Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích tại Trà Leng ngày 30-10 - Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân vùng cao không khỏi âu lo liệu có tái diễn thảm cảnh Trà Leng, khi họ đang sống dưới chân những quả núi, ngọn đồi đã no nước và mưa bão vẫn tiếp tục uy hiếp vùng đất này.
Sống cách điểm sạt lở Trà Leng vài trăm mét, anh Nguyễn Cao Tùng đầy lo lắng khi nhà mình cũng tựa lưng vô núi, bên cạnh cũng có con suối không khác gì nơi vừa vùi lấp 53 người. Hai đứa con anh đã bị thương nặng, nhưng khi xuất viện anh vẫn phải về lại căn nhà đó, phó mặc sự sống cho núi rừng.
Trên đường vào Trà Leng, có rất nhiều ngôi nhà chụm lại với nhau thành một cụm dân cư nằm chênh vênh dưới chân núi. Chẳng lẽ cứ để người dân phải thấp thỏm sống trong những căn nhà dưới chân núi đầy hiểm nguy và bất trắc như thế này?
Trong 10 năm qua, chính quyền Tây Giang, một huyện vùng cao phía tây Quảng Nam, đã khảo sát và thực hiện những cuộc di dân lịch sử. Thay vì để người dân sống dưới chân núi, huyện đã chọn những quả đồi có địa hình khá thuận lợi để san đồi, lập những cụm dân cư. Những người dân sống dưới chân núi phải di dời đến bản làng mới, cách không xa nơi ở cũ để bảo đảm an toàn.
Năm 2006, sau đợt mưa mù trời, 170 hộ dân ở làng Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cũng hứng chịu một thảm họa thiên tai khi sụp lún đất, tan hoang cả một ngôi làng vốn thanh bình bên dòng sông Hiếu.
Sau thảm họa này, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên - môi trường) đã thực hiện một cuộc khảo sát địa chất trên diện rộng, phát hiện còn nhiều nơi khác trong vùng người dân sống trên những nền đất có nguy cơ cao tái diễn thảm họa.
Sau đó, ở vùng đất an toàn cách không xa làng cũ, những khu dân cư mới đã mọc lên để người dân vừa có nơi sinh sống vừa không phải đi quá xa vùng canh tác, làm ăn.
Do đó, với người dân vùng cao ở các tỉnh miền Trung, cần có một cuộc điều tra trên diện rộng để xác định những vùng nguy hiểm, có biện pháp cảnh báo các tai biến địa chất, kiên quyết di dời dân đến vùng an toàn nhưng không quá xa thôn bản cũ. Đặc biệt, cần phải đánh giá tác động tiêu cực của các thủy điện nhỏ, thủy điện không nằm trong quy hoạch về phá vỡ cân bằng hệ sinh thái khu vực.
Hơn 20 năm nay, chúng ta đã có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững ở các vùng núi, vùng dân tộc thiểu số với tên gọi 135. Bên cạnh giảm nghèo, cần có một chương trình mục tiêu quốc gia để giảm thiểu tối đa những thảm họa tự nhiên đối với người dân vùng núi, thực hiện qua nhiều giai đoạn, trước mắt ưu tiên những địa bàn có nguy cơ cao.
Có như thế, đồng bào sống ở vùng cao mới an tâm sinh sống, bớt đi nỗi lo sạt lở như Trà Leng trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến khó lường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận