Phóng to |
Đây là những người dân ở Bắc Trà My đang ngày đêm lo lắng bởi những trận động đất luôn xảy ra tại khu vực này - Ảnh: Đ.Nam |
Nước rò rỉ 30-75 lít/giây
Giữa tháng 3-2012, người dân vùng Trà My bất ngờ phát hiện những họng nước phun trào từ thân con đập bêtông khổng lồ của thủy điện Sông Tranh 2.
Sự kiện đập Sông Tranh 2 rò rỉ nước với hình ảnh các công nhân lấy giẻ nhét vội vàng được giới truyền thông phát đi, khiến người dân bắt đầu quan ngại. Báo chí đồng loạt vào cuộc với một mong muốn được phản ánh trung thực nhất về “sức khỏe” con đập - nơi chắn giữ 730 triệu m3 nước treo lơ lửng trên đầu hàng vạn người dân. Nhưng tất cả đều bị chủ dự án chặn lại. Hàng rào, biển báo “cấm” được chủ dự án dựng lên để ngăn không cho giới truyền thông tiếp cận với khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Trong khi đó, nước tiếp tục tràn trên, tràn dưới, có nơi nước chảy như thác. Vậy mà ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, đại diện chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - vẫn một mực cho rằng lượng nước rò rỉ qua thân đập là “nằm trong giới hạn cho phép, chỉ chừng 30 lít/giây, không đáng bao nhiêu”. Tận mắt thấy cảnh nước chảy, không chỉ người dân mà chính quyền sở tại cũng bắt đầu đặt câu hỏi. Quá nóng ruột, nhiều quan chức hàng đầu của huyện Bắc Trà My tìm cách vào bên trong thân đập để “xem chuyện gì đang xảy ra” thì gặp sự phản ứng từ phía chủ đầu tư.
Trước phản ảnh của dư luận, Hội đồng nghiệm thu nhà nước vào cuộc. Hàng loạt mũi khoan được găm sâu vào trong thân đập lấy mẫu giám định... Cuối cùng chính ông Trần Văn Hải phải thừa nhận lượng nước rò rỉ qua thân đập đo được lên đến 75 lít/giây, không phải 30 lít/giây được công bố trước đó, để khắc phục phải tốn 40 tỉ đồng. Đây chính là chuyện bất tín đầu tiên, khiến hàng loạt lời giải thích xung quanh các vụ động đất sau này trở nên vô nghĩa.
Đất rung chấn, lòng người cũng “rung chấn”
Tháng 10-2011, sau thời gian tích nước thì lòng hồ Sông Tranh 2 bắt đầu rung động bởi những trận động đất đầu tiên... Ban đầu người dân vùng Trà My cứ nghĩ đơn giản đó chỉ là tiếng nổ của bom mìn trong chiến tranh sót lại. Nhưng rồi tiếng nổ ngày một dày hơn, hết nổ ngày lại nổ giữa đêm khuya. Câu hỏi mà người dân cần được giải đáp nhất lúc bấy giờ là chuyện gì đang xảy ra? Xã cấp báo lên huyện, huyện cấp báo lên tỉnh, kết quả là các đoàn nghiên cứu của các bộ, ngành vào Bắc Trà My.
Theo ông Lê Huy Minh - phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, động đất là do kích thích bởi sự tích nước của hồ thủy điện, “động đất sẽ giảm dần... cả cường độ lẫn mức độ”. Lời tuyên bố này chưa kịp được thảo luận đúng sai thế nào thì ngày 3-9 thêm một trận động đất lên đến 4,2 độ Richter, cả một vùng hạ lưu con đập chao đảo. Chưa dừng lại ở đó, một loạt rung chấn khác tiếp tục diễn ra. “Không đêm nào ngủ tròn giấc” là một thực tế đang diễn ra ở vùng thị trấn Bắc Trà My. Tiếp đó ngày 7-9, 10-9 rồi 23-9... liên tục, liên tục rung chấn với những thông tin về cường độ khi thế này lúc thế khác, dồn người dân Bắc Trà My vào thế “không còn tin được nữa”.
Chính nguyên bí thư Huyện ủy Bắc Trà My Huỳnh Tấn Sâm phải thốt lên khi bắt tay chào Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 30-9: “Họ (các nhà khoa học) toàn là hàm giáo sư, tiến sĩ cả, khi nói về động đất thì khác nhau quá. Bây giờ dân tin vào ai đây”.
Chính ông Lê Trí Tập (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cũng thừa nhận: ông phân vân không biết có nên tin vào các nhà khoa học nữa hay không. Một người từng làm cán bộ quản lý như ông Tập mà còn vậy huống gì là dân Bắc Trà My.
Trong lúc sự hoài nghi vẫn còn lảng vảng với câu hỏi: “Động đất là do kích thích hay kiến tạo?”, đùng một cái báo chí khui ra vụ “cắt dán” báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2, mà “cha đẻ” chính là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1. Báo cáo này đã kết luận: “không xảy ra động đất kích thích” khi Sông Tranh 2 tích nước. Ngay sau khi đọc được những thông tin này, nhiều người dân vùng động đất đã tự hỏi: “Cuối cùng chuyện này là sao? Tin ai bây giờ đây?”. Ngày 28-9 tại cuộc họp báo, chính ông Nguyễn Tài Sơn - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, phải thừa nhận do trình độ khi ấy còn kém nên phải sao chép của người khác để về tư vấn cho Sông Tranh 2.
Hôm qua, trả lời báo chí, ông Cao Anh Dũng - cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương - khẳng định báo cáo đánh giá tác động môi trường là do Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định, có vấn đề gì thì bộ này phải chịu trách nhiệm. Ông Dũng nói: - Nếu xét trách nhiệm thì bước đầu tiên là cơ quan lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tiếp theo là cơ quan thẩm định. Tất nhiên Bộ Công thương có một phần trách nhiệm, bởi trong hội đồng thẩm định cũng có thành viên của Bộ Công thương. * Bộ Công thương vẫn chưa đặt vấn đề trách nhiệm của cán bộ tham gia đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2? - Chịu trách nhiệm là vấn đề nguyên tắc. Về cụ thể, việc đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2 được thực hiện từ năm 2005, nên đến nay hỏi ai là người tham gia tôi cũng không nhớ. * Nhiều người luyến tiếc thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. Nếu có thì thủy điện sẽ an toàn hơn? - Tôi cho rằng không có cửa xả đáy, đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ an toàn hơn. Bởi vì có cửa xả, nghĩa là có thêm thiết bị trong thân đập, xác suất có khả năng bị sự cố sẽ lớn hơn là không có thiết bị trong thân đập. Tức càng nhiều thiết bị thì xác suất xảy ra sự cố sẽ lớn hơn. * Có phải làm cửa xả đáy sẽ tăng thêm chi phí? - Có cửa xả đáy tất cả việc đều khó khăn hơn. Tôi ví dụ nếu như có cửa xả đáy, vận hành khó vì áp lực rất lớn. Khi tiến hành xả nước, liệu mở lên mà không đóng được sẽ như thế nào? Muốn có cửa xả đáy hay không phải xem mục tiêu của công trình như thế nào. * Nếu có cửa xả đáy, trong tình huống xấu nhất có thể giảm thêm hàng trăm triệu mét khối nước, giảm khả năng động đất kích thích... - Chúng ta phải làm rõ tình huống xấu nhất là tình huống nào. Đã làm thì đừng nghĩ đến chuyện phá đập. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận