06/01/2023 09:12 GMT+7

Trung Quốc mở cửa: Nới lỏng chứ không buông lỏng

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào ngày 8-1 là tin vui với không chỉ kinh tế Việt Nam, mà còn tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nới lỏng chứ không buông lỏng - Ảnh 1.

Trung Quốc mở cửa từ 8-1. Trong ảnh người dân Thượng Hải đi chợ Giáng sinh, ngày 24-12-2022 - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, cũng là thị trường tiêu dùng rộng lớn nhất thế giới với hơn 1,4 tỉ dân.

Nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu. Việt Nam nằm sát nách Trung Quốc nên tác động từ sự mở cửa sẽ rất lớn.

Còn nhìn vào quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, lợi thế của chúng ta là xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, đôi khi có cả tạm nhập tái xuất nông sản từ các nước ASEAN để xuất qua Trung Quốc. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, cầu tiêu dùng sẽ rất lớn. 

Nhu cầu ăn uống, giải trí, đi du lịch của người Trung Quốc sẽ tăng lên, đây là cơ hội với xuất khẩu hàng hóa nông sản và kích hoạt ngành du lịch trong nước sôi động trở lại.

Tất nhiên, cũng cần thấy rằng tác động từ sự mở cửa kinh tế Trung Quốc là hai chiều, không chỉ có lạc quan mà có cả những hạn chế. Khi kinh tế Trung Quốc đóng cửa chống dịch, hoạt động sản xuất gặp khó và một số tập đoàn đa quốc gia (TNC) có xu hướng dịch chuyển một phần chuỗi sản xuất ra ngoài Trung Quốc để giảm rủi ro. 

Trong đó, có TNC đã chọn mở rộng sản xuất sang Việt Nam vì chúng ta ở cạnh Trung Quốc, có một số nguyên liệu thô thay thế. 

Điều này làm cho đơn hàng xuất khẩu của ta tăng mạnh nhưng khi Trung Quốc mở cửa kinh tế thì sẽ níu chân các TNC ở lại, họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Như vậy, ít nhiều ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Kinh tế Trung Quốc mở cửa cũng được dự báo là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Với lợi thế núi liền núi, sông liền sông, từ nhiều năm nay khách Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến nước ta. 

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát có khoảng 5,8 triệu khách Trung Quốc trong tổng số khoảng 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. 

Đây cũng là nhóm khách mà rất nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng ăn uống trên cả nước chờ đón để cải thiện nguồn thu trong năm nay và những năm tới.

Nhưng để đón được lượng khách này, các chuyên gia y tế dự phòng cho rằng cần thực hiện xét nghiệm phát hiện biến chủng để ngăn từ sớm nguy cơ lây lan dịch, vì vấn đề mọi người lo ngại nhất hiện nay là chưa biết được biến thể virus ở Trung Quốc thế nào. 

Cho nên cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi có nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại nhiều. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, ưu tiên đối tượng có nguy cơ cao, dễ tổn thương như người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Cuối cùng chúng ta nới lỏng nhưng không buông lỏng phòng dịch, cần đánh giá được nguy cơ bùng phát dịch để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa làm ăn kinh tế được.

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT (Viện phó Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội)

BẢO NGỌC ghi

Người Trung Quốc lạc quan với kế hoạch mở cửa lại sau dịch COVID-19Người Trung Quốc lạc quan với kế hoạch mở cửa lại sau dịch COVID-19

Người dân tại các thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Vũ Hán đã trở lại cuộc sống bình thường, với niềm tin nền kinh tế sẽ khởi sắc khi ngày càng nhiều người khỏi COVID-19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp