Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội trước đó đã bác cáo buộc "không hợp tác" với trung tâm kiểm định của Bộ GD-ĐT - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ngày 2-12, đại diện Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT lên tiếng trước phản ứng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về kết luận của bộ cho rằng hai trường này không hợp tác với trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo TS Lê Mỹ Phong - Phụ trách phòng kiểm định chất lượng giáo dục - Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cả hai trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đều "không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục".
* Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này? Việc thẩm định, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng khác biệt thế nào so với công tác kiểm định chất lượng giáo dục?
- Thực hiện Quy chế tuyển sinh, tháng 3-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017.
Công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng không đồng nhất với hoạt động thanh tra giáo dục hay kiểm định chất lượng giáo dục.
Việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học nhằm "chụp ảnh", phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản hiện có của trường đại học, thể hiện trách nhiệm công khai của nhà trường theo quy định.
Việc này không có nghĩa là tất cả các trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường ĐH.
* Với phản ánh của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Thanh tra của Bộ và trung tâm kiểm định vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là "trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần", Bộ giải thích ra sao?
- Thanh tra giáo dục được tiến hành để xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng.
Còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng là những chuyên gia do trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục lựa chọn, phần lớn đến từ các trường ĐH khác đến để "chụp ảnh" lại các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản của trường để hai bên cùng xác nhận, sau đó, kết quả này sẽ cho công khai cho xã hội biết và giám sát.
* Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng việc Bộ GD-ĐT chỉ định một trung tâm kiểm định tại Đà Nẵng làm việc với trường là bất hợp lý vì trường muốn thực hiện quyền lựa chọn một đơn vị thuộc ĐHQG Hà Nội vừa uy tín, vừa gần về vị trí địa lý, thuận tiện hơn nhiều. Vậy tại sao nhất thiết bộ phải phân công một trung tâm kiểm định từ Đà Nẵng ra thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng của trường ĐH tại Hà Nội?
- Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức được Bộ GD-ĐT công nhận để kiểm định chất lượng.
Bộ GD-ĐT không chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công trung tâm này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cho 48 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Các ý kiến trao đổi, phản hồi của trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, mà không hợp tác với thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203 của Bộ GD-ĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.
* Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ? Thậm chí một cán bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng"kiểm định trong nước là chuyện tào lao", trường nào kiểm định cũng đạt, nên "trường đàng hoàng không chơi"…
- Nói "kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm", thậm chí cho rằng "kiểm định trong nước là chuyện tào lao" là những nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH nước ta trong quá trình đổi mới.
Nhận định này cũng phủ nhận nỗ lực của các trung tâm kiểm định chất lượng cũng như sự cố gắng của cả hệ thống để đưa hoạt động kiểm định chất lượng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian qua.
Nhận định này cũng thể hiện người nói chưa hiểu đầy đủ, chưa sâu về Bộ tiêu chuẩn đánh giá trường ĐH cũng như quy trình kiểm định chất lượng trường ĐH.
Trước khi tiến hành đánh giá ngoài một trường ĐH, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định về hình thức và nội dung của các Báo cáo tự đánh giá.
Trong thời gian qua, có hơn 14 trường có báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu, nên các trung tâm kiểm định sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài.
Để có được thông tin chính xác, công khai cho xã hội, việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng là một hoạt động chuyên môn cần thiết, là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ của các trường.
Hơn nữa, hoạt động này còn giúp các trường thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trước xã hội về các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận