Kỳ 1:Kỳ 2:
Trong tài liệu NĐCB được Bộ GD-ĐT công bố giữa tháng 3-2011, Trường ĐH Văn Hiến được xem là một trong những trường có mức học phí “nhẹ nhàng” nhất trong các trường ĐH ngoài công lập, khi đưa ra mức 3,3-3,7 triệu đồng/học kỳ ở bậc ĐH và 3,2-3,4 triệu đồng/học kỳ bậc CĐ.
Cao hơn “cam kết”
Thế nhưng, chỉ sau đó ít lâu, trong giấy báo nhập học gửi cho thí sinh, mức học phí trước đó đã được Trường ĐH Văn Hiến “đính chính”: ở bậc ĐH, trường thu 5 triệu đồng/học kỳ với các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử, truyền thông. Các ngành còn lại tân sinh viên phải đóng 4,5 triệu đồng/học kỳ.
Tương tự, học phí ở bậc CĐ cũng được trường công bố chính thức là 4,8 triệu đồng/học kỳ cho các ngành tin học ứng dụng, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông. Các ngành khác tân sinh viên phải đóng 4,4 triệu đồng/học kỳ.
Trong khi đó, học phí của Trường CĐ Bách Việt theo tài liệu NĐCB chỉ được công bố chung chung ở mức 180.000-220.000 đồng/tín chỉ. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học và tổng số tín chỉ của toàn khóa học.
Với cách tính này, học phí trung bình của Trường CĐ Bách Việt sẽ là 8,06 triệu đồng/năm học (110 tín chỉ/ba năm học theo quy định của trường). Thế nhưng thí sinh trúng tuyển vào Trường CĐ Bách Việt năm 2011 lại được trường “tạm thu” đến 5,5 triệu đồng học phí học kỳ I.
Còn tại Trường ĐH Hoa Sen, trong tài liệu NĐCB trường công bố mức học phí “bình quân 3 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, học phí học kỳ I năm học 2011-2012 ngành truyền thông và mạng máy tính trường thu 18,657 triệu đồng.
Bên cạnh đó, học phí bậc CĐ được trường công bố “khoảng 2,5 triệu đồng/tháng” nhưng tân sinh viên ngành truyền thông và mạng máy tính, công nghệ thông tin phải đóng bằng với học phí bậc ĐH.
Thu sai phải trả lại tiền Trước tình hình lạm thu tiền trường tái diễn ở nhiều nơi, ngày 19-9 Sở GD-ĐT Hà Nội đã triệu tập họp khẩn với các trưởng phòng GD-ĐT của 29 quận, huyện nhằm chấn chỉnh công tác thu - chi. Theo ông Nguyễn Đức Vui, chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, “hiếm có nơi nào trình ra được kế hoạch cụ thể về việc sử dụng như thế nào đối với số tiền thu của quỹ hội cha mẹ học sinh, ai là người được hưởng lợi...”. Năm học 2011-2012 Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép các trường thu bốn khoản gồm phí bảo vệ, vệ sinh, trông giữ xe đạp, an ninh. Nhưng thực tế vẫn có những trường thu các khoản này ở mức khá cao. Ngoài ra, nhiều trường tiếp tục phát sinh các khoản thu khác. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường thu sai phải trả lại tiền cho phụ huynh. |
“Trường công bố mức học phí bình quân năm học của tất cả các ngành nói chung chứ không thể công bố từng ngành được” - TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, giải thích.
Theo TS Phượng, học phí được thu theo từng ngành học, những ngành sử dụng thiết bị nhiều hơn thì học phí sẽ cao hơn. “Tuy nhiên, dù thu ở mức nào cũng phải đảm bảo 3 triệu đồng/tháng, tương đương 36 triệu đồng/năm, tính theo 12 tháng học ở trường” - bà Phượng khẳng định.
Về việc học phí “cam kết một đằng, thu một nẻo”, ông Nguyễn Mộng Hùng - hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến - cho biết học phí trường công bố trong NĐCB năm 2011 là mức học phí của năm học trước. “Thông thường, mức học phí của trường được hội đồng quản trị quyết định trước thời điểm bắt đầu năm học mới - ông Hùng lý giải - Trong khi đó, tài liệu NĐCB được Bộ GD-ĐT chuẩn bị từ cuối năm 2010. Trước khi bước vào năm học 2011-2012, hội đồng quản trị nhà trường nhận thấy mức học phí năm học trước không cân đối với quá trình đào tạo nên đã điều chỉnh cho phù hợp”.
Thu vượt mức trần
Thực trạng lập lờ học phí không chỉ diễn ra ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Tại các trường công lập, dù đã có lộ trình tăng học phí từ năm 2010-2014 của Thủ tướng Chính phủ (nghị định 49 ban hành ngày 1-7-2010) nhưng nhiều trường vẫn thu cao hơn mức trần.
Điển hình là Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Một nữ thí sinh ở TP.HCM cho biết trong giấy trúng tuyển trường gửi cho bạn (ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm) thông báo đóng học phí như sau: học phí học kỳ I là 455.000 đồng x 5 (tháng) = 2,275 triệu đồng.
Trong khi đó, theo nghị định 49, mức học phí theo nhóm ngành đào tạo công nghệ năm học 2011-2012 có mức cao nhất là 395.000 đồng/tháng/sinh viên, tức 1,975 triệu đồng/học kỳ. Không dừng lại ở đó, trường cũng thu thêm “phí cơ sở vật chất” 975.000 đồng (năm tháng). Như vậy, tân sinh viên trúng tuyển vào trường này phải đóng học phí cao hơn quy định đến 1,275 triệu đồng/học kỳ.
Ngoài ra, một số trường ĐH, CĐ khác luôn ghi chú “trường công lập” khi gửi thông báo tuyển sinh, nhưng học phí lại “không được công lập” cho lắm. Cụ thể như Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP.HCM. Thí sinh trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh phải đóng học phí 2,5 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, mức thu học phí bậc CĐ được tính bằng 0,8 mức thu tương ứng đối với ngành đào tạo bậc ĐH, tức chỉ khoảng 2,84 triệu đồng/năm (nhóm ngành kinh tế) trong năm học 2011-2012.
Chưa hết, tân sinh viên Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vinatex TP.HCM nhập học trong năm học này còn phải đóng nhiều khoản khác như bồi dưỡng ngoại ngữ 360.000 đồng, lệ phí thư viện, thi học kỳ, giấy thi 400.000 đồng; đồng phục 550.000 đồng; phí nhập học, khám sức khỏe, thẻ...100.000 đồng; học quân sự tập trung 150.000 đồng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận