường. Trong khi đó, nhu cầu phụ huynh lại muốn con em mình được học tập và sinh hoạt trong môi trường tiện nghi. 

Ví dụ Nhà nước chỉ trang bị quạt máy cho các phòng học nhưng vì thời tiết TP.HCM nóng nực, sĩ số học sinh/lớp lại rất đông nên nảy sinh nhu cầu trang bị máy lạnh. 

Chỉ trừ những em có cơ địa đặc biệt, còn lại hầu hết học sinh đều thích học trong phòng có máy lạnh hơn. Vậy nhưng có những phụ huynh kỳ lạ là muốn con mình được học phòng có máy lạnh nhưng không muốn đóng tiền. Thế mới có nhiều ý kiến trái chiều.

Tôi không biết các trường khác như thế nào nhưng những năm tôi làm trong BĐDCMHS, không có chuyện trích một phần tiền quỹ đem đi biếu ban giám hiệu nhà trường như lời đồn đại trên mạng. Việc thu chi được chúng tôi quản lý chặt chẽ, tôi đi mua 2 tấm thiệp 12.000 đồng cũng ghi rõ vào biên bản. Còn việc mua sắm, chúng tôi tìm hiểu, so sánh giá rồi tự đi mua, lắp đặt cho lớp.

Tôi thừa nhận có một khoản chi chúng tôi làm sai so với thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐDCMHS. Đó là việc trích một phần quỹ mua quà tặng các thầy cô giáo trong những ngày lễ, Tết. Nhưng nói đi phải nói lại, bậc mầm non và tiểu học thì phụ huynh có thể dễ dàng gặp gỡ thầy cô của con mình. 

Nhưng đến bậc THCS, THPT thì phụ huynh rất khó gặp giáo viên bộ môn. Do vậy, nhiều phụ huynh đề nghị BĐDCMHS lớp trích quỹ để tặng quà các thầy cô chứ chúng tôi không tự ý thực hiện.

Thầy cô giáo chăm lo, dạy dỗ học trò cả năm học, chỉ có Ngày hiến chương nhà giáo và Tết Nguyên đán, trích quỹ mua một món quà tri ân các thầy cô mà cũng tính toán chi li thì tôi cũng chịu. 

Như lớp của con tôi, thường quà ngày 20-11 cho giáo viên bộ môn là 1 triệu đồng/người nhưng năm rồi dịch bệnh, các phụ huynh đều khó khăn nên chỉ có 500.000 đồng/người, chia đều cho cả lớp 48 học sinh tức là mỗi học sinh chỉ đóng hơn 10.000 đồng. Thử hỏi, quý vị phụ huynh ra chợ mua được món quà gì cho thầy cô giá hơn 10.000 đồng?

Được và mất

Đó giờ dư luận cứ cho rằng chúng tôi làm BĐDCMHS để được cái này được cái kia. Thế thì tại sao quý vị không xung phong xin làm BĐDCMHS? Tôi công nhận cái được nhất của những người làm BĐDCMHS là được tiếp xúc thường xuyên với giáo viên của con, với các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường, được sát cánh cùng con trong những hoạt động phong trào...

Thế thôi chứ con tôi không được ưu tiên gì hơn, cháu vẫn ngồi bàn cuối cùng trong lớp vì có chiều cao trội hơn các bạn, điểm số cũng phản ánh đúng thực lực học tập (nếu thầy cô có du di tôi cũng xin không nhận).

Vậy chúng tôi mất cái gì? Đầu tiên là thời gian: đi họp các cuộc họp do nhà trường triệu tập, họp các buổi tập huấn về hoạt động của BĐDCMHS, về dinh dưỡng học đường... 

Chúng tôi là những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" khi thường xuyên bị réo tên: phụ huynh không đồng tình với thời khóa biểu cho học sinh học thể dục từ 14h, yêu cầu BĐDCMHS làm việc với hiệu trưởng; phụ huynh phản ảnh chất lượng bữa ăn bán trú không đảm bảo, yêu cầu BĐDCMHS đi kiểm tra; các con cần có chỗ để tập bóng đá, bóng rổ, bóng bàn... chuẩn bị cho hội khỏe Phù Đổng cấp trường, BĐDCMHS cũng phải liên hệ đi thuê mướn sân bãi... 

Đó là chưa kể hàng loạt vụ việc khác không liên quan trực tiếp đến con tôi nhưng tôi vẫn phải tham gia giải quyết vì nằm trong BĐDCMHS trường.

Có một điều ít ai nói ra: BĐDCMHS trường chính là những nhà hảo tâm trong nhiều hoạt động. Chẳng hạn trường cần hơn 20 triệu đồng để trang bị hệ thống quạt máy mới cho tất cả nhà vệ sinh trong trường. 

Tính ra chỉ có 20 triệu đồng mà giờ làm kế hoạch tài trợ, vận động phụ huynh thấy quá phiền, thôi thì các thành viên BĐDCMHS mỗi người góp vài triệu để thực hiện. 

Trường làm công trình trang bị màn hình LED ở sân trường nhưng vận động phụ huynh toàn trường mà vẫn thiếu hơn 10 triệu đồng, cô hiệu trưởng hỏi chúng tôi có cách nào hỗ trợ cho trường không, lại là BĐDCMHS trường đứng ra lo...

Không thể phủ nhận vai trò của BĐDCMHS, cũng không thể cực đoan yêu cầu "dẹp" BĐDCMHS. Trên thực tế, nhiều hoạt động dạy học của nhà trường và học sinh khó có thể thực hiện tốt nếu không có sự vào cuộc nhiệt tình của BĐDCMHS. Nhưng đâu đó cũng có BĐDCMHS bị phản ánh là "lạm quyền", "bày vẽ", "cánh tay nối dài của hiệu trưởng", gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận.

Cần làm gì để BĐDCMHS hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐDCMHS? Mời bạn đọc cùng tham gia chia sẻ, gợi mở giải pháp cho vấn đề này. Bài cộng tác vui lòng email tới: [email protected].

TUỔI TRẺ

Không nên đánh đồng

Dư luận đừng đánh đồng rằng tất cả hiệu trưởng đều tư lợi cá nhân, ăn chặn tiền từ phụ huynh. Nghĩ như thế thì tội cho các nhà giáo lắm. Hơn 10 năm làm công tác BĐDCMHS trường và BĐDCMHS lớp ở những trường nổi tiếng nằm trên địa bàn quận 1, quận 3 tôi chứng kiến có những thầy cô hiệu trưởng rất rạch ròi. Tất cả các công trình tài trợ, phụ huynh chúng tôi làm theo kiểu "chìa khóa trao tay" thì hiệu trưởng tư lợi kiểu gì?

Cấm thu các khoản ngoài quy định

Screen Shot 2022-10-06 at 17

Liên tiếp những thông tin về lạm thu gây bức xúc dư luận đầu năm học mới - Ảnh chụp màn hình

Ngày 6-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa BĐDCMHS để thu các khoản ngoài quy định.

Đối với kinh phí hoạt động của BĐDCMHS, văn bản nhấn mạnh: "Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa BĐDCMHS để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Sở lưu ý các đơn vị giáo dục không sử dụng các khoản kinh phí của BĐDCMHS cho các mục đích sau: "Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường" (điểm b, khoản 4, điều 10 thông tư 55).

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị giáo dục thống nhất với trưởng BĐDCMHS trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của BĐDCMHS trường; và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể ban đại diện thống nhất ý kiến.

HOÀNG HƯƠNG

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cấm ban đại diện cha mẹ học sinh thu ngoài quy định Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cấm ban đại diện cha mẹ học sinh thu ngoài quy định

TTO - Ngày 6-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

NGUYỄN NGỌC (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp