31/03/2013 00:45 GMT+7

Nỗi lòng môn phụ

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Vừa nghe tin Bộ Giáo dục - đào tạo công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 là văn, toán, ngoại ngữ, hóa, sinh và địa lý, nhiều đồng nghiệp của tôi dạy môn sử đã buông một câu: ”Thế là khỏe!”. Thế nhưng, nét mặt của mọi người thì không vui như nói. Đơn giản bởi thế là sử thành môn phụ của mùa thi năm nay mất rồi!

Trước tiên, xin giải thích câu “Thế là khỏe”. Đúng là khỏe thật, khi mà trong tuần tới đây, sử cùng hàng loạt môn khác - trừ sáu môn thi tốt nghiệp - sẽ tiến hành thi kiểm tra học kỳ 2, rồi sau đó là nghỉ khỏe.

Nhưng thói đời đâu phải cứ khỏe cái thân là vui, khi trong lúc các đồng nghiệp ở sáu môn được chọn thi tốt nghiệp tất bật lo nhồi nhét kiến thức cho học sinh đến gần sát ngày thi, mà mình lại nghỉ sớm thì có cảm giác của người thừa, của người dạy môn phụ. Ông bà xưa nói thật không sai: “Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt/Con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”! Trong khi các giáo viên dạy sáu môn được chọn thi bắt đầu bước vào con đường đau khổ với vô vàn áp lực, thì những người khác lại buồn buồn tủi tủi.

Từ tâm trạng rất thật ấy của giáo viên mới giật mình nghĩ về một chuyện cũ, rất cũ nhưng luôn mới, đó là cách thi cử lạ lùng ở nước ta. Nhiều học trò của tôi, nhờ gia đình có điều kiện nên cho đi du học nước ngoài sớm, đều kể về những chuyện mà chúng tôi đã mơ nhiều năm rồi. Đó là ở những nước có nền giáo dục tiên tiến người ta chẳng ép học sinh học đến 13-14 môn như ở ta. Ngoại trừ văn, toán bắt buộc, còn lại học sinh chỉ học thêm ba môn khác do mình chọn theo sở thích, và thi tốt nghiệp thì đúng năm môn mà thôi. Thậm chí trong hai môn văn, toán, người ta còn chia ra hai đẳng cấp căn bản - nâng cao cho học sinh chọn. Như vậy có nghĩa rằng không có môn chính - phụ trong nền giáo dục hiện đại. Bởi học sinh nào có thiên hướng khoa học tự nhiên thì ngoài văn, toán sẽ chọn lý, hóa cùng toán nâng cao. Học sinh nào có thiên hướng nghiêng về xã hội thì ngoài văn + văn nâng cao, toán căn bản sẽ thêm hai môn thiên về xã hội.

Chúng ta không thể mơ mộng, cưỡng lại với quy luật của tự nhiên, đó là hiếm có con người văn cũng hay, toán cũng giỏi. Ấy vậy mà chúng ta cứ muốn học sinh của mình thật toàn diện với 13-14 môn học. Kết quả thực tế cho thấy đa số đều làng nhàng giống nhau. Rồi khi thi thì cứ như chơi trò lô tô xổ số, mang tính may nhờ rủi chịu. Chính vì vậy năm nào cũng thế, từ phụ huynh đến học sinh và cả thầy cô giáo (ngoại trừ văn, toán, ngoại ngữ) cứ nơm nớp hồi hộp xem ba môn còn lại là gì! Với tư cách là những giáo viên có nhiều năm đứng trên bục giảng, chúng tôi tin rằng khó thể có sản phẩm tốt từ kiểu giáo dục như thế.

Đã có lúc chúng tôi mừng thầm rằng ngành giáo dục bắt đầu chuyển từ từ theo hướng học theo các nước có nền giáo dục hiện đại, thể hiện qua việc phân ban. Nhưng hỡi ôi, con đường phân ban đã phá sản và thế là vẫn cứ phải tiếp tục “lối cụt ta về”!

Không lẽ giấc mơ cứ mãi là giấc mơ? Không lẽ giáo viên cứ mãi rơi vào tâm trạng chính - phụ? Không lẽ phụ huynh, học sinh cứ mãi đến hẹn lại lên là phập phồng chờ môn thi theo kiểu may rủi?

Những câu hỏi ngày càng trở nên thống thiết...

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp