07/06/2017 09:58 GMT+7

Nới nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, người tiêu dùng bị thiệt?

THANH HƯƠNG - MINH NGỌC
THANH HƯƠNG - MINH NGỌC

TTO - Không ít nhà nhập khẩu xe hơi lo ngại về Dự thảo Nghị định của liên bộ Công thương và Giao thông - Vận tại về nới điều kiện nhập khẩu ô tô nguyên chiếc khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Nhiều chuyên gia đề nghị việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu ôtô phải trên cơ sở bảo vệ quyền người tiêu dùng. Trong ảnh: người dân tìm hiểu mua xe hơi - Ảnh: Quang Phúc
Nhiều chuyên gia đề nghị việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu ôtô phải trên cơ sở bảo vệ quyền người tiêu dùng. Trong ảnh: người dân tìm hiểu mua xe hơi - Ảnh: Quang Phúc

Cụ thể, Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu “có cam kết bằng văn bản với Bộ Công thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ôtô nhập khẩu”.

Điều này đang khiến không ít doanh nghiệp đặt vấn đề về trách nhiệm của nhà sản xuất bị bỏ quên.

Bỏ qua trách nhiệm nhà sản xuất

Ông Trần Tấn Trung, giám đốc Công ty cổ phần Liên Á Quốc Tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam, cho hay không có đại lý bán ôtô cấp 1 (bán buôn) nào ở nước ngoài dám tự ý bán lượng xe lớn cho doanh nghiệp của Việt Nam bởi nhà sản xuất đã phân chia khu vực rất rõ ràng.

Vì thế, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không được chính hãng đồng ý bán xe chỉ có thể mua xe từ các đại lý cấp 2 ở nước ngoài.

Nhờ mua xe của các đại lý cấp 2, ông Trung tiết lộ, nhiều doanh nghiệp bỏ bớt được các yêu cầu về chi phí bảo hành, bảo dưỡng.

Tuy nhiên, nếu phải triệu hồi, doanh nghiệp kinh doanh xe không có sự hậu thuẫn của nhà sản xuất sẽ gặp khó.

Khi đó, đương nhiên, người tiêu dùng sẽ đối diện rủi ro vì xe không được bảo hành, bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, cũng như khi cần triệu hồi cũng khó nhận được thông tin chính thức cũng như khả năng được cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế đảm bảo...

Trong khi đó, theo ông Trung, ở nhiều nước trên thế giới, ôtô nhập khẩu khi có lỗi kỹ thuật sẽ được triệu hồi và sửa chữa miễn phí.

Ông Toru Kinoshita, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong kiến nghị gửi tới liên bộ Công thương - Giao thông - Vận tải đã đề xuất 3 loại giấy tờ mà doanh nghiệp kinh doanh ôtô cần phải có.

Thứ nhất là giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho việc nhập khẩu, phân phối cũng như cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi chính hãng. Thứ hai là hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm đào tạo kỹ thuật, cung cấp thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sửa chữa, thiết bị sửa chữa chuyên dụng, phần mềm chính hãng. Cuối cùng là hợp đồng cung cấp phụ tùng chính hãng.

“Các giấy tờ trên cũng là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an toàn cho phương tiện thông qua việc bảo dưỡng đúng kỹ thuật, thay thế phụ tùng chính hiệu và triệu hồi sản phẩm khi có yêu cầu của nhà sản xuất”, đại diện VAMA nhận xét.

Theo một chuyên gia của Bộ Công thương, thông lệ của ngành công nghiệp ôtô thế giới cũng cho thấy chính phủ các nước đều yêu cầu đích danh nhà sản xuất sản phẩm tiến hành triệu hồi, thậm chí phạt rất nặng nhà sản xuất khi để xảy ra sai sót dẫn tới nguy hiểm, thiệt hại cho người dùng.

Vì vậy, quy định của Việt Nam nếu “nới” có thể ảnh hưởng đến việc đòi quyền lợi của người dân, cộng đồng khi hãng xe có lỗi.

Có khoảng 70 vụ triệu hồi được công bố trên website chính thức của Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 11-2011 đến nay, đơn vị thực hiện triệu hồi đều là doanh nghiệp sản xuất hay nhập khẩu ôtô tại Việt Nam được ủy quyền chính thức, không có bất cứ một vụ nào được từ các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại lẻ.

Ba nhóm giải pháp cho ôtô trong nước

Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Công thương cho biết sau một thời gian tiếp thu ý kiến, tại văn bản báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 6-6, Bộ Công thương đã nhấn mạnh quan điểm cần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đưa ra hàng loạt định hướng cho ngành ôtô.

Trong đó, Bộ Công thương kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cần yêu cầu nhập xe nguyên chiếc phải thử nghiệm khí thải động cơ định kỳ, kiểm tra chất lượng linh kiện, phụ tùng như xe sản xuất trong nước.

Đặc biệt, Bộ Công thương đưa ra ba nhóm giải pháp để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam, gồm tạo dựng thị trường ôtô đủ lớn cho các nhà sản xuất ôtô, tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với một số dòng xe và tăng thu hút vốn FDI, nhất là các dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại ASEAN.

Để thực hiện ba nhóm giải pháp này, Bộ Công thương đưa ra nhiều cơ chế mạnh như: sẽ giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô, điều chỉnh thuế thu nhập DNdoanh nghiệp cho các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn...

Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ giao bộ này xem xét khả năng áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ khi ôtô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng xử lý các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu ôtô...

Công bằng cho xe trong nước và xe nhập

Để đảm bảo quyền lợi người dùng, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị dự thảo nghị định cần quy định rõ hơn để tạo được công bằng cho xe sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu.

Lý do là trên thực tế, các nhà nhập khẩu có nhiều “chiêu”, thậm chí nhập cả xe thử nghiệm, chưa đảm bảo chất lượng về Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Đức, tổng giám đốc Công ty Hyundai - Thành Công, đồng tình việc quy định cần yêu cầu các xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xưởng do nhà sản xuất cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng xe được lưu hành ra thị trường.

Lý do ông Đức đưa ra là để tránh trường hợp một số xe được sản xuất theo dạng xe thử nghiệm, chưa đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu đưa về lưu hành tại Việt Nam trong khi người tiêu dùng không phải lúc nào cũng đầy đủ thông tin để đòi quyền lợi của mình.

“Các xe sản xuất trong nước được yêu cầu phải có giấy chứng nhận xuất xưởng cho 100% xe lắp ráp, sản xuất ra thì các xe nhập khẩu nguyên chiếc mới cũng phải đáp ứng yêu cầu này để công bằng”, ông Đức nói.

Ôtô trong nước sẽ rẻ hơn, nhập khẩu sẽ đắt hơn?

Trong đề xuất gửi lên Chính phủ ngày 6-6, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát thuế theo hướng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xilanh trên 2.500cm3; bổ sung thêm thuế với các loại xe kích thước lớn chưa phù hợp với hạ tầng; tăng thuế với xe bán tải có khối lượng chuyên chở dưới 1.500kg có 5 chỗ trở xuống, đồng thời tăng phí trước bạ với xe bán tải...

Trong khi đó, với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Công thương đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phần giá trị ôtô sản xuất trong nước để khuyến khích doanh nghiệp tăng hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam.

Bộ Công thương: Việt Nam đã xuất khẩu ôtô

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết năm 2016, VN đã có 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô. Sản lượng ôtô sản xuất tại VN năm 2016 đã đạt trên 283.000 xe, tăng 38% so với 2015 và nếu so với 2014 tăng 109%. Bộ Công thương khẳng định một số sản phẩm ôtô của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài.

THANH HƯƠNG - MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp