12/11/2012 07:01 GMT+7

Nỗi lo đông dược

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
QUỲNH LIÊN - LAN ANH

TT - Các chuyên gia y tế đang lo ngại về việc sử dụng thuốc đông y tràn lan, gây ra nhiều nguy hại đối với sức khỏe con người.

Phố Lãn Ông (Hà Nội) có hàng chục gian hàng bán thuốc đông y. Mỗi gian như vậy có từ vài trăm đến hàng nghìn vị thuốc đông y đủ loại, từ thực vật đến động vật nhưng nhiều nhất vẫn là thuốc bắc, thuốc nam và thực phẩm chức năng.

Hầu như những vị thuốc này đều được đựng trong những túi nilông thủ công đủ kích cỡ, điểm chung ở những bịch thuốc này là không có nhãn mác, không hạn sử dụng cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó có cả những loại “hàng cao cấp” như nấm vàng, nấm linh chi, sâm Triều Tiên... được đựng trong hộp lớn hoặc trong những bao bì nhiều màu sắc, nhưng in trên bao bì hoàn toàn là tiếng nước ngoài, không có bất kỳ thông tin về chất lượng, liều dùng, hạn sử dụng... bằng tiếng Việt.

Chỉ còn là rác

Ở miền Bắc, trước khi về đến những phố thuốc đông - nam dược lớn như Lãn Ông, thậm chí là cả các kho thuốc bệnh viện, đông dược được trung chuyển qua làng thuốc Ninh Hiệp, Gia Lâm (Hà Nội). Cuộc khảo sát của Cục Quản lý dược và Sở Y tế Hà Nội gần đây nhất cho thấy mỗi ngày có khoảng 30 tấn dược liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, được chuyển về Ninh Hiệp.

Toàn xã có 300 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 18 hộ đủ điều kiện hành nghề, tức là đã qua lớp đào tạo chuyên môn năm 2006, còn lại chỉ có 50% đủ điều kiện để đào tạo (tức là có bằng tốt nghiệp THPT), việc kinh doanh dược liệu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm gia truyền. Tại cuộc khảo sát, Cục Quản lý dược đánh giá việc quản lý dược liệu ở đây còn nhiều sai phạm, như phơi dược liệu trên vỉa hè, lối đi, dược liệu để trong bao không ghi tên dược liệu, kho thuốc chưa thông thoáng...

Còn cuộc khảo sát trước đó của thanh tra Bộ Y tế cho thấy có hiện tượng tách chiết hoạt chất dược liệu quý trước khi được nhập khẩu vào VN, dược liệu thực chất chỉ còn là rác.

"Còn cuộc khảo sát của thanh tra Bộ Y tế cho thấy có hiện tượng tách chiết hoạt chất dược liệu quý trước khi được nhập khẩu vào VN, dược liệu thực chất chỉ còn là rác"

Kết quả cuộc khảo sát được công bố gần đây là rất đáng lo ngại. Có 62% trong số 400 mẫu được lấy tại các bệnh viện y học cổ truyền không đạt yêu cầu. Trong đó 12 vị thuốc có nhiều sai phạm như độ ẩm không đạt, mốc hoặc sắp mốc, hoa lẫn lá, thuốc lẫn tạp chất, bị nhầm lẫn khi dùng về công dụng và loài.

Đặc biệt có bốn loại thuốc có sai phạm nghiêm trọng: thỏ ty tử có ximăng, có khả năng được cho vào để tăng trọng lượng; hồng hoa được nhuộm màu bằng chất độc hại rhodamine B có khả năng gây ung thư; hoài sơn bị làm giả bằng củ sắn (củ mì) và bạch linh có trộn muối carbonat.

Ông Phạm Vũ Khánh, cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, cho biết hiện tượng này lặp đi lặp lại ở nhiều nơi khiến cục phải có công văn khẩn yêu cầu chỉ được dùng bốn vị thuốc này khi có phiếu kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn theo Dược điển VN.

Thuốc đông y vẫn có phản ứng phụ

ThS.BS Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai - cho biết tỉ lệ bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc do sử dụng thuốc đông y chiếm khoảng 80% số lượng bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc do sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Trường, quan niệm của nhiều người về thuốc đông y, đặc biệt là thuốc nam là lành và bổ, không có phản ứng phụ là không đúng. Không chỉ ở những vùng quê nghèo, dân trí thấp mà ngay cả ở Hà Nội nhiều người vẫn tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh của ông lang, bà lang hoạt động trái phép, không có bằng cấp, không được cấp phép chữa bệnh. Thường những thầy lang này không hiểu biết thành phần cũng như độc tính trong thuốc đông y có thể gây hại đến sức khỏe con người.

Theo bác sĩ Trường, về bản chất bất cứ một loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ và thực chất không có một loại thuốc nào an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Riêng thuốc đông y, đặc biệt là thuốc bắc có thành phần rất phức tạp. Thuốc đông y hiện nay phần lớn đều là hàng nhập lậu, chất lượng không đảm bảo vì có thể được sử dụng hóa chất trong nhiều quá trình từ nuôi, trồng đến chế biến, bảo quản... nên có rất nhiều nguy cơ gây hại lên sức khỏe người sử dụng.

Bác sĩ Trường còn cho rằng ngay cả đối với những vị thuốc được cho là lành (không sử dụng hóa chất) thì việc chế biến, sơ chế và sử dụng, kết hợp với vị nào, không thể kết hợp với vị nào... vẫn phải tuân theo một nguyên tắc nhất định mới phát huy được hiệu quả chữa bệnh của vị thuốc đó, nếu làm không đúng có thể gây ra những phản ứng có hại. Người bệnh phải rất cẩn trọng khi sử dụng thuốc đông y, nên đi khám, chữa bệnh ở những nơi được cấp phép đàng hoàng, đề phòng với tất cả cách khám chữa bệnh mơ hồ, những lời chỉ dẫn thiếu căn cứ...

Theo bác sĩ Lê Thanh Đức, khoa nội Bệnh viện K (Hà Nội), hiện tại rất nhiều bệnh nhân ung thư đến viện ở giai đoạn muộn, hoặc tế bào ung thư đã di căn do trước đó không đến viện mà chỉ điều trị ở nhà bằng thuốc nam, thuốc bắc. Bác sĩ Đức khẳng định thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh ung thư nhưng tùy từng giai đoạn mới có thể sử dụng được. Trong ung thư vú, với cùng một thang thuốc đông y có công dụng kích hoạt mạch máu nhưng sử dụng trước khi điều trị bằng hóa chất thì hoàn toàn không có hiệu quả, thậm chí làm bệnh tiến triển nhanh thêm. Bác sĩ Đức cho rằng nếu các bệnh nhân ung thư được đưa đến bệnh viện điều trị sớm, kết hợp tốt giữa điều trị đông và tây thì cơ hội sống sót rất cao, khoảng 80-90%.

Rao bán “thần dược” trị bá bệnh

ausvB3hI.jpgPhóng to
Các loại “thần dược” trị bá bệnh được rao bán tại bến xe Q.8 (TP.HCM) - Ảnh: M.MẪN

Tại bến xe miền Tây (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) thường xuyên có một nhóm tám đối tượng leo lên các xe khách về các tỉnh miền Tây rao bán loại thuốc “thần dược”cho hành khách. Loại “thần dược” này dạng vỉ gồm 10 viên có tên Piromax, được bán với giá 120.000 đồng/vỉ.

Cầm vỉ thuốc này đến các tiệm thuốc hỏi công dụng “thần dược”, chủ tiệm thuốc phì cười cho biết thuốc Piromax chỉ có công dụng điều trị các chứng đau, các bệnh viêm trong khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp... Giá thuốc rất thấp chỉ 2.100 đồng/vỉ (10 viên).

Theo tìm hiểu, hoạt động lừa bán thuốc “thần dược” của nhóm đối tượng này hoạt động rất ngang nhiên. Gặp bất kỳ xe khách nào đều nhảy lên rao bán, lừa tiền, thậm chí hăm dọa buộc khách hàng phải mua.

Tại bến xe Q.8 hằng ngày cũng có một nhóm năm người bán các loại thuốc mà họ tự quảng cáo là “thần dược” trị bá bệnh. Cứ khoảng 6g, nhóm người này lên các tuyến xe buýt hoặc đi loanh quanh các điểm xe buýt ngoài bến xe để bán thuốc.

Cầm đầu nhóm người bán “thần dược” tại đây là ông L.. Tất cả “thần dược” ông L. thường bỏ trong một túi xách đen và ngồi ở khu vực mua vé xe để quảng cáo, bán thuốc.

Trưa 11-11, tại khu vực bán vé xe khách, ông L. cầm trên tay ba gói thuốc có nhãn hình con hổ, miệng nói trôi chảy giới thiệu thành phần thuốc và công dụng: “Sâm quy cốt thống cao. Cao hổ nguyên chất kết hợp với sâm quý ngàn năm tuổi. Trị dứt bệnh xương khớp, tê liệt tay chân, yếu sinh lý nam nữ, bổ huyết thông não. Giá chỉ 30.000 đồng bà con ơi”.

Để người mua yên tâm, ông L. còn hứa hẹn sẽ hoàn tiền nếu uống hết thuốc mà không hết bệnh. Gặp chúng tôi, ông L. đưa ra một gói thuốc đựng trong một bịch nilông màu trắng, khoảng 50 viên thuốc màu đen quấn trong mẩu giấy màu đỏ. “Thuốc này trị được vô số bệnh. Uống ngày ba viên với nước nóng. Uống thuốc này phải có niềm tin sẽ khỏi bệnh nên nó mới có tên là Tâm linh dược thảo” - ông L. nói.

Một địa điểm khác rao bán “thần dược” là khu vực quanh bến xe An Sương. Nhóm người bán tại đây còn “nổ” có loại thuốc gia truyền trị được cả bệnh HIV, cắt cơn nghiện ma túy tức khắc và trị bệnh hiếm muộn.

Khi chúng tôi hỏi mua thuốc trị được bệnh HIV, người đàn ông này lấy ra một mẩu giấy có ghi số điện thoại nói: “Thuốc này quý lắm. Lương y phải bỏ ra một năm mới chế được vài viên thuốc. Sáng mai anh gọi vào số này gặp tôi rồi lấy thuốc, một liều ba viên. Mỗi viên 800.000 đồng”.

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp