Tranh vẽ một số trò chơi trong sách, từ trái qua: bịt mắt đập niêu, cà kheo, tam cúc - Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại
"Chơi là hoạt động phổ biến của muôn loài, trong đó có loài người". Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định như thế để mở đầu tập sách do ông chủ biên, vừa được NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành.
Tập sách là công trình tập thể của các nhà nghiên cứu văn hóa gặp nhau ở mối quan tâm đến hoạt động vui chơi và cách thức tổ chức các trò chơi của người Việt Nam từ trong lịch sử đến nay.
Hóa ra, đi vào lĩnh vực chơi lại bắt gặp rất nhiều vấn đề nghiêm túc. Nói như tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, "hoạt động chơi đùa đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học như tập tính học và folklore học, tâm lý học, nhân học...".
Tất nhiên, công việc nghiên cứu các giá trị của hoạt động chơi trong từng trò chơi cụ thể là của các nhà khoa học.
Ở tập sách này, tập thể tác giả chỉ làm công việc mô tả các loại hình trò chơi từng có trong lịch sử nước ta ở khắp các vùng miền. Do vậy, tập sách như một nguồn tài liệu sinh động về các trò chơi được mô tả kỹ lưỡng từ việc làm dụng cụ, bày trò, luật chơi...
Và "trò chơi cũng có dị bản", thể hiện qua việc một trò chơi có cùng tên gọi có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau với hình thức không hoàn toàn giống nhau ở luật chơi hoặc kể cả dụng cụ.
Bạn đọc có thể tìm thấy ở đây các trò chơi được ghi nhận tại 10 địa phương: Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), Thừa Thiên Huế, Phú Yên - Khánh Hòa, Nam Bộ.
Theo dõi sự hiện diện của các trò chơi xuyên khắp các vùng miền, thấy nhiều trò chơi vốn quen tên, nhưng đọc ở đây mới biết mối quan hệ của nhiều trò trong cùng một không gian văn hóa cũng như một số trò có quan hệ nhân quả trong quá trình phát sinh, hình thành.
Chẳng hạn cũng một trò đánh đáo, nhưng ở Đông Anh (Hà Nội) có trò đánh đáo mẹt, ở Vĩnh Lạc (Vĩnh Phú) có trò đánh đáo đá, ở Bắc Giang có cả trò đáo đĩa và đáo cọc...; hoặc như các trò chơi tổ tôm và tổ tôm điếm, bài tới, bài chòi... là những trò chơi có mối quan hệ trong quá trình xuất hiện, định hình.
Và bên cạnh số đông các trò chơi dân gian, riêng phần khảo cứu ở Thừa Thiên Huế còn có cả các trò chơi trong giới quyền quý, tao nhân như thả thơ, đố thơ, đầu hồ, đổ xăm hường...; và Nam Bộ lại có một loạt trò chơi gắn liền với các bài đồng dao, cũng là một ghi nhận thú vị.
Cho nên, có thể còn đâu đó trong các cộng đồng dân tộc trên đất nước Việt Nam có những trò chơi chưa được ghi nhận ở đây, nhưng đóng góp đáng quý của công trình này là tâm thế của các tác giả khi xem xét chuyện chơi của người đời bằng nhãn quan nghiêm túc: "Trong lịch sử, hoạt động chơi đùa và trò chơi là một bộ phận sinh động của phong hóa và chúng có vai trò quan trọng trong đời sống văn xã".
Từ đó, nhóm tác giả cũng đồng ý với quan điểm rằng cần bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận