16/07/2019 07:12 GMT+7

Nói là làm, EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì kéo giàn khoan dầu ra biển Cyprus

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Không chỉ ngừng các cuộc đối thoại cấp cao và đình chỉ đàm phán một số hợp đồng thương mại, EU còn tính chuyện trừng phạt các cá nhân đưa giàn khoan dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng đặc quyền kinh tế Cyprus.

Nói là làm, EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì kéo giàn khoan dầu ra biển Cyprus - Ảnh 1.

Tàu khoan thăm dò YAVUZ của Thổ Nhĩ Kỳ được tàu chiến nước này hộ tống trên Địa Trung Hải - Ảnh: AFP

Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-7 đã thống nhất các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động kéo giàn khoan "trái phép" vào vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus sau nhiều lần cảnh báo.

"Bất chấp các lời kêu gọi liên tục của EU chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục các hoạt động khoan thăm dò ở phía tây đảo Síp và tiến hành một hoạt động khoan thứ hai ở phía đông đảo Cyprus trong vùng lãnh hải của Cyprus", tuyên bố của các ngoại trưởng EU khẳng định.

Hãng tin Reuters cho biết các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm ngừng các cuộc đối thoại cấp cao giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đình chỉ các cuộc đàm phán về hàng không giữa hai bên và cắt 145,8 triệu euro tiền hỗ trợ gia nhập EU cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện là một quốc gia có tiềm năng gia nhập EU nên nhận được sự hỗ trợ từ quỹ IPA của khối này.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu được yêu cầu xem xét lại các điều kiện hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ankara.

Các ngoại trưởng EU cũng nhất trí yêu cầu Ủy ban châu Âu tiếp tục làm việc, soạn thảo và tính đến việc trừng phạt các cá nhân liên quan đến việc đưa giàn khoan dầu khí vào "vùng đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Cyprus".

Hồi tháng trước, EU đã lần đầu tiên lên tiếng và cảnh báo Ankara sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu không rút giàn khoan ngoài khơi đảo Cyprus. Vùng biển này giáp với khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trên đảo Cyprus sau cuộc xâm lược năm 1974.

Nói là làm, EU trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì kéo giàn khoan dầu ra biển Cyprus - Ảnh 2.

Bản đồ thể hiện các khu vực trên đảo Cyprus. Khu vực màu vàng do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và kiểm soát từ năm 1974, màu xám là Cộng hòa Cyprus, màu đỏ là các căn cứ quân sự của Anh, đường màu xanh lá là vùng đệm do Liên Hiệp Quốc kiểm soát - Ảnh chụp màn hình

Dù quốc kỳ của Cộng hòa Cyprus, một thành viên EU, thể hiện hình ảnh một hòn đảo thống nhất, trên thực tế hòn đảo nằm phía nam Thổ Nhĩ Kỳ này bị chia cắt thành 2 phần: phía đông bắc do Ankara chiếm đóng và kiểm soát; phía tây nam của Cộng hòa Cyprus.

Việc phát hiện trữ lượng dầu khí khổng lồ phía đông Địa Trung Hải đã đẩy những căng thẳng giữa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ thành căng thẳng giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara tuyên bố chính quyền Cyprus không có quyền đơn phương khai thác số dầu khí này mà không chia cho Thổ Nhĩ Kỳ dựa theo một thỏa thuận giữa hai nước. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định họ có quyền tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí mà không cần sự cho phép của Cyprus.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp