Cô giáo Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM, tặng quà cho học sinh lớp 1 trong ngày đầu tiên đi học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Có thể nhắc tới nhiều nguyên nhân của tình trạng chuyển dịch từ công sang tư, trong đó thu nhập và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo là một trong những lý do được bàn thảo nhiều nhất.
Không riêng bậc học nào
Không chỉ tồn tại trong môi trường giáo dục phổ thông, câu chuyện lương thấp còn là tâm tư chung xuất hiện cả ở bậc dạy cao đẳng, đại học.
Cùng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Hàn, nếu bạn chọn con đường dạy tiếng, rồi từ đó học lên cao học, nghiên cứu sinh, gắn bó với giảng đường, hẳn nhiên thu nhập sẽ không thể so sánh (nếu không muốn nói là so sánh khập khiễng) với những bạn bè chọn theo con đường phiên dịch sự kiện hay tham gia các công ty có yếu tố Hàn Quốc.
Chỉ một cái ngoảnh mặt vài năm, nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa đều có thu nhập cao ổn định, có chức vụ và chỗ đứng trong doanh nghiệp, làm sao không khỏi chạnh lòng?!
Hay như câu chuyện cùng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, người mang tiếng thủ khoa được nhà trường vinh danh giữ lại khoa giảng dạy, chỉ vài năm sau chớp mắt lại buồn tủi chạy đây chạy kia cậy nhờ những người bạn năm xưa cùng hỗ trợ khoa trong công tác kiến tập, thực tập tại cơ sở. Gặp cảnh đó, sao chẳng bẽ bàng cho nghề dạy xiết bao?!
Tình huống tương tự cũng thường xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Đó cũng phần nào là lý do thế hệ trẻ ngày nay ngày càng có xu hướng khước từ nghề dạy.
Phải chăng giáo viên, giảng viên không có thực tài, chỉ giỏi lý thuyết hàn lâm mà không mạnh về thực tiễn ứng dụng?
Và phải chăng giáo viên, giảng viên chỉ nhìn vào đồng lương mà làm việc, không chịu đổi mới sáng tạo trong công tác chuyên môn? Nếu vội vàng đưa ra câu trả lời, e rằng khó lòng công bằng với các thầy cô.
Một khi đã tâm nguyện theo con đường giáo dục, hẳn nhiên chúng ta đều xác định đây không phải là nghề để làm giàu, ít nhất được hiểu theo nghĩa giàu có về tài chính, tiền bạc. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các thầy cô nhận về những đồng lương không xứng đáng với những gì đã trao đi, không thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Đấy là chưa kể đến cơ chế quản lý giáo dục, nhất là ở cơ sở, còn nhiều bất cập như hiện nay, ở một góc nhìn nhất định, có thể trở thành trở lực cho sự phát triển chuyên môn của người dạy.
Cần sớm có lời giải
Thấu hiểu những suy tư đó, khu vực giáo dục tư nhân (bao gồm từ bậc mầm non để cả đại học, sau đại học) trong những năm qua đang ngày càng đưa ra những chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút lực lượng người dạy có chuyên môn vững và thậm chí là có thâm niên nghề nghiệp.
Rồi đây hẳn là sẽ có những thống kê xã hội học cập nhật những con số chính xác cụ thể và đưa ra những kiến nghị, giải pháp sâu sắc về thực trạng giáo viên từ khối công chuyển sang khối tư. Nhưng ngay lúc này, chúng ta không thể không trăn trở ưu tư.
Cũng như những ngành nghề khác, giáo dục khu vực tư phát triển là điều rất đáng mừng và hoan nghênh. Nhưng cũng như y tế, giáo dục là một ngành nghề đặc thù nên cần có tư duy quản lý đặc thù.
Nếu khu vực công không là chủ lực trong giáo dục và y tế thì chúng ta khó có được sự công bằng xã hội trong phát triển dân trí và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Học trò gia cảnh khó khăn khó lòng tiếp cận giáo dục, không được đáp ứng đầy đủ quyền được học khi các trường công ngày càng đuối sức. Người bệnh phải tốn kém tiền bạc để có thể được trị bệnh ở những cơ sở thăm khám dịch vụ, tư nhân.
Bài toán này rất cần được các nhà quản lý sớm đưa ra lời giải. Cần lắm những giải pháp mang tính đột phá, mạnh mẽ và quyết tâm để thầy cô có thể vững tâm theo nghề, và để học trò được đảm bảo quyền được tiếp cận tri thức một cách công bằng.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Tháng 11 hằng năm là dịp để xã hội tri ân thầy cô giáo.
Đây cũng là dịp lắng nghe những tâm sự, nỗi lòng của nhà giáo để có thể hỗ trợ tốt hơn cho việc dạy và học. Đâu là câu chuyện nhà giáo mong muốn chia sẻ? Những khó khăn nào mà nhà giáo đang phải đối mặt?
Những chính sách nhà giáo mong muốn thay đổi là gì? Những mong ước của nhà giáo để dạy và học tốt hơn. Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Nỗi lòng nhà giáo" để lắng nghe "tiếng lòng" của thầy cô. Bài viết gửi về [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận