Phương Mai (bìa phải) nhận HCĐ ở nội dung đơn nữ cầu mềm 1m
Nhảy cầu là môn thể thao có nội dung trao huy chương đầu tiên ở SEA Games 31. Vì vậy, các VĐV nhảy cầu nhận được kỳ vọng rất lớn về việc sẽ "mở hàng" huy chương, thậm chí là HCV, cho đoàn thể thao VN.
Kỳ vọng vàng bị... việt vị
Kết quả, Ngô Phương Mai giành HCĐ với điểm số thua khá xa 2 VĐV Malaysia ở nội dung đơn nữ cầu mềm 1m. Trong khi đó, đôi Tùng Dương - Thế Anh đoạt HCB sau khi thua đôi VĐV Malaysia ở nội dung đôi nam cầu mềm 3m với chỉ... vỏn vẹn 2 nước dự thi. Kỳ vọng vàng trong ngày thi đấu đầu tiên xem như đã... việt vị.
Đây là chuyện khá phổ biến ở các kỳ SEA Games lẫn Asiad, khi giới truyền thông và cả đoàn thể thao VN dự đoán sai cái tên sẽ giành HCV đầu tiên. Điển hình như hồi SEA Games 2019, đông đảo phóng viên đã quy tụ về nhà thi đấu môn wushu nhưng rồi bị "hố" khi Đinh Thị Như Quỳnh ở môn xe đạp mới là người giành HCV đầu tiên.
Với riêng môn nhảy cầu - một môn thể thao nhạy cảm vì tính điểm và lại không mấy phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, câu chuyện thiên vị chủ nhà thường được nhắc đến (tương tự là các nội dung biểu diễn quyền ở các môn võ).
Nhưng chứng kiến màn trình diễn của các VĐV Malaysia mới thấy rõ yếu tố "đẹp - xấu" ở môn thể thao này rõ ràng đến như thế nào. Và đó là một quá trình dài. Tại các kỳ Asiad, thành tích của đội nhảy cầu Malaysia chỉ thua mỗi Trung Quốc - quốc gia mạnh nhất thế giới về môn này.
Tùng Dương - Thế Anh thi đấu nội dung đôi nam cầu mềm 3m - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Giành HCĐ đã là quý
Trái lại, đội tuyển nhảy cầu VN hầu như chẳng được đầu tư mấy. Suốt một năm qua, các VĐV nhảy cầu phải tập luyện với... trí tưởng tượng vì nhà thi đấu Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình sửa chữa.
"Khoảng một tháng gần đây, chúng tôi mới tập trong điều kiện có nước, còn trước đó hầu như chỉ tập bật nhảy với ván. Các động tác kỹ thuật cũng dùng những bài tập mô phỏng thôi, và thực tế khác rất xa so với nhảy cầu xuống mặt nước thật sự", Tùng Dương kể.
Nhìn từ góc độ đó, việc Phương Mai có thể vượt mặt VĐV đến từ Singapore, Thái Lan, Phillippines để giành được HCĐ là đáng quý. Ở 3 kỳ SEA Games trước, lần nào Phương Mai cũng giành HCĐ. Đến SEA Games này, nhờ được thi đấu đầu tiên mà cô và các đồng đội được đông đảo cánh truyền thông chú ý. Không có gì lạ khi cô VĐV 24 tuổi rụt rè trước hàng loạt ống kính máy quay chĩa vào mình.
Trái lại, Tùng Dương khá vui vẻ và tự tin. Cả đại gia đình của Tùng Dương từ Hải Phòng đến cổ vũ cho anh.
Bà nội của Tùng Dương kể: "Cháu tôi tập môn này mười mấy năm rồi. Hồi nhỏ Dương tập thể dục dụng cụ, rồi sau đó được chuyển sang đội nhảy cầu. Dần dà chúng tôi cũng biết đây là một môn thể thao ít nhận được sự quan tâm. Nhưng thấy Dương yêu thích thì cả nhà đều ủng hộ thôi. Cháu nó không vì vậy mà buồn đâu. Dương hiện đang học Trường đại học Thể dục thể thao, có kế hoạch rõ ràng về tương lai sau này nên chúng tôi rất yên tâm".
Dù chưa đạt được kỳ vọng vàng trong ngày thi đấu trao huy chương đầu tiên của SEA Games, nhưng không phải vì vậy mà đội tuyển nhảy cầu đã trải qua một ngày thi đấu kém vui. Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời Phương Mai, Tùng Dương và Thế Anh được thi đấu dưới sự quan tâm và cổ vũ mạnh mẽ đến vậy.
Chỉ mong sức ép thành tích và kỳ vọng được đặt ra một cách phù hợp hơn, để các VĐV mang trọng trách "mở hàng" ở các kỳ đại hội có thể tận hưởng cuộc đấu đúng với sự chuẩn bị mà ngành thể thao dành cho họ.
Tiếp tục kỳ vọng nhảy cầu
Hôm nay (9-5), nhảy cầu vẫn là môn duy nhất có nội dung trao huy chương. Hai nội dung diễn ra trong hôm nay là đơn nam cầu mềm 1m (Tùng Dương, Thế Anh) và đôi nữ cầu mềm (Phương Mai - Hồng Hạnh). Đây đều là những nội dung mà Malaysia rất mạnh.
Ngoài ra, kickboxing, bóng ném bãi biển và đua thuyền cũng có nội dung thi đấu vòng loại trong ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận