15/09/2009 10:42 GMT+7

Nỗi khổ mua nhà đấu giá

CHI MAI
CHI MAI

TT - Làm đúng pháp luật nhưng gặp đủ kiểu bất trắc, đó là tình trạng của những người mua nhà đấu giá từ cơ quan thi hành án.

5aLJVcJ0.jpgPhóng to
Căn nhà 89B Cách Mạng Tháng Tám do ông Lâm Quý Trọng là chủ sở hữu nhưng người chủ cũ vẫn sử dụng nhà - Ảnh: Chí Quốc

Bất trắc đầu tiên là chậm được giao nhà, thời gian chờ đợi vài năm là chuyện thường! Ông Lâm Quý Trọng (ngụ P.18, Q.4, TP.HCM) nói đã gửi không biết bao nhiêu thư khiếu nại tới các cơ quan chức năng vì việc mua trúng đấu giá căn nhà 89B Cách Mạng Tháng Tám, Q.1 nhưng chưa được nhận nhà.

Hai tháng thành hai năm

Theo hồ sơ của cơ quan thi hành án, căn nhà 89B Cách Mạng Tháng Tám thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Phạm Thị Xi, được thế chấp ngân hàng để vay 1,5 tỉ đồng. Quá hạn trả nợ, phía ngân hàng đã khởi kiện và hai bên thống nhất “chốt” khoản nợ (cả gốc và lãi vay) hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thi hành án liên tục bị phía đương sự khiếu nại nên kéo dài hơn 10 năm. Tháng 10-2007, Thi hành án TP.HCM ký ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để bán nhà và ông Trọng đã trúng đấu giá căn nhà trên.

Ông Trọng bức xúc: “Trong hợp đồng, trung tâm đấu giá và cơ quan thi hành án cam kết sẽ giao nhà cho tôi trong vòng 30 ngày, nếu có phải tổ chức cưỡng chế nhà thì cũng không quá 60 ngày. Thế mà suốt từ đó đến nay đã hai năm, tôi vất vả lên xuống không biết bao nhiêu lần mà cũng chỉ nhận được lời hẹn của thi hành án, không biết đến ngày nào mới nhận được nhà”. Để có đủ tiền hơn 7 tỉ đồng mua căn nhà này, ông Trọng cho biết đã phải vay nóng một khoản tiền lớn với lãi suất cao: “Mỗi tháng tôi tốn hàng chục triệu đồng cho khoản vay nóng này. Hiện nay gia đình tôi đã lâm vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất rất căng thẳng”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết đang chuẩn bị lên kế hoạch cưỡng chế giao nhà. Được biết, cuối năm 2008 thi hành án từng lên kế hoạch cưỡng chế một lần nhưng lại không thực hiện.

Sở hữu nhà... trên giấy

Ông Lý Thế Vinh (ngụ quận 5, TP.HCM) cho biết: vào năm 2001, em gái ông là bà C.T. trúng đấu giá căn nhà 508 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 với giá 378 lượng vàng, đã trả hết tiền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Đến năm 2003, bà T. không may gặp tai nạn qua đời khi vẫn chưa được vào ở căn nhà đã mua.

Theo cơ quan Thi hành án quận 10, căn nhà nói trên là tài sản kê biên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hơn 638 triệu đồng của ông Nguyễn Hữu Trí và bà Đặng Kim Cúc đối với Ngân hàng TMCP Nam Á theo bản án phúc thẩm ngày 11-1-1999 của TAND TP.HCM. Do ông Trí, bà Cúc không có khả năng thi hành án nên Thi hành án quận 10 đã ra quyết định phát mãi, bán đấu giá căn nhà.

Sau khi bà T. hoàn tất thủ tục mua nhà, bản án trên lại bị kháng nghị và xét xử theo trình tự giám đốc thẩm. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên hủy bản án - đã thi hành - để xử phúc thẩm lại. Tháng 8-2004, TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do: Ngân hàng TMCP Nam Á rút đơn kiện vì bên bà Cúc, ông Trí đã trả nợ xong.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Hòa - trưởng cơ quan Thi hành án dân sự quận 10: thật ra số tiền mà ngân hàng nhận được chính là do cơ quan thi hành án thi hành, lấy từ khoản tiền bán đấu giá nhà cho bà T. để trả. Việc TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ vụ kiện mà không xem xét đến quyền lợi của bà T. là không đúng.

Ông Hòa cho biết Thi hành án quận 10 không thể cưỡng chế giao nhà cho gia đình bà T. vì bản án đã bị hủy, vụ án cũng bị đình chỉ. Thi hành án quận 10 đã có văn bản gửi TAND tối cao kiến nghị xem xét lại vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Căn nhà hiện vẫn do gia đình ông Trí, bà Cúc sử dụng.

Theo ông Lý Thế Vinh, gia đình ông đã chuẩn bị kiện đòi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải giao căn nhà này.

Trở thành đương sự bất đắc dĩ

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, căn nhà M6 cư xá Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) là tài sản chung của vợ chồng bà, nhưng do chồng bà - ông Neil Allan Matthews - là người nước ngoài nên chỉ mình bà đứng tên. Bà Mỹ vay của bà Lê Ngọc Bích 265 triệu đồng, do không có tiền trả nên bà Mỹ viết giấy tay bán nhà cho bà Bích giá 500 triệu đồng, đồng thời làm một văn bản ủy quyền (có công chứng) cho bà Bích thay mặt mình quản lý, sử dụng, mua bán căn nhà trên. Dựa vào sự ủy quyền này, bà Bích đã làm thủ tục công chứng bán nhà, sang tên cho cha mẹ của mình.

Bà Mỹ khởi kiện vụ án ra tòa vì theo bà, giấy tay mua bán nhà và giấy ủy quyền chỉ là các văn bản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ chứ thực tế không phải bà bán nhà cho bà Bích. Bản án của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM năm 2002 đã xử hủy các hợp đồng ủy quyền, mua bán nhà trên, cho phát mãi căn nhà M6.

Thi hành án dân sự TP.HCM đã cho thi hành bản án trên, ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản bán nhà M6 và ông Phạm Hữu Chính đã mua trúng đấu giá với giá 202 lượng vàng SJC vào tháng 5-2003. Tuy nhiên đến tháng 2-2004, vụ án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, bị hội đồng thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy án.

Chờ hơn hai năm vẫn không được nhận nhà, ông Phạm Hữu Chính đã bức xúc đòi lại 202 lượng vàng. Lúc này, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản mới trả lời: không có vàng để trả lại cho ông Chính vì sau khi nhận 202 lượng vàng, trung tâm đã chuyển 140 lượng cho cơ quan thi hành án, chỉ con giữ lại 62 lượng.

Ông Chính lại đến Thi hành án dân sự để đòi cũng chỉ nhận được câu trả lời hết sức vô tư: không có vàng để trả lại cho ông do đã được đem bán lấy tiền thi hành án một phần. Quá bức xúc, ông Chính đã khiếu nại nhiều nơi nhưng vẫn không được nên năm 2005 ông làm đơn khởi kiện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Thi hành án dân sự TP.HCM.

Trầy trật mãi mới được thụ lý vụ kiện nhưng không thấy phiên tòa nào được mở, đến tháng 12-2007 ông lại nhận được quyết định nhập vụ kiện của ông vào vụ tranh chấp căn nhà M6 với bà Mỹ, bà Bích. Thế là, từ chỗ là khách hàng mua nhà đấu giá, ông Chính lại vướng vào vụ tranh chấp căn nhà với tư cách được xác định là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Hơn sáu năm qua, tháng 9 năm ngoái TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm lần hai, buộc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và cơ quan Thi hành án dân sự TP có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Chính 202 lượng vàng. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng ở đó vì bản án lại bị kháng cáo. Mới đây, ngày 29-7-2009, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại tuyên hủy bản án trên vì có thiếu sót! Vụ kiện lại quay lại từ giai đoạn sơ thẩm.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp