Chiếc ca nô duy nhất của UBND xã đảo Thạnh An để chở cấp cứu bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN
Hơn 12h trưa, những cơn gió biển rít qua khoang ghe đang chòng chành trên sóng hướng về xã đảo Thạnh An. Trên ghe, hàng chục người già, trẻ em, phụ nữ mang thai với vẻ mặt bơ phờ sau nửa ngày qua trung tâm huyện Cần Giờ khám bệnh.
Đêm cấp cứu trên biển
20h tối một ngày giữa tháng 7, bà Đ.T.N. (61 tuổi) bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các cơn khó thở. Đêm khuya lạnh, bà được người nhà chở xe gắn máy đến Trạm y tế xã Thạnh An cấp cứu.
May mắn ở trạm còn có bác sĩ Luân Thanh Trường (56 tuổi, trưởng trạm) cùng các đồng nghiệp nhanh chóng sơ cứu. Bà cụ được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, rồi cho thở oxy và chuyển gấp lên ca nô vượt biển qua Bệnh viện huyện Cần Giờ cấp cứu. "Tới bến, tài công đã đợi sẵn, 4-5 thanh niên trên đảo tình nguyện hỗ trợ chuyển bà lên chiếc ca nô rồi nổ máy lao đi lênh đênh trên biển", bác sĩ Trường kể lại.
Bác sĩ Trường cùng lên ca nô đưa bà vượt biển. Nhưng thật không may, cơn dông bất ngờ kéo đến, sấm chớp đùng đùng kèm theo trận mưa to. Đêm tối như mực nhưng cũng vì tính mạng nguy cấp của bà cụ, mọi người trên ca nô vẫn quyết tâm vượt biển. Dông trên biển mỗi lúc mạnh hơn. Sóng đánh vào mũi ca nô, nước dội vào khoang, mưa tạt làm mọi người ướt sũng nhưng vẫn cố che để bệnh nhân không ướt.
Nguy hiểm hơn, trong cơn mưa nặng hạt, ngọn hải đăng chỉ đường trên biển đã bị phủ trắng. "Bằng sự lanh lẹ, tài công đã nhanh chóng sử dụng hải bàn lái chiếc ca nô đi đúng hướng nhất có thể. Mọi người trấn an nhau cố gắng hết sức và cuối cùng cũng đã cập bến an toàn sau khi vật lộn trên biển", bác sĩ Trường kể lại.
Đây chỉ là một trong rất nhiều chuyện khó đưa người đi cấp cứu ở xã đảo Thạnh An mà bác sĩ Trường cùng đồng nghiệp đã làm nhiều năm qua. Chỉ tay về hướng chiếc ca nô cấp cứu đang lênh đênh, ông bộc lộ nỗi lo lắng mỗi lần có ca cấp cứu.
"Trước đây để cấp cứu cho người dân xã đảo chỉ có một phương tiện duy nhất là chiếc ghe, muốn chạy qua bờ bên kia phải mất đến 45 phút. Cả ghe và ca nô nếu chạy vào ban đêm có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào như vướng lưới ngư dân, dông, bão, hư hỏng...", bác sĩ Trường nói.
Bác sĩ Luân Thanh Trường khám cho người bệnh tại nhà ở xã đảo - Ảnh: T.HIẾN
Tự chế phương tiện cấp cứu
Những ngày cuối tháng 10-2022, có dịp ra đảo chúng tôi càng thấu hiểu sự khó khăn khi có ca cấp cứu như bác sĩ Trường chia sẻ. Cả đảo chỉ có một phương tiện cấp cứu duy nhất là chiếc ca nô của UBND xã đảo Thạnh An vừa được trang bị. Có ca nô, nỗi lo lắng của y bác sĩ trên đảo lại dồn về dụng cụ cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân. Những nhân viên y tế tại đây buộc cứu bệnh nhân bằng phương pháp thô sơ nhất như hà hơi, ấn tim, ép ngực như sơ cứu cho bệnh nhân đuối nước.
Y sĩ Hồ Thị Ngọc Hân, Trạm y tế xã đảo Thạnh An, kể khoảng giữa tháng 1-2022, khi nhân viên y tế đang khám bệnh cho người dân thì bất ngờ người nhà bệnh nhân H.V.T. (64 tuổi) chở ông đến trạm trong tình trạng thở không được vì mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Xác định đây là trường hợp có thể ngưng tim ngưng thở bất cứ lúc nào, các y bác sĩ đã nhanh chóng sơ cứu rồi hợp sức đưa ông lên ca nô vượt biển cấp cứu.
"Trên ca nô không có dòng điện cho máy phun khí dung hoạt động, mọi người đã nghĩ ra cách chế lắp đầu máy phun khí dung gắn vào bình oxy, lợi dụng nút vặn bình oxy để lấy lực bơm thuốc cho bệnh nhân" - y sĩ Hân chia sẻ và nói không chỉ ông T. mà đã có rất nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch nhờ bình phun khí dung tự chế ấy.
Bỏ chạy thận vì quá xa...
Không chỉ riêng chuyện cấp cứu, người mắc bệnh mãn tính, ung thư, chạy thận... trên đảo cũng đang phải xoay xở đủ kiểu. Bác sĩ Trường cho biết xã đảo hiện có 4-5 người có chỉ định chạy thận, nhưng hiện chỉ 2 người vẫn còn bám trụ chạy thận thường xuyên. Những trường hợp còn lại vì đường xa, hoàn cảnh khó khăn đã bỏ luôn việc chạy thận, sự sống với họ như "đèn treo trước gió".
Mắc suy thận giai đoạn cuối, anh H.T.T. (34 tuổi, Thạnh An), một tuần ba buổi tranh thủ lên chuyến ghe cuối cùng vào lúc 17h chiều hôm trước, vượt biển qua trung tâm huyện Cần Giờ thuê nhà nghỉ.
Sau đó, lúc 4h sáng, anh bắt xe khách từ trung tâm huyện Cần Giờ lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) để chạy thận. Anh phải tranh thủ đi sớm để bắt kịp chuyến ghe cuối cùng về nhà vì cả trạm y tế và Bệnh viện huyện Cần Giờ không thể chạy thận được.
Nhìn góc nhà, nơi vợ mình nằm võng thiếp đi vì mệt mỏi, ông N.V.H. (64 tuổi) cho biết vợ mình mắc suy thận giai đoạn cuối có chỉ định chạy thận vài năm nay. Do gia đình khó khăn nên đã phải bỏ luôn chạy thận.
"Ở xã đảo chúng tôi khổ lắm, phải thuê nhà nghỉ cho kịp những chuyến đò vì ở đây không có máy chạy thận. Xa vậy cứ chạy miết thì chúng tôi sống sao. Nếu y tế huyện Cần Giờ có thể chạy thận được, gia đình sẽ cố gắng chắt chiu để được chạy thận", ông H. tâm sự.
Trạm y tế xã đảo Thạnh An còn rất thiếu thốn trang thiết bị - Ảnh: THU HIẾN
Sẽ đưa thêm bác sĩ, thiết bị y tế ra đảo
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhận định khó khăn của xã đảo Thạnh An chỉ có 8 nhân viên chăm sóc sức khỏe hơn 5.000 dân. Cơ sở vật chất của trạm thiếu thốn, diện tích chật hẹp, thiếu bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa phục vụ cấp cứu ngoại, sản.
Để nâng cấp trạm y tế xã đảo, trước mắt Sở Y tế đã gặp gỡ bốn bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký đợt ra quân đầu tiên chăm sóc sức khỏe người dân xã đảo. Đồng thời, máy X-quang tại giường hiện đại (thế hệ mới nhất) được tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện 95 bất thường thường gặp trên phim X-quang phổi chỉ trong vòng 10 giây cũng sẽ được đưa ra đảo phục vụ người dân.
Sở đã đề xuất UBND hỗ trợ sinh hoạt phí cho nhân viên y tế đến Cần Giờ, đầu tư xây mới Trạm y tế xã đảo Thạnh An đạt chuẩn và phù hợp điều kiện xã đảo, có các trang thiết bị cần thiết cho công tác cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu kể cả ngoại khoa. Ngành y tế cũng đang có kế hoạch phát triển trạm cấp cứu vệ tinh 115 đường thủy thuộc địa bàn huyện Cần Giờ.
Mong niềm vui nhanh đến với bà con xã đảo Thạnh An.
Sợ bệnh tật ở đảo
Chạy dọc theo các con hẻm quanh đảo, người dân ai nấy cũng đều tâm sự muốn có được trạm y tế hiện đại, khang trang vì lâu nay ai cũng sống trong thấp thỏm, lo âu khi có bệnh.
Trên chuyến ghe trở về xã đảo Thạnh An, chị T.L. (40 tuổi) nhớ lại khoảng thời gian 2-3 năm trước mình đi đẻ đã khó khăn ra sao. Bụng mang dạ chửa, chị vẫn phải vất vả tìm đường qua Cần Giờ để thuê nhà nghỉ, nhỡ chẳng may đêm hôm sinh nở bất thường thì không biết xoay xở ra sao.
"Sống tại đảo từ vài chục năm nay, tôi vẫn mong xã đảo có được một cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị như máy móc, siêu âm, xét nghiệm... để điều trị cho người dân bởi trạm y tế hiện nay chỉ có sơ cứu đơn giản, đo huyết áp, tiểu đường...", chị L. tâm sự.
Thực tế cơ sở vật chất Trạm y tế xã Thạnh An vẫn còn là nỗi lo lắng cho nhân viên y tế. Những hôm mưa to, nước trên mái nhà dột xuống làm ảnh hưởng đến việc thăm khám bệnh. Bác sĩ Trường cho biết trạm y tế cần cơ sở khang trang hơn, có thể trang bị thêm phòng mổ, trước mắt là va li cấp cứu chạy bằng pin và cấp bách nhất vẫn là trạm cấp cứu bằng đường thủy đầy đủ thiết bị.
"Thậm chí có thêm trực thăng để điều trị cho bệnh nhân với trường hợp khẩn cấp thì càng tốt, nhưng chúng tôi cũng chưa dám nghĩ tới", bác sĩ Trường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận