Kết quả khảo sát 80 người về chủ đề “Khủng bố qua điện thoại” - Đồ họa: Vĩ Cường |
Trước hết, phải công nhận rằng đây là hình thức tiếp cận khách hàng nhanh nhất. Tuy nhiên, chuyện bảo mật thông tin khách hàng của các đơn vị kinh doanh như siêu thị, ngân hàng, viễn thông... có vấn đề. Trong đó, việc mua bán, trao đổi thông tin cá nhân mà không xin phép chủ sở hữu là có thật.
“Tra tấn” mọi lúc mọi nơi
Kiểm chứng điều này không khó. Cách đây hai năm, khi con gái tôi còn học THPT, tuần nào cháu cũng bị “giội bom” bởi nhiều tin nhắn, cuộc điện thoại và cả thư gửi qua đường bưu điện đều với nội dung mời cháu đăng ký luyện thi hoặc nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng tư thục. Không chỉ biết số điện thoại, địa chỉ nhà, năm sinh, họ còn biết kết quả thi đại học của con tôi.
Bằng chứng là lúc cháu đậu vào một trường đại học công lập, những màn “tiếp thị” kiểu này tự nhiên biến mất, nhưng thay vào đó là sự “khủng bố” mang tên du học tự túc, bảo hiểm nhân thọ, bán quần áo, mỹ phẩm qua điện thoại, sim điện thoại di động “giá sinh viên”...
Tôi từng hỏi tại sao người ta biết được chính xác thông tin cá nhân của con tôi thì cũng nhanh chóng tìm được “đáp án”.
Đó là cháu từng đăng ký thông tin cá nhân khi mua sim điện thoại di động, lúc học THPT thì ghi họ tên, nghề nghiệp của cha mẹ, địa chỉ nhà trong “Sổ liên lạc”... Có thể là sự “rò rỉ” thông tin bắt đầu từ đây.
Đội ngũ nhân viên tiếp thị qua điện thoại luôn biết rõ giới tính, tuổi tác, việc làm của “thân chủ”. Điều này thể hiện qua việc vợ chồng tôi luôn nhận được những tin nhắn rao bán căn hộ, giới thiệu vay tiền, làm thẻ tín dụng... Họ cũng biết bà xã tôi làm ở trường mầm non nên còn tranh thủ tiếp thị sữa và đồ chơi trẻ em.
Giờ hành chính, họ gọi vào điện thoại di động, còn những “khung” giờ khác họ gọi vào điện thoại cố định của nhà tôi. Ngoài chuyện bị làm phiền, chúng tôi cũng không yên tâm khi người khác biết rõ về mình trong khi gia đình tôi lại không biết gì về họ ngoài cái tên do họ “tự giới thiệu”.
Ngay cả khi đọc báo trên mạng bằng máy vi tính, trung bình cứ hai phút lại có những vị khách “không mời mà đến”. Đó là các hình ảnh quảng cáo nhiều dịch vụ khác nhau và có cả game mới nhất. Điều này vừa gây khó chịu lại vừa khiến tôi mất thời gian để “mời” chúng ra khỏi màn hình.
Tự bảo vệ
Từ mệt mỏi đến bực bội có lẽ là tâm lý chung của nhiều người khi liên tục bị “hành” bởi các cuộc gọi không muốn nghe. Trong lúc chờ nhà mạng và các cơ quan chức năng tìm biện pháp dọn dẹp “tin nhắn rác”, cá nhân tôi thường tự bảo vệ mình và người thân bằng một số cách làm sau:
Mỗi khi có cuộc gọi đến tiếp thị dịch vụ, nếu đang rảnh tôi vẫn nghe máy, cảm ơn và khuyên với người ở đầu dây bên kia nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Khi nào có nhu cầu sử dụng dịch vụ, tôi sẽ chủ động tìm đến.
Trước mắt, đơn vị kinh doanh hãy xóa tên và số điện thoại của tôi trong danh sách khách hàng, đồng thời thông báo cho những nhân viên khác không gọi (hay nhắn tin) đến tôi nữa. Có thể sản phẩm của quý vị rất tốt nhưng cách giới thiệu như thế này không làm cho khách hàng hài lòng, nên rất dễ bị phản tác dụng”.
Cách đây sáu tháng tôi đã làm như vậy với một công ty bảo hiểm và từ đó đến nay tôi không nhận được cuộc gọi và tin nhắn nào của họ nữa.
Đối với các tin nhắn rác, thường là họ sử dụng một sim điện thoại 11 số (sim khuyến mãi), vừa nhắn tin xong họ khóa sim ngay nên muốn liên lạc vào số này cũng không được. Thế nhưng, phần cuối trong tin nhắn luôn có ghi số điện thoại di động 10 số để ai có nhu cầu thì liên lạc. Tôi liền gửi tin nhắn với nội dung từ chối như trên và thấy rằng cũng có hiệu quả.
Điều quan trọng nữa, theo tôi, là “nói không” với các sản phẩm do nhà cung cấp tiếp thị theo kiểu “khủng bố”. Từ chối sử dụng dịch vụ của họ sẽ là một trong những phương pháp hạn chế tiến tới đẩy lùi vấn nạn “mưa quảng cáo” trên điện thoại. Các nhà kinh doanh nên cải tiến, thay đổi cách làm hiện nay để gây thiện cảm cho người tiêu dùng.
Tôi biết nhân viên tiếp thị phần lớn là sinh viên ra trường nhưng chưa xin được việc làm, phải tạm thời lấy ngắn nuôi dài và chịu áp lực từ công ty, bản thân họ cũng không hề muốn trở thành người suốt ngày “alô” làm phiền người khác - một cô gái đang ở trọ nhà tôi đã tâm sự bằng nỗi khổ tâm, áy náy của chính mình.
Đối với các nhà mạng, ngoài việc tìm giải pháp chặn tin nhắn rác cần kiên quyết ngừng cung cấp dịch vụ cho những “tác giả” sản sinh ra chúng. Đừng cho rằng người dân cần sử dụng điện thoại di động nên dù bị phiền toái vẫn phải chịu trận.
Nếu còn xem khách hàng là “thượng đế”, cần phải biết bảo vệ họ khỏi các cuộc “tấn công” của người khác, mà đơn vị viễn thông lại là cầu nối cho các cuộc “đổ bộ” này. Không nên vì lợi ích nhỏ mà làm giảm sút lòng tin của khách hàng và khiến họ tiếp tục chịu ấm ức.
* TS Lê Thẩm Dương (trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM): Cách tiếp thị... thô thiển Tôi cũng là nạn nhân của tiếp thị kiểu “khủng bố” qua điện thoại và việc này đã gây không biết bao nhiêu phiền toái cho tôi. Xét về phương diện kinh doanh, có rất nhiều kênh để tiếp thị như làm PR, khuyến mãi, hội nghị, tiếp thị online hoặc trên thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Tuy nhiên, cách mà một số doanh nghiệp làm là hoàn toàn sai vì đã giội bom tin nhắn và cuộc gọi ngay từ khi người tiêu dùng chưa có bất kỳ ấn tượng nào về sản phẩm nên không ai tin. Cá nhân tôi thấy hình thức tiếp thị này là cực kỳ thô thiển, thậm chí dã man vì tấn công ngay vào buổi trưa hoặc ban đêm và giở nhiều chiêu trò như bài báo (ngày 14-12) đã đề cập. Chưa kể, họ luôn đặt khách hàng vào tình thế bị động, không đoán trước được, buộc phải nghe máy vì sợ có công việc gấp. Theo tôi, không có lý do gì để trò này hoành hành mà cơ quan chức năng không dẹp được. Ở đây có chuyện buông lỏng quản lý hay không? Ai cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp...? Cơ quan chức năng nên xem xét vấn đề này, không thể để các doanh nghiệp muốn làm thế nào thì làm như thời gian qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận