30/03/2012 07:01 GMT+7

Nỗi lòng bệnh nhân vượt tuyến

QUỐC NGỌC
QUỐC NGỌC

TT - Đi lại, chi phí ăn ở, chữa trị là gánh nặng gây bao khó khăn cho người bệnh nhưng họ chẳng quan tâm. Người bệnh phải vượt tuyến vì chỉ ở TP mới có cơ sở điều trị bảo đảm, trọn gói, không phải chuyển chỗ này chỗ nọ.

eL2KfmdX.jpgPhóng to
Vợ ông Sáu Châu nghỉ trưa ở bãi cỏ sân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thoáng mát - Ảnh: QUỐC NGỌC

Chị T., một phụ nữ Khmer, bước ra từ khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, thẫn thờ chìa kết quả siêu âm cho con gái: “Chắc là K rồi, bác sĩ nói hai tuần sau mổ”. Ny - con gái chị với mái tóc mới mọc lưa thưa - còn sững sờ hơn cả mẹ. Mới năm trước cô bé đã phải cắt bỏ một bên vú của mình cũng vì căn bệnh ung thư quái ác, giờ lại nghe tin sét đánh mẹ cũng ung thư buồng trứng. Mẹ và con chỉ biết nhìn nhau. Cô bé cúi gằm, ghì sát người mẹ nhỏ thó của mình vào lòng quay về khu nhà trọ gần bệnh viện.

Lao đao vì bệnh

Một tuần sau ca mổ, hai mẹ con chị T. vẫn tá túc ở khu nhà chuyên cho “bệnh nhân ung bướu” thuê nằm trên đường Nguyễn Huy Lượng (Q.Bình Thạnh). Giá phòng khá “bèo” chỉ 50.000 đồng/đêm cho phòng hai giường, hết giường thì nằm ghế bố với giá 18.000 đồng/đêm. Ngủ ngày nào tính ngày đó. Ở đây có đủ bệnh nhân, thân nhân từ khắp các tỉnh thành. Từ huyện biên giới Tân Châu, tỉnh Tây Ninh lên TP.HCM từ khi con gái phát bệnh, hai mẹ con chị T. dần trở thành cư dân quen thuộc của khu nhà trọ này.

Chị T. cho biết đã bị cắt cả buồng trứng và tử cung. Bác sĩ chỉ định đến ngày 18-4 mới vô hóa trị. “Nghe đâu mỗi liều đến 11, 12 triệu đồng. Cuối tuần này phải về quê rồi tính sau. Ở đây cả tháng chi phí gấp hai ba lần ở nhà, hết tiền rồi. Kiểu này chắc nợ ngập đầu. Năm ngoái đã chạy hết 60 triệu đồng để lo cho con Ny, giờ đến lượt tôi thì thôi... nín thở” - chị T. nói như mếu.

Với tay gom mấy bộ quần áo phơi trên dãy ghế đá trong sân Bệnh viện Ung bướu, ông Sáu Châu (ngụ huyện Bình Đại, Bến Tre) giải thích khi vợ ông nằm ngủ trưa giữa bãi cỏ: “Bả bị hạch bướu cổ đang di căn. Nằm trên kia bốn người hai giường ngột ngạt, nhiều người mới mổ hôi quá nên xuống đây nằm cho thoáng”. Từ tháng 9-2011 đến nay, vợ chồng ông thường xuyên có mặt tại hành lang khu B khi bà phát bệnh trở lại. “Phải chi năm 2009 làm luôn thì giờ đâu đến nỗi. Lúc đó, đi tới đi lui hết 7 triệu đồng rồi cũng đành về nhà uống thuốc nam, vì tiền đâu mà mổ bướu cho bả” - ông lắc đầu tiếc rẻ.

Đợt này, ông ngủ ở hành lang phòng hành chính ba đêm, trông cho vợ vô thuốc rồi về. “Nhưng bả lại rớt máu, nên bác sĩ bảo không vô được. Chờ đến cuối tuần coi sao”. Theo ông Sáu Châu, bệnh viện tỉnh Bến Tre không có khoa ung bướu. Lúc đầu ông đưa bà qua Bệnh viện K120 (Tiền Giang). “Mấy bác sĩ ở đó nói liền, cái này đưa thẳng lên TP đi. Sau đó chạy thấy mồ mới xin được giấy giới thiệu để chuyển viện từ xã lên huyện, rồi tỉnh - ông ngán ngẩm - Thây kệ, tháng nào cũng mất cả tuần công làm hồ để lên đây nhưng yên tâm, khỏi chạy tới chạy lui”.

Chuyển cả công ăn việc làm để chạy thận

Tại Bệnh viện 115, ai cũng biết ông Trần Thái Diệp (47 tuổi), thường gọi Diệp “điếc”, vì sau hơn tám năm chạy thận nhân tạo, tai ông đã biến chứng không còn nghe thấy gì cả. Nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu, khi ông bị suy thận, cả gia đình phải kéo lên TP.HCM, thuê nhà ở Q.2 để mỗi tuần ba lần đưa ông đến Bệnh viện 115 chạy thận. Đường về Q.2 quá xa, mà tiền đâu ra thuê gần, nên ông đành sống loanh quanh luôn trong khu vực bệnh viện. Năm tháng qua đi, ông Diệp đã chuyển qua bán vé số dạo để vừa có tiền ở lại TP vừa phụ vào chi phí chữa bệnh cho chính mình.

Cùng cảnh ngộ, ông Dương Tẩn (55 tuổi) chạy thận nhân tạo từ năm 1999 đến năm 2011 thì xin về hưu non vì không thể một tuần hai lần xuống TP.HCM rồi lại về Lâm Đồng làm việc được nữa. Bác sĩ cũng đã yêu cầu ông tăng thời lượng chạy thận lên 3 lần/tuần. Từ ngày về hưu, ông ở lại hẳn trong bệnh viện, ngủ hành lang và khoe ngay với chúng tôi “vừa tìm được việc làm” ngay tại bệnh viện. Ông đã xin được một chân công nhân vệ sinh ngoại vi phòng bệnh. “Thế là từ nay tôi vừa làm lao công, chữa bệnh và sống ở đây, nhớ con cái thì điện thoại chứ đi đâu được nữa” - ông Tẩn vừa nói vừa tiếp tục lau hành lang bệnh viện.

Mong lắm tuyến dưới

Đang dùng bữa sáng, bữa trưa dồn một, chị Bích (ngụ huyện Đức Hòa, Long An) cho biết chồng chị đã chuyển tới chuyển lui từ bệnh viện huyện, lên Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM và cuối cùng là Bệnh viện 115 để được chạy thận. Chị đã bán sạch hai công đất được khoảng 500 triệu đồng nhưng giờ cũng sắp hết. Chị Bích nghẹn ngào: “Ổng đang đòi bán nhà. Tui cũng đồng ý nhưng chưa bán được. Vì biết mình bệnh nên người ta ép giá. Chuyến này chắc thuê nhà, còn không ra đường ở. Phải chi ở huyện làm được thì mỗi tháng không mất thêm tiền lên đây. Hơn 60km đi về, xăng cộ, ăn uống. Mà suy thận đâu ngồi lâu được, chồng tôi đi về là vật vã trên giường đau đớn”.

Anh Cường (ngụ huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đang chờ các xét nghiệm cho cha anh bị tai biến liệt, tắc động mạch chân. Anh cho biết khi đưa vào bệnh viện huyện thì họ yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn: “Mới đầu gia đình cũng chỉ muốn chuyển từ huyện lên Bệnh viện Phan Thiết thôi. Nhưng ở huyện khuyên lên đó cũng vậy nên lên TP luôn”.

Trở lại câu chuyện của hai mẹ con chị T. cùng bị ung thư mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu. Chị T. cho biết thật ra ngay khi đi khám ở Trung tâm chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em của tỉnh thì họ đã phát hiện khối u buồng trứng của chị, nhưng không thể kết luận u lành hay ác tính. Chị định lên bệnh viện tỉnh, nhưng nhiều người có kinh nghiệm khuyên “chớ dại”, vì bệnh viện tỉnh chỉ mổ cắt và sinh thiết. Rồi phải gửi mẫu lên TP.HCM xét nghiệm. Sau đó, kết quả trả về mới biết chính xác mình bị bệnh gì, mất rất nhiều thời gian. Chưa kể nếu tiếp tục chuyển lên TP thì bệnh viện tuyến cuối cũng sẽ mổ lại để nạo vét, thám sát và thậm chí làm sinh thiết lại. Nghe đến đó, chị T. rùng mình và giá nào cũng phải vượt tuyến cho xong.

Tương tự, với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Theo chị Sơn Ca, có chồng chạy thận gần sáu năm: “Có thể bệnh viện tuyến dưới được trang bị máy móc và làm được. Nhưng người chạy thận nhân tạo thường gặp rất nhiều biến chứng trong quá trình điều trị và dễ tử vong vì những biến chứng này. Hiện nay, bệnh viện quận huyện chạy thận nhưng khi có sự cố gì thì cũng phải chuyển cấp cứu lên trên. Tôi thấy cứ cho chúng tôi chạy một chỗ bảo đảm như các bệnh viện TP. Có chuyện gì họ giải quyết ngay tại chỗ, vừa an toàn vừa đỡ nhiêu khê trong việc chuyển viện”.

QUỐC NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp