17/08/2008 18:45 GMT+7

Nơi lưu giữ cổ vật và tình người

Theo NHƯ THỤDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NHƯ THỤDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Những kỷ vật của cuộc sống tưởng như không có giá trị gì nhưng chúng lại là nhân chứng kể lại chính cuộc sống và cả nền văn hóa. Trên đường phiêu du, chúng tôi gặp một người như thế, bà Judy Snyder, sống tại quận Warington, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Ngôi nhà của bà bình dị, nhưng giống như một viện bảo tàng, lưu lại những thứ bình thường trong cuộc sống, do nhiều thế hệ gia đình bà sưu tầm. Ngay trên tường là trang bìa của tờ báo The Saturday Evening Post, phát hành ngày 17-3-1956 có giá bìa 15 cents, kế bên là con tem kỷ niệm 100 năm của ngành giáo dục Mỹ 1857-1957, ngành bà từng làm việc.

XRSh4fpD.jpgPhóng to HTgoyN4H.jpg
Tem xưa và tờ bìa The Saturday Evening Post Vật dụng vè người da đen

Bà kể: “Tôi bắt đầu thích sưu tầm chúng cách đây hơn 35 năm, có những thứ do ông bà tôi để lại, do chồng tôi sưu tầm và hẳn nhiên nhiều đồ vật do tôi tìm kiếm. Còn về thời gian của chúng, thật sự tôi không nhớ lắm vì nó quá lâu...”.

Chiếc đồng hồ màu đen có quả lắc treo trên vách do bà nội của bà để lại. Bà cũng không biết nó bao nhiêu tuổi, chỉ biết bà nội của bà mua nó không phải bằng tiền, mà bằng coupon. Để có coupon, bà nội của bà mua rau quả hàng ngày và tích lũy coupon, đủ coupon đem đi đổi lấy chiếc đồng hồ.

“Khi còn là một đứa bé, mỗi lần đến nhà bà nội, cha tôi đều bế tôi lên để lắng tai nghe tiếng gõ của quả lắc. Có lẽ nó đã trên 100 tuổi”, bà Judy, tuổi vào hạng U80, nói.

PxRDyZRn.jpgPhóng to

Bàn ủi và máy khâu gần 90 năm

Gian phòng khách của bà không có bộ sofa tân thời như phần lớn các gia đình người Mỹ thường thay đổi. Thay vào đó là chiếc máy giặt... tay trên 125 năm được mua với giá 14 USD. Chiếc ghế thêu đối diện mà ông cố bà để lại cũng ngót nghét 138 năm. Riêng chiếc xe lăn bằng gỗ cũng trên 125 tuổi. Trên những chiếc kệ gỗ không có những bức tranh, hay những hình thù pha lê sang trọng mà lại là những chiếc bàn ủi, hay máy khâu mà tuổi của nó còn hơn tuổi của bà. Ngay cạnh kệ là chiếc xe kéo sờn tróc vì chất đầy những vật dụng và nay lại đầy những quyển sách mà nó mang vác kể từ 75 năm qua và còn tiếp tục.

Trần nhà cũng không có đèn chùm pha lê mà là những chiếc cân cổ lỗ mà ai đó đã dùng hơn 80 năm. Gian phòng khách nhỏ còn kê một chiếc tủ dài khoảng gần 2m, bà mua với giá 75 USD mà cách đây trên 100 năm, được dùng bày bán thức ăn làm sẵn. Trên vách tường được tận dụng treo cái cồng trâu bò trên 70 năm, hay những bức tranh thêu. Những tấm vải thêu này có cái được làm từ những năm 1746, 1814, 1825, 1835.

FYQENuab.jpgPhóng to

Cân

Nước Mỹ mới có hơn 300 năm tuổi. Những kỷ vật ở nhà bà Judy có cái có tuổi còn hơn tuổi nước Mỹ. Những bức tranh thêu này, theo bà Judy, ngày xưa là vật để khoe tài của các cô gái. Những bức thêu này được treo trước cửa nhà để những nhà nào muốn tìm con dâu nhìn vào đấy mà thấy tài công dung ngôn hạnh của cô gái. Cái đẹp của tấm vải thêu thể hiện sự khéo léo của người con gái.

Gian bếp của bà Judy ngoài chiếc bếp điện, cái tủ lạnh hai cánh, lò vi ba thời hiện đại, còn có cả cái thớt nặng trên 100kg. Nó được bà ngoại của bà dùng từ khi còn trẻ. Cái tủ hình lục giác với 60 ngăn có trên 100 tuổi được dùng chứa các cỡ đinh ốc. Góc nhỏ trong nhà bếp có cả những vật kỷ niệm về giai đoạn nước Mỹ còn nặng nề nạn phân biệt chủng tộc. Những con búp bê với dáng vẻ người da đen có từ hơn 100 năm trước, những chiếc mặt nạ người da đen, hay là tờ thực đơn mặt sau in hình người da đen. Bà Judy giải thích: “Đây là những thứ mà ngày xưa người ta giễu cợt người da đen, bây giờ không còn nữa”.

iloHzY4z.jpgPhóng to XevTlGw4.jpg
Đồng hồ mua bằng coupon Xe lăn

Khi đang giới thiệu về bộ sưu tập của mình, bà Judy với tay lấy chiếc ly trên kệ. Bà nói: “Ly kem này trên 100 năm rồi đấy, người ta gọi nó là penny lick. Ngày ấy, người ta chỉ để một cúp kem vào ly và ăn bằng lưỡi, nghĩa là liếm kem. Người ăn liếm đến khi ly kem sạch trơn, còn người bán chỉ dùng khăn sạch lau qua mà không rửa.

Chồng bà khi còn sống rất thích sưu tầm những chiếc muỗng múc kem. Ngay dưới mặt bàn ở phòng khách hay trên vách nhà, thậm chí vách tầng hầm (nơi dùng làm phòng giải trí, có bàn bida, có lưới bóng rổ cho trẻ em...) cũng được bày biện những chiếc muỗng múc kem. Dọc lối xuống tầng hầm là các chiếc xe kem nhỏ của nhiều hãng. Nơi đây còn có cả chiếc tủ lạnh được sản xuất từ năm 1891.

Bà Judy thỉnh thoảng khóa “viện bảo tàng”, tự lái xe xuyên liên bang để thăm con gái. Giống như nhiều ngôi nhà khác ở vùng này, kiến trúc nhà rất đơn giản và nhẹ. Vách chỉ bằng gỗ hay nhựa, ở giữa là một lớp như gòn có tác dụng cách nhiệt, đóng đinh không cần dùng búa, chỉ cần lấy tay “ấn” đinh vào. Cả một viện bảo tàng giá trị như thế mà chỉ để trong một ngôi nhà đơn giản như thế? Chỉ như thế thôi, bà không có gì lo lắng vì tất cả đều có... bảo hiểm canh chừng.

gPI3AT9Y.jpgPhóng to t9v1kdjV.jpg
Tranh thêu Cái thớt trên 100kg, gần 100 năm

Những bức ảnh treo trên lối cầu thang có nhiều chân dung người châu Á. Bà Judy giới thiệu: “Đây là những đứa con, đứa cháu của tôi”. Họ là người Việt Nam? “Phần lớn là người Việt Nam. Chúng tôi đã giúp một số thanh thiếu niên người Việt, như cho họ chỗ ở, ăn uống, giúp họ kiếm việc làm, học tiếng Mỹ. Chúng tôi chỉ nhận được sự trợ giúp ít ỏi của chính phủ trong việc hỗ trợ họ, còn lại chúng tôi lo cho họ bằng tiền lương của mình”.

Anh Hai Le, một trong những người Việt Nam từng được bà giúp đỡ kể: “Bà giúp đỡ từ khi tôi hơn 20 tuổi. Để có thể nuôi mọi người, bà Judy tìm mua thức ăn rẻ, làm thêm việc. Bà không yêu cầu chúng tôi làm việc gì trong nhà. Chúng tôi tự bảo nhau, người giúp dọn vườn, người dọn nhà, người đến trước chỉ cho người đến sau. Khi chúng tôi có việc làm thì phụ chi phí với bà”.

Tại sao bà lại giúp họ khi bà không phải là người giàu có? Với câu hỏi này, bà Judy chỉ nói: “Chúa nói với tôi phải thương người và phải nhận họ làm hàng xóm của mình”. Câu thành ngữ “Bà con xa không bằng láng giềng gần” được vợ chồng bà Judy dành cho 25 con người khi họ còn nghèo khó. Rất nhiều người trong số những người được bà giúp đỡ đã thành đạt, trở thành kỹ sư, doanh nhân và tất cả đều quay về thăm bà mỗi khi có dịp. Con cái của họ đều gọi bà là Grant mom - bà.

“Grant mom giúp tôi rất nhiều trong việc chọn trường đại học và bà cũng hay động viên tôi phải cố gắng học để có một cuộc sống tốt hơn” - Jesica, cô con gái của anh Hai Le, nói.

wZWocwRg.jpgPhóng to

Muỗng múc kem

Julia, em của Jesica, sinh trên đất Mỹ, nhưng nói thạo tiếng Việt, chỉ vào những vạch ngang khắc trên cánh cửa xuống tầng hầm nhà bà Judy: “Năm 2004 con cao chừng này, hôm nay con cao đến đây”. Những cái tên khắc cạnh những vạch là tên và chiều cao của những đứa cháu và cả cha mẹ của chúng được khắc lên mỗi lần họ đến thăm bà.

IVmiOnqq.jpgPhóng to

Tủ lạnh 1891

Căn nhà đầy những vật dụng cũ kỹ, cái treo trên tường, cái nằm trên kệ, cái xếp dưới đất, thậm chí nhà vệ sinh cũng được bà tận dụng. Cổ như tình. Lòng người đối với đồ vật và tình người với người của bà không thay đổi. Những cái cân cổ, những đồng hồ cổ từng được dùng gần trăm năm, không đo được tình cảm của bà Judy. Đã có đến hai thế hệ người Việt đơn giản gọi bà là Mom Judy hay Grant mom Judy.

Theo NHƯ THỤDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp