Ông Dương Văn Thắng mong mỏi có được thẻ căn cước công dân như bao người khác - Ảnh: Uyên Trinh |
“Bây giờ đi đến đâu người ta cũng nói tui giết người, cướp của, không ai dám chứa. Công an thu hết giấy tờ tùy thân nên xin làm bảo vệ cũng không được. Hai con trai tôi cũng bị liên lụy theo...” - ông Dương Văn Thắng (55 tuổi, ngụ P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng rưng rưng như thế.
Bị bắt oan
“Chiều 8-9-1991, tui đi ôm mía cho lò đường gần nhà. Vì quá mệt nên tui nghỉ giữa chừng. Về nhà tắm rửa xong, lúc đó khoảng 21g, vừa châm điếu thuốc thì anh công an khu vực vào nhờ tui lên phường dọn dẹp bàn ghế vì lúc đó tui là thành viên đội dân phòng của phường.
Bước ra đến trước nhà, tui bị anh công an đưa lên xe chở thẳng về Công an P.17 mà nay tách ra thành P.17 và P.6, Q.Gò Vấp” - ông Thắng kể.
Tại đây, công an hỏi ông Thắng có biết ai tên Hưng không. Ông Thắng trả lời không biết và không chơi với ai tên Hưng.
“Thế là họ tra khảo một hồi rồi đưa tui vô trại giam Chí Hòa. Khoảng một tháng bị tạm giam, tui bị ép nhận tội giết hai vợ chồng và đứa con để cướp 1 chỉ vàng mà nghe họ nói tui mới biết sự việc” - ông Thắng kể.
Cùng lúc đó, một nạn nhân trong vụ giết người, cướp tài sản tỉnh lại và khai ra hung thủ. Nhờ vậy ông Thắng được thả.
“Nếu người đàn ông ấy không tỉnh dậy, chắc tui không sống đến hôm nay” - ông Thắng mếu máo.
Ông Thắng trở về cùng với quyết định đình chỉ điều tra bị can (do trưởng Phòng CSĐT Công an TP.HCM Trần Hùng Nghiệp ký ngày 1-10-1991) và quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả tự do vì ông “không liên quan vụ án”.
Vợ ông Thắng giao hai con trai lại cho ông rồi bỏ đi...
Cắt hộ khẩu vì “không có việc làm”
Tìm về nơi ông Thắng ở ngày trước hỏi về câu chuyện ông bị bắt oan, những cao niên, lão làng ở đây ai cũng biết.
Ông Trần Thanh Liêm - trưởng ban bảo vệ dân phố P.6, Q.Gò Vấp - chép miệng: “Ngày trước tôi quản lý đội dân phòng, trong đó có Thắng.
Lúc Thắng bị bắt, tôi với mọi người ai cũng bất ngờ. Tính nó hiền lành, không rượu chè, cờ bạc, sống lại không mích lòng ai. Ai kêu gì làm nấy, mà làm rất nhiệt tình nên người ta thương lắm. Ngày nó được thả về ai cũng mừng...
Hung thủ gây ra vụ giết người, cướp tài sản tên Hưng (23 tuổi), ngụ gần nhà Thắng. Sau đó Hưng bị bắt và bị xử tử hình trong một phiên tòa công khai diễn ra tại sân trụ sở UBND P.17, Q.Gò Vấp”.
Lúc bị bắt, ông Thắng bị thu hết giấy tờ tùy thân.
Trở về, ông Thắng tìm đến công an phường rồi công an quận xin lại giấy tờ để nhập hộ khẩu cho mình và hai con vào địa chỉ nhà cha mẹ ông ở tổ 7, P.17, Q.Gò Vấp nhưng bị từ chối.
Cán bộ ở Công an Q.Gò Vấp giải thích hộ khẩu của ông đã bị cắt, trong khi đó căn nhà trước đây đã bán cho người khác.
Ông Thắng cho biết trước khi bị bắt thì ông làm thuê, bữa có bữa không.
Tháng 1-1987, ông Thắng bị chính quyền địa phương bắt đi cưỡng bức lao động 2 năm vì “không có công ăn việc làm”.
Sau đó, Công an Q.Gò Vấp cắt hộ khẩu của ông.
Trong thời gian này ông Thắng ngã bệnh và được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sau đó cho về địa phương điều trị.
Ông xin nhập lại hộ khẩu vào nhà cha mẹ nhưng công an phường kêu ông gia nhập lực lượng dân phòng, sau đó sẽ giải quyết nhập lại hộ khẩu. Làm được hơn năm thì ông bị công an bắt.
“Tôi muốn có thẻ căn cước...”
Ông Thắng nói hiện ông chỉ có giấy xác nhận nhân thân có chữ ký của trưởng Công an P.6, Q.Gò Vấp xác nhận ông “bị thất lạc giấy tờ vì bị công an bắt liên quan đến án giết người cướp tài sản”. “Tui giữ kỹ tờ xác nhận này như báu vật, ai đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân thì tui đưa ra” - ông Thắng nói.
Hơn 25 năm qua, ba cha con ông Thắng không hề có bất kỳ giấy tờ tùy thân, sống rày đây mai đó. Đi xin việc làm không ai dám nhận.
Ba cha con phải vô nghĩa địa gần chùa Phổ Chiếu ở. Ban ngày đi phụ việc, bốc vác, vớt xác, ban đêm ông Thắng ở dưới những mái hiên của những ngôi mộ trong nghĩa địa.
Con trai đầu của ông Thắng lấy vợ không có giấy tờ để đăng ký kết hôn. Đứa còn lại hiện đang ở với ông, chưa xin được việc làm vì không có CMND. Gần đây, hai cha con dọn về căn phòng trọ giá rẻ ở đường số 30, P.6, Q.Gò Vấp.
Điều ông hi vọng mấy chục năm qua như đặt hết vào cuộc gặp với chúng tôi. Những tủi nhục, oan khiên ngày nào vẫn còn đó nhưng ở cái tuổi đã bên kia dốc cuộc đời, người đàn ông này chỉ tha thiết mong được chính quyền, cơ quan chức năng giúp đỡ làm lại hộ khẩu, thẻ căn cước.
“Đời tui sao cũng được. Chỉ mong cho con tui lấy vợ, đẻ con có giấy tờ tùy thân như mọi công dân bình thường khác...” - ông Thắng bày tỏ.
Có nhiều cách giải quyết cho ông Thắng Theo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, trường hợp làm mới thẻ căn cước công dân (trước đây là CMND) hoặc cấp lại do bị mất phải có sổ hộ khẩu. Căn cứ vào đó cơ quan chức năng ghi nhận nơi thường trú vào thẻ căn cước công dân. Trường hợp ông Thắng đã cắt khỏi hộ khẩu của cha mẹ, hơn nữa căn nhà đó đã bán từ lâu. Trong khi chờ để làm lại hộ khẩu thì xảy ra việc bị bắt giữ, mất CMND. Theo trình tự, ông Thắng phải đến cơ quan công an nơi từng có hộ khẩu (Gò Vấp) yêu cầu cấp xác nhận có hộ khẩu gốc. Tiếp đó phải có người bảo lãnh cho ông này nhập hộ khẩu. Cơ quan công an sẽ xem xét nhập hộ khẩu rồi sử dụng hộ khẩu để làm thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, ông Thắng còn có thể làm đơn trình bày về việc mình bị bắt oan và bị cơ quan công an làm mất CMND để phản ảnh đến ban giám đốc Công an TP. Từ đó ban giám đốc sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết cho ông Thắng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận