21/06/2011 10:49 GMT+7

Nỗi lòng xa xứ

NGÔ VĂN CHUNG (du học sinh Ấn Độ)
NGÔ VĂN CHUNG (du học sinh Ấn Độ)

TTO - Quê hương đối với mỗi người luôn là tiếng gọi trìu mến thiêng liêng được cất lên từ thanh quản. “Quê hương mỗi người chỉ một”. Quả đúng như vậy, quê hương luôn là nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn ta.

Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo của mảnh đất Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định. Nhà tôi gần biển. Tôi yêu quê, yêu cái vị mặn chát của sóng biển và người dân quê tôi. Sống trong cảnh lam lũ từ bé, tôi hiểu nỗi cực nhọc của bố và sự tảo tần của mẹ.

Khi lớn lên nhìn thấy tóc mẹ đã điểm bạc lúc tuổi vẫn còn trẻ khiến tôi chạnh lòng. Tấm áo sờn của bố đã làm tôi cảm giác được trách nhiệm của một người con trưởng trong gia đình và sẽ là điểm tựa cho các em.

Ngày học xong cấp III, tôi lên Hà Nội thi đại học. Rồi tôi trúng tuyển vào Đại học Công Nghiệp Hà Nội. Tôi khăn gói rời xa gia đình yêu dấu của mình để đến với ngọn nguồn của tri thức. Những ngày đầu gian khó quá đi, tôi giành được những thành quả cao trong học tập. Tôi nghe người bạn khuyên nên đến đại sứ quán xin các suất học bổng đến nước họ du học khi có chương trình giao lưu trao đổi du học sinh của hai nước.

Tôi đến Đại sứ quán Ấn Độ phỏng vấn. Sau đó tôi được chọn và họ nhận tôi về Trường Skikkimmanipa thuộc bang Mahashtra thuộc trường l của Ấn Độ. Lại một lần nữa tôi rời quê hương, bao nhiêu giằng xé nội tâm, lo lắng khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Những ngày tiếp theo tôi hoàn thành thủ tục và chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đi du học. Tôi đến sân bay Nội Bài trong sự lưu luyến của người thân và bạn bè, nhưng tôi giấu đi những ưu phiền trong lòng bước đi và mong chờ về một tương lai tươi sáng để có một ngày về trong sự chào đón của mọi người.

Tôi phải bay quá cảnh, và nơi tôi đặt chân đến đầu tiên chính là sân bay Bangkok của Thái Lan. Giây phút đầu tiên ấy tôi như người mất đi sự tự tin khi tôi nhận ra mình gặp vấn đề về giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ mà không phải là tiếng mẹ đẻ của mình. Cảm xúc trong tôi vừa mệt mỏi vừa lo sợ và tự hờn trách bản thân mình. Vì bản thân tôi học ngoại ngữ rất tệ và tôi đã nhận được bài học đầu tiên khi đặt chân lên đất Thái. Sau một ngày dừng lại nơi đây, chuyến bay của hãng hàng không Thái Lan đã đưa tôi đến với đất nước Ấn Độ.

Khi chưa tới đây tôi cũng đã cảm nhận được nền văn hóa của Ấn Độ nhưng không thể sâu sắc bằng những gì tận mắt chứng kiến.

Tôi cố hòa nhập với cuộc sống xa quê và cảm nhận cuộc sống ở đây. Điều lý thú trong ngày đầu tiên khiến tôi ngỡ ngàng là chiều thuận của điều hòa giao thông ở đây là bên trái chứ không là bên phải như ở Việt Nam.

Từ sau ngày đến Ấn Độ, tôi không khỏi thán phục những con người cổ xưa đã làm nên một nền văn minh Ấn mà nhân loại vẫn nghiêng mình thán phục với những kỳ quan đó. Một đất nước sản sinh ra Phật giáo, là đất nước có nhiều tôn giáo nhất. Và đây cũng là đất nước có sự phân hóa giai cấp giàu nghèo rõ rệt đến như vậy.

Tôi cảm nhận hết những gì tôi nhận thấy được ở đây. Đến với ngôi trường tôi học, tôi cảm giác được không khí học tập và cũng có rất nhiều du học sinh của các nước đến đây học giống tôi. Tôi bước trong khuôn viên trường với hàng cây cổ thụ rợp bóng mát, khiến tôi cảm giác được sự yên bình.

Điều ấn tượng nhất khi tôi đến trường là gặp một cậu bạn người Haiti. Tôi chào hỏi cậu ấy bằng sự hiếu khách vốn có của người Việt Nam. Cậu ta hỏi tôi: Where are you from? Và tôi trả lời cậu ta rằng tôi đến từ Việt Nam. Cậu ta không biết Việt Nam là đâu, và cậu ta còn thắc mắc rằng: Việt Nam của cậu là thuộc thành phố nào? Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, tôi đã cố giải thích cho cậu ta Việt Nam là một đất nước rất đẹp nằm ở khu vực Đông Nam Á. Sau này chúng tôi kết thân, anh bạn đó dần hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Khi tôi bay về Việt Nam anh ta còn nhắn gửi tôi rằng sẽ có dịp anh ta đến Việt Nam tham quan đất nước của tôi.

Tôi dần thích ứng và cải thiện được vốn ngoại ngữ của mình, tôi bước vào những kỳ học khắc nghiệt để hoàn thành khóa học. Có lẽ hơn 3 năm ở Ấn Độ, cảm giác trong tôi trống trải nhất chính là tết cổ truyền tại quê nhà. Nhìn những du học sinh có điều kiện về Việt Nam đón tết cùng gia đình mà lòng tôi chứa chan bao nỗi niềm khôn tả.

Những ngày cận tết cổ truyền, tôi vẫn lên thư viện đọc sách như cố quên đi cảm giác và nỗi trống vắng xa nhà.

Đêm 30 tết, khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới ở quê nhà khiến tôi có cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân yêu và nhớ dòng người đổ về hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa. Giây phút đó tôi lại ngồi trên máy tính, mở chương trình cầu truyền hình trực tiếp để nghe những tiếng nói thân thương vọng lại từ đất mẹ Việt Nam.

Một mình trống vắng trong căn phòng, tôi cảm giác được sự cô lẻ và sự đơn độc khi ở xứ người, tôi như muốn lao nhanh về nhà bên mọi người để tận hưởng một cái tết đầm ấm thắm đượm nghĩa tình.

Rồi nỗi buồn xa vắng cũng vơi đi, chúng tôi lại bước vào hội thao văn hóa văn nghệ và thể thao dành cho sinh viên quốc tế. Tôi lại được khoác trên mình màu áo Việt Nam để thi đấu giữ vững màu cờ sắc áo. Sau mỗi cuộc thi, một lần nữa tôi lại cảm nhận được sức mạnh của các du học sinh rời quê đi du học như tôi và tinh thần hướng về đất nước mình.

Ngoài những cuộc thi đó, chúng tôi còn tham dự các cuộc thi ẩm thực, tôi cũng là một thành viên đại diện cho Việt Nam tham dự. Tôi sáng tạo những món ăn dân tộc Việt để đi quảng bá văn hóa ẩm thực của đất nước mình. Đối với tôi, giành giải chưa phải là cái đích cuối cùng mà còn là cơ hội để tôi được giới thiệu về đất nước tôi cho bạn bè quốc tế.

Trở về với những chuỗi ngày dài sống trên đất Ấn đã cho tôi rất nhiều điều, không chỉ vốn kiến thức tôi học được ở trường mà là những tri thức về đời sống.

Tôi là một người theo đạo Thiên Chúa, nhưng vào những ngày nghỉ tôi lại đến các ngôi đền và chùa ngồi nghe các vị sư nói chuyện và tôi dần am hiểu Phật giáo.

Do điều kiện gia cảnh sinh ra ở miền quê nghèo, không nhiều đất canh tác, gia đình tôi cũng không thật sự khấm khá, hơn nữa tôi đi du học cũng không phải là nhận học bổng toàn phần, tôi vẫn phải dựa vào sự chu cấp của bố mẹ. Chính vì thế gia đình tôi rất ít có điều kiện gọi điện sang Ấn cho tôi, cũng như nếu tôi có gọi về bố mẹ cũng lo lắng tốn tiền vì thế tình cảm của tôi đối với gia đình chỉ cất giấu vào tận sâu trong lòng mà khó có thể thoát ra được từ thanh quản. Mọi thông tin về quê hương và gia đình tôi đều phải thông qua Internet và chat Yahoo với bạn bè.

Cuộc sống xa quê với muôn vàn nỗi cơ cực và túng thiếu, tôi phải tự lo liệu cho cuộc sống của mình để tiếp tục việc học. Có nhiều lúc tôi đã muốn dừng lại để quay về, không phải khả năng của tôi không theo kịp các bạn học của mình, mà chính hoàn cảnh gia đình khiến tôi phải đau đầu suy nghĩ. Khi thật sự cân nhắc, tôi lại giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt để tiếp tục việc học.

Ngoài vấn đề khó khăn về tài chính, những du học sinh như chúng tôi phải đối mặt với tình hình bất ổn về chính trị. Đã có lần một quả bom phát nổ cách nơi tôi ở mấy trăm mét. Nhìn thấy tình hình chiến sự ở các nước tôi lại khát khao được sống trong sự yên bình về chính trị như Việt Nam.

Cuộc sống ở xứ người dạy cho tôi cách sống tự lập và tự rèn luyện mình để thích ứng. Đã hơn 2 năm tôi ở đây, mỗi độ tết đến xuân về hay trong những ngày quốc khánh tôi đều nhớ về quê hương. Tôi cũng nhớ cảnh nô nức của bao người dân đón chờ và kỷ niệm ngày độc lập.

Tôi nhớ những đêm mất ngủ bên chiếc tivi đón xem giải ngoại hạng Anh cùng bạn bè. Đến sân vận động Mỹ Đình xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Những đêm không ngủ cùng dòng người xuống đường khi Việt Nam chiến thắng. Khung cảnh đó hiện lên trong tâm trí tôi như một ký ức thân thương.

Tôi nhớ món ăn dân dã của sinh viên, những quán cóc vỉa hè và ăn ngon lành món bún đậu mắm tôm, nó phù hợp với túi tiền và mùi vị đặc trưng của món mắm tôm không quen thì khó ngửi nhưng khi đã hợp với khẩu vị tôi lại không thể bỏ được.

Vào những ngày đất trời Ấn Độ mưa, tôi lại ngồi nhìn xa xăm và nhớ về những ký ức về quê hương. Tôi lại như lạc vào một thế giới mà thực tại đối với tôi lúc đó là một cái gì xa xăm.

Tôi đã trải qua những cảm xúc rất khác nhau khi tôi ở xứ người, và giờ đây khi đã về Việt Nam tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày xa quê ấy. Những hình ảnh đó mãi lắng đọng trong tôi và là ký ức mãi đẹp tươi về những tháng ngày xa quê ấy. Đối với tôi, đất nước Việt Nam mãi đẹp tươi trong lòng những người con đất Việt khi nhớ về.

NGÔ VĂN CHUNG (du học sinh Ấn Độ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp