Brian May - tay guitar nhóm Queen - chơi bản God Save the Queen trên nóc cung điện Buckingham - Ảnh: PA |
Tuy nhiên hình thức hát hợp xướng, có khi cùng với dàn kèn đồng lớn hoặc cả dàn giao hưởng dường như được chúng ta mặc định với việc hát quốc ca, cho dù hầu như chẳng có nước nào quy định không được sáng tạo với quốc ca.
Quốc ca và những sáng tạo
Năm 2002, Brian May - tay guitar lừng danh của ban nhạc Queen - chơi bản God Save the Queen, quốc ca của nước Anh trên nóc cung điện Buckingham trong một sự kiện liên quan tới nữ hoàng Elizabeth đệ nhị.
Brian May chơi đầy phóng túng bằng tiếng đàn ngọt như mía lùi với sự chứng kiến của hàng vạn khán giả.
Xa hơn nữa, năm 1969, Jimi Hendrix - cây guitar huyền thoại - chơi bản Star Spangled Banner, quốc ca của Hoa Kỳ tại đại hội nhạc rock lớn nhất trong lịch sử Woodstock. Tiếng guitar overdriver đầy ma mị, quái đản nhưng chẳng làm hàng triệu con tim xứ cờ hoa mất đi sự xúc động.
Nữ ca sĩ Demi Lovato trong những năm từ 2008-2015 thường xuyên hát quốc ca Mỹ không nhạc đệm trước các trận bóng chày và bóng bầu dục. Christina Aguilera cũng từng một mình hát quốc ca trong trận chung kết bóng rổ NBA năm 2010.
Cùng năm 2010, tại trận so găng giữa Mayweather và Mosley Fight, nam danh ca Chris Brown cũng hát quốc ca Mỹ theo cách tương tự.
Rồi Justin Timberlake, Beyonce, Mariah Carey... từng ít nhất một lần thể hiện quốc ca của Hoa Kỳ theo lối freetime và không cần nhạc đệm.
Jessica Sanchez, Cam Anthony, Glee hay Miley Cyrus... thì hát bằng nhiều cách khác nhau với pop ballad, R&B, opera... và đặc biệt có một cách hát là Gospel - một thể nhạc phúc âm (thể loại thánh ca của Thiên chúa giáo) với cách hát rung giọng nặng na ná như Mỹ Linh đã hát và thường không có nhạc đệm.
Còn tại Việt Nam, trong những lần biểu diễn trên sân khấu Rock Storm, ban nhạc Ngũ Cung cũng chơi bài Tiến quân ca theo phong cách thoải mái của rock.
Khó tìm thấy tính hùng tráng hay sự trang nghiêm cho việc hát quốc ca từ những ví dụ kể trên nhưng cũng không thể nói nó làm hỏng những bản quốc ca mà họ chơi.
>>Siêu sao thế giới Beyonce, Lady Gaga hát quốc ca ra sao?
Mỹ Linh - Ảnh tư liệu |
Hãy đặt Mỹ Linh đúng “văn cảnh”
Trở lại phần trình bày của ca sĩ Mỹ Linh. Trên báo cũng như mạng xã hội, thậm chí còn có những ý kiến phẫn nộ rằng: Sao cô ấy “dám” hát như vậy, thật là sự sáng tạo vượt quá giới hạn...
Thật ra Mỹ Linh chẳng sáng tạo gì. Đơn giản là cô ấy hát một mình, không có sự hỗ trợ của bất kỳ nhạc cụ nào. Chúng ta vẫn chưa quen nghe quốc ca VN với cách thể hiện đó nhưng thiết nghĩ, Mỹ Linh cũng không thể tự tiện nhảy lên sân khấu thể hiện quốc ca theo ý riêng của mình.
Như đã nói ở trên, tại Mỹ hát quốc ca không nhạc đệm trở thành một thói quen, thậm chí là truyền thống. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, tại Nhà Trắng, đã thành thông lệ, trước các buổi lễ Phục sinh hằng năm bao giờ cũng có một ca sĩ tuổi teen hát quốc ca “chay” (không nhạc đệm).
Với tiền lệ như vậy, có lẽ đoàn quân của ông Obama khi sang VN cũng muốn thực hiện nghi thức vừa giản tiện (đặc trưng của người Mỹ), vừa gần gũi đó.
Thế nên, trong buổi xuất hiện hôm đó của tổng thống Mỹ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, quốc ca Hoa Kỳ được vang lên bởi một ca sĩ Mỹ gốc Việt và hát không nhạc đệm.
Đây là một chi tiết hầu như không được quan tâm, nhưng lại là chi tiết có tác động mang tính quyết định tới phần trình diễn của Mỹ Linh.
Còn gì hài hòa và cân bằng hơn khi nước chủ nhà cũng cử một ca sĩ thể hiện quốc ca của mình theo cách tương tự thay vì một dàn nhạc rình rang. Và nếu vậy, Mỹ Linh là sự lựa chọn hợp lý trong bối cảnh này.
Nếu có hạn chế thì do cô lấy giọng hơi thấp khi bắt đầu hát nên phần đầu không được như ý. Nhưng nói cả phần trình diễn là phá hoại quốc ca thì e hơi quá lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận