Phóng to |
Phóng to |
Học sinh xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM trên phà Rạch Giồng chiều 5-9. Dù trên phà có áo phao nhưng không hành khách nào được phát - Ảnh: T.THẮNG |
Cứ 4g30, em Võ Thị Mụi (học lớp 6 Trường THCS Khánh An, huyện An Phú, An Giang - nhà ở tận Bưng Tràm, xã Pẹc Chạy) phải thức dậy để cùng chị ruột (học lớp 12 Trường THPT Quốc Thái, huyện An Phú) chèo xuồng qua cánh đồng lũ lớn và qua nhiều đoạn cua nước đổ nguy hiểm. Có hôm trời còn tối om, khi đang chèo xuồng từ đồng lũ vào đoạn kênh nước chảy xiết thì dông gió ập đến. Chiếc xuồng chao đảo và lật úp, hai chị em bị cuốn vào giàn đáy cá gần đó nhưng may có người trợ giúp nên thoát nạn.
Phải lụy đò
Mụi kể: “Chiếc xuồng cũ của người cậu bà con trị giá chỉ 100.000 đồng. Hôm nào đi học em cũng lo bị gió thổi, lo sợ sóng to từ các ghe tàu khác làm chìm xuồng”. Bạn Nguyễn Văn Giang, học cùng khối với Mụi, cho biết: “Từ ngày 15-8 (ngày bắt đầu đi học) đến nay, em và các bạn đi chung xuồng đã hai lần bị chìm xuồng chỉ vì xuồng cũ gặp mưa to. Mưa dồn dập trút nước vào xuồng, trong khi xuồng mục bị rò rỉ nước từ ngoài vào trong. Cứ như vậy khi gặp mưa to sóng lớn là tụi em bỏ xuồng, ôm bọc tập vở nhảy xuống sông và kêu cứu”.
Học sinh phải đi đò tăng Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ cho biết hiện Nghệ An có khoảng 2.000 học sinh (HS) phải thường xuyên đi đò qua sông mới đến được trường học. Riêng huyện miền núi Thanh Chương có 640 HS, huyện Đô Lương hơn 100 HS thuộc diện này. Đặc biệt, sau cơn bão số 3, hai cầu treo ở thị trấn Mường Xén và xã Chiêu Lưu thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn bị nước lũ cuốn trôi khiến số HS các cấp phải đi đò tăng đột biến. Trong khi đó, tại ba huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên nằm trong vùng lũ như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn cũng có hàng ngàn HS phải đi đò từ mờ sáng để đến trường. Đáng lo là hầu hết số HS này chưa được trang bị áo phao mỗi khi đi đò. |
Ông La Văn Bé, hiệu trưởng Trường THCS Khánh An, cho biết trường có 124 học sinh Việt kiều, hằng ngày phải đi học bằng xuồng băng qua những cánh đồng lũ ngập sâu ở nước bạn để đến được bến đò gần trụ sở xã Pẹc Chạy. Từ đây các bạn mới đi đò qua sông Hậu đến các điểm trường của huyện An Phú. Ông Huỳnh Hữu Thêm, trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Phú, cho biết thêm năm nào đến mùa tựu trường là ngành giáo dục lại lo sợ. “Có đến 900 học sinh là con em bà con Việt kiều ruột thịt sống ở vùng giáp biên có hoàn cảnh nghèo khó. Con em đi học bằng xuồng nhỏ, cũ trong lũ tháng 9 rất nguy hiểm”.
Thấp thỏm nỗi lo
Chiều 5-9, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết trong năm học này, tại Quảng Nam vẫn còn hơn 1.000 học sinh THCS và THPT phải đến trường bằng đò ngang. Trong đó riêng thôn Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) - nơi xảy ra thảm họa chìm đò trên bến Cà Tang làm 18 học sinh bị chết đuối năm 2003 - vẫn còn hơn 200 học sinh cấp THCS phải đi đò ngang qua bên thôn Trung Phước để học vì trường ở bên này sông.
Tại Cà Mau, hiện có khoảng 36.000 học sinh đến trường bằng đò, tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn và Phú Tân, trong đó có hơn 10.000 học sinh thuộc gia đình hộ nghèo. Dù địa phương đã có chủ trương vận động hỗ trợ học sinh nghèo vùng sâu vùng xa đến trường bằng đò, nhưng không phải học sinh nào cũng được đến trường bằng những chiếc đò an toàn.
Thậm chí ngay tại TP.HCM, học sinh ở ấp 3 và 4 của xã vùng xa Hiệp Phước, huyện Nhà Bè ngoài nỗi lo bài vở, quần áo, học phí cũng thấp thỏm nỗi lo về sự an toàn tính mạng khi đi trên phà Rạch Giồng. Phà Rạch Giồng đã có hàng chục năm nay, thân phà bằng gỗ đã mục. Trên phà có trang bị áo phao, nhưng số lượng không đủ cho mỗi chuyến phà giờ cao điểm và cũng hiếm khi được phát cho người đi phà.
Bạn Hoàng Dũng - học sinh lớp 10 Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè - cho biết: “Hơn 10 năm em đi lại qua đây chỉ thấy chủ phà phát áo phao khi có đoàn đi kiểm tra”. Còn anh V.T., một người dân ở đây, tỏ ra bức xúc về việc vào giờ cao điểm phà rạch Giồng chở quá tải gấp đôi, nước sóng sánh tràn lên phà. Khi hỏi người bán vé trên phà vì sao có áo phao mà không phát cho người đi phà mặc thì được lý giải là do phà chỉ chạy chưa tới năm phút từ bờ này qua bờ kia nên không phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận