05/09/2016 09:14 GMT+7

Nỗi lo học phí bên giường bệnh

A LỘC
A LỘC

TTO - Trong lúc nhiều bạn bè vui vầy bên gia đình, mua sắm đồ đạc, áo mới chuẩn bị nhập học thì một nữ sinh viên nghèo đang chăm sóc mẹ tại bệnh viện với nhiều dự định và nỗi lo học phí.

Tân sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Như chăm mẹ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán - Ảnh: A LỘC
Tân sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Như chăm mẹ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán - Ảnh: A LỘC

“Mục tiêu của mình sau này ra trường sẽ làm ở ngành xuất nhập khẩu của một công ty nước ngoài để lo cho mẹ và anh hai. Dù có khó khăn gì mình cũng không bỏ cuộc

NGUYỄN THỊ QUỲNH NHƯ

Đó là Nguyễn Thị Quỳnh Như (Trường THPT Tân Phú), nữ sinh vừa học giỏi vừa nghèo “có tiếng” của xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai. Trong kỳ thi vừa qua, Như đạt 24,95 điểm (toán 8,75, lý 9,0, hóa 7,2), đậu vào ngành kinh tế - đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (TP.HCM) và ngành kế toán Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Họa vô đơn chí

Một trưa cuối tháng 8, Như đang bón từng thìa cháo cho mẹ ăn khi bà đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Phần ăn của bà Đặng Thị Liên (60 tuổi, mẹ Như) chỉ chừng một chén cháo nhỏ, Như nói: “Do mẹ yếu quá nên phải chia ra ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít”. Đôi mắt đượm buồn hiện rõ vết thâm quầng vì thiếu ngủ do thức đêm nhiều.

Băng qua con đường mòn gồ ghề và chiếc cầu tự làm bắc ngang con suối cạn, căn nhà mái tôn nằm sâu trong tổ 4, ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Định được dựng lên bằng những khung gỗ đầy sâu mọt hàng chục năm tuổi. Vách mục nát được thay bằng một lớp tường gạch “rào” lại xung quanh. Bên cạnh là căn nhà vệ sinh mới được xã xây tặng. Nhìn bề ngoài tưởng như căn nhà vững chắc nhưng “gỗ mục rồi, không biết khi nào sập đó”, Như nói. Ngoài 1 sào ruộng, vườn xoài và mít 2 năm tuổi vẫn chưa cho thu nhập, mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào tiền công thợ hồ của anh Nguyễn Túc Trưng (32 tuổi, anh trai Như). Công việc “bữa đực bữa cái” nên cuộc sống gia đình vì thế luôn bấp bênh, thiếu trước hụt sau.

Như kể lúc Như 10 tháng tuổi thì ba mất, một mình bà Liên làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi Như và anh trai đang học lớp 7 ăn học. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, anh Trưng phải rời ghế nhà trường hai năm sau đó để đi làm.

Sau khi nghỉ học, anh Trưng một mình lên TP.HCM kiếm việc làm, dành dụm gửi về phụ mẹ và để em gái không phải dang dở việc học như mình.

Thật “họa vô đơn chí”, cuối tháng 6 vừa qua, anh Trưng trong lúc chở bà Liên đi tìm phòng trọ cho Như đi thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở TP Biên Hòa không may bị tai nạn giao thông và bị thương nặng. Một mắt của anh Trưng bị giảm thị lực còn 4/10, phải điều trị gần hai tháng vẫn chưa đi làm lại được. Ngày anh Trưng tới phòng trọ đón Như về nhà chuẩn bị đi thi, nhìn thấy vết thương trên mặt anh trai, Như bật khóc như đứa trẻ...

Sẽ làm thêm kiếm tiền đi học

Suốt 12 năm học phổ thông Như đều đạt thành tích học sinh giỏi. Khi biết tin trúng tuyển vào ĐH, Như mừng đến phát khóc. Nhưng chưa kịp vui, Như lặng đi khi biết học phí hơn 15 triệu đồng/năm, chưa tính tiền ăn, tiền ở. Nhiều đêm liền sau đó Như gần như thức trắng trong nước mắt. Còn bà Liên cũng vì quá lo lắng rồi đổ bệnh phải nhập viện.

“Mấy ngày nữa con bé nhập học rồi, tiền dành dụm để lo cho con bé đã tiêu hết vào chữa bệnh cho tôi và thằng Trưng. Tôi tính qua tuần xuất viện sẽ làm hồ sơ vay tiền ngân hàng cho con đi học, nhưng không biết vay được không đây” - bà Liên quệt nước mắt nói.

Nói về bản thân, Như tự nhận mình là người “ngang ngược”, nhưng khi được hỏi sao không chọn trường có học phí thấp hơn để đỡ gánh nặng cho gia đình, Như bật khóc thay cho lời đáp. Lau giọt nước mắt lăn dài trên má, Như cho biết lúc đầu cũng tính vậy nhưng các thầy cô khuyên nên học Trường ĐH Ngoại thương cơ hội nhiều, khó khăn ban đầu rồi sẽ vượt qua. “Còn mẹ với anh hai nói gia đình không có điều kiện nên mình chọn trường nào sau này dễ xin việc mà học” - Như tâm sự.

Như cho hay đã tính lên TP.HCM sớm một tháng để tìm việc làm thêm nhưng do mẹ đổ bệnh nên chưa thể thực hiện. “Mình đã lên mạng và tìm được chỗ trọ ở ghép với hai chị cũng là sinh viên của trường. Các chị hứa sẽ để lại cho một số giáo trình cũ. Hiện mình đã nhờ bạn bè giúp tìm việc làm. Ngoài ra các thầy cô cấp III cũng đang nhờ các anh chị cựu học sinh tìm kiếm công việc giúp mình”, Như chia sẻ.

Cô Trương Thị Lệ Thanh - bí thư Đoàn Trường THPT Tân Phú - cho biết Như là một cô bé ngoan hiền, hồn nhiên, rất chịu khó học hành, luôn cầu tiến, hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, được bạn bè, thầy cô rất mực yêu quý. “Đặc biệt, trong những lần tâm sự cùng Như, em luôn quan niệm thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập để sau này không còn vất vả như quãng thời gian đã qua. Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng trong ba năm học tại trường Như luôn là một trong những học sinh có thành tích cao nhất” - cô Thanh nói.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp