Bữa cơm có cá kho riềng - Ảnh: HÒA VŨ
Tôi vừa trở về nhà sau hai tuần giãn cách tại cơ quan, cũng cơm hộp vội vã và những buổi trưa dài không ngủ, có những buổi tối làm thêm giờ đến mãi tận khuya, mệt lử cả người. Nhưng vẫn cảm thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc.
Mình còn có công việc để làm, cơm ăn ngày ba bữa, ngồi phòng lạnh, có nước sạch để dùng, Internet để giải trí và còn có những đồng nghiệp vui vẻ cạnh bên.
Ngoài kia, bao nhiêu người điêu đứng trước đại dịch, bao nhiêu gia đình tan tác kẻ ở người đi, bao nhiêu người đã mất đi người thân của mình, bao nhiêu sự phân ly…
Thèm cơm nhà, cơm mình nấu cơ
Nhưng thật sự cũng có những ngày chúng tôi chán cơm tiệm thật, cũng là cơm nhưng thèm cơm nhà nấu, cơm mình nấu cơ. Tôi là một người thích nấu ăn, không giỏi lắm, nhưng tôi thích sự tươm tất của một bữa ăn ngon.
Thích cảm giác được bày biện, dù chỉ là những món ăn quê mùa, giản dị nhưng lúc dọn mâm cơm lên mà người nhà cảm nhận được sự vun vén, tình cảm đầy đặn của người nấu thì mình thấy vui và hạnh phúc lắm.
Trước khi vào cơ quan giãn cách, tôi đã mua đồ ăn cất đầy tủ lạnh, sau đó lại được ông bà nội mấy đứa nhỏ dưới Đồng Nai gửi lên tiếp tế rất nhiều, nào rau, nào thịt, nào cá, nào giò chả… Được một tuần thì Đồng Nai cũng giãn cách theo chỉ thị 16, thương lắm!
Chồng tôi soạn một chút rau trái vào từng bịch nhỏ chia bớt cho hàng xóm, để cùng nhau hưởng chút niềm vui san sẻ trong mùa dịch.
Tôi nghe chồng kể lại con bé lớn nhà tôi cũng hăng hái giúp ba mang quà tặng hàng xóm, lời trẻ nhỏ ngây ngô bày tỏ nghe vừa buồn cười vừa cảm động làm sao: "Ông bà nội con ở dưới quê gửi đồ ăn lên, nhà con ăn không hết, nên ba con sai con mang qua cho nhà cô V.A. ạ!".
Lúc con bé về, chồng tôi cứ chỉnh mãi lời con nói là lần sau không được thêm câu "nhà con ăn không hết" vào nhé con. Nhưng mà cả xóm cũng được trận cười vui vẻ!
Ơ cái kho riềng nhà tôi
Bởi thèm cái vị mặn mòi cá kho
Tôi về, vẫn làm online. Chỉ đến cuối tuần tôi mới lại vào bếp, món đầu tiên tôi nghĩ đến là cá kho. Một món ăn mà có lẽ ai xa xứ nào cũng nhớ về.
Tôi thì chưa xa xứ, chỉ là vào cơ quan ở hai tuần rồi về thôi, nhưng thèm cái vị mặn mòi, cay cay, thơm nồng tiêu, ớt, hành, tỏi… gia vị đủ đầy của cái nồi cá kho đến phát "nghén", nên là phải làm ngay.
Cũng là bởi nhà tôi hay ăn cá. Sẵn có khúc cá trắm trong tủ, tôi đem kho với riềng ông bà nội gửi lên, làm một bữa "thịnh soạn" cho đã cơn thèm.
Đầu tiên tôi sẽ rửa sạch cá với chanh, muối và chút rượu trắng để khử mùi tanh. Sau đó để ở rổ cho thật ráo nước, rồi đi chuẩn bị gia vị gồm thật nhiều riềng, hành, tỏi, ớt và tiêu xay. Đặc biệt nước màu phải thắng cho thật khéo thì ướp cá mới chắc, thơm và lên màu đẹp.
Lót dưới đáy nồi đất một lớp riềng, hành, tỏi, ớt, rồi xếp cá lên trên, cho hết chỗ riềng, hành, tỏi, ớt còn lại lên trên cùng rồi ướp một xíu muối, bột ngọt, tiêu, đường, dầu ăn và nước màu vào, ướp cá 30 phút.
Nồi cá sôi trên bếp - Ảnh: HÒA VŨ
Tôi bắt đầu kho cá với lửa vừa khoảng độ 5 phút, trở nhẹ cá, rồi cho nước mắm vào, kho thêm độ 10 phút nữa cho cá ngấm đều gia vị, lúc này tôi cho thêm nước sôi vào cho ngập cá, chờ nồi cá sôi bùng lên khoảng 3 phút, tôi hạ lửa, mở nắp nồi, kho riu riu cho đến khi cạn nước và thịt cá săn chắc.
Luộc thêm một đĩa rau lạc tiên và nấu một tô canh dưa chua sườn heo nữa là đúng lạc vào tiên cảnh trong mùa dịch này luôn.
Về nhà, ngồi bên mâm cơm đầy đủ thành viên, nghe tiếng con trẻ ríu rít chuyện trò đó là hạnh phúc, đó là viên mãn.
Tôi ước cùng với bao điều ước của tất cả nhân loại, cho đại dịch sớm qua đi, cho cuộc sống được đập lại những nhịp bình thường. Tôi ước cho Sài Gòn của tôi, đất nước tôi sớm ngày mạnh khỏe, cho chúng ta vô tư ca hát khi thấy Sài Gòn đỏng đảnh chợt nắng chợt mưa.
Tôi rất thích nấu ăn, vì luôn nghĩ rằng bếp ấm thì nhà sẽ ấm. Nhân đây cũng xin chia sẻ thêm những món ăn trong mâm cơm của nhà tôi trong mùa dịch.
Mong rằng hơi ấm của căn bếp mỗi nhà sẽ lan tỏa, giúp chúng ta yêu thương hơn, đoàn kết hơn, mạnh mẽ cùng nhau vượt qua đại dịch, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, an hòa hơn:
Món cá kho thơm
Món bún đậu mắm tôm
Ơ cá cơm kho tiêu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận