Phóng to |
Một đoàn xe nối đuôi nhau chạy như rùa bò.. khi bắt đầu bước vào địa phận tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Phương Nguyên |
Bác tài cũng... khóc!
Đa phần tài xế xe khách là lái thuê kiếm sống, mỗi lần bị phạt, bấm lỗ, thu giữ bằng lái 1-3 tháng là khoảng thời gian mà gia đình họ phải sống vất vả, gieo neo. Vừa rồi, một tài xế của Công ty xe khách SG buồn đến cùng cực sau khi bị bấm ba lỗ và thu hồi giấy phép lái xe, đã mời bạn bè đến chia tay nhưng không ngờ đó lại là buổi... chia tay vĩnh viễn.
Anh Phan Văn Tài, tài xế của Công ty vận tải hành khách P, vừa bị bấm lỗ trên tuyến đường Cần Thơ - TP.HCM, đã nghẹn lời: “Tôi là lao động chính trong gia đình, lâu nay vợ và đứa con nhỏ phải sống lây lất vì bằng lái đã bị tạm giữ cách đây hai tháng rồi. Bây giờ tôi phải chạy vạy từng bữa cơm để chờ tới ngày nhận lại bằng lái”. Anh Tài nói không thể nào hiểu nổi một chiếc xe hơi đời mới lại có thể chạy suốt 170km mà chỉ chạy bằng số 3, số 4, vì chỉ có hai số này mới phù hợp nhất với tốc độ 30-50km/g.
Uất ức nhất có lẽ là trường hợp của tài xế T.V.L., bị bắn vượt tốc độ qui định trong khi đồng hồ trên xe “đứng kim” ở số 40km/g. Anh kể: “Đang chạy thì có hai cảnh sát giao thông (CSGT) chạy môtô kè theo, ra hiệu tấp vào lề và chìa ra “cây súng” với số báo gần 60km/g. Tôi nói không chạy vượt tốc độ thì một anh cảnh sát liền nạt: “Đồng hồ của anh không được kiểm tra nhưng súng của chúng tôi đã được kiểm tra”.
Thế là vì cuộc sống kiếm cơm nên tôi đành phải chấp nhận ký vào biên bản vì lỗi chạy vượt tốc độ đến 20%, chịu phạt 750.000 đồng nếu không muốn bị tạm giữ giấy tờ chờ giải quyết”.
Phóng to |
CSGT đang làm nhiệm vụ ở một khúc cua, đậu xe ngay dưới tán cây mà theo giới tài xế đó là "núp lùm". Ảnh L.A.Đ |
“Săn”... tài xế
Từ khi nghị định 15 ra đời thì hiện tượng chặn, bắn tốc độ xe bắt đầu có dấu hiệu thường xuyên hơn. Để đối phó việc này, giới tài xế cũng có những cách thông báo cho nhau biết lúc nào có công an, xuất hiện ở chỗ nào. “Nhưng tụi tôi nghĩ ra một cách đối phó thì CSGT nghĩ ra tới hai cách chặn bắt. Để bắn tốc độ và phạt các tài xế, CSGT không đứng đàng hoàng ngoài đường nữa mà núp khuất trong bụi cây, đám cỏ, trong quán cà phê và thậm chí họ còn leo lên cây trứng cá để rình bắn tốc độ tụi tôi. Còn ở An Giang, họ leo cả lên trên lầu, mui xe tải mà bắn xuống” - tài xế Nguyễn Thanh N. đầy bức xúc.
Không chỉ có bấy nhiêu “chiêu”, CSGT còn tăng cường làm việc thâu đêm suốt sáng, vừa di chuyển trên xe vừa bắn tốc độ, nhất là tuyến đường Cần Thơ - Vĩnh Long. Một lần chúng tôi đi xe khách “chất lượng cao” về TP.HCM lúc 2g sáng, xe đang chạy bon bon, bất ngờ trong bụi cây ven đường có bóng một CSGT nhảy vụt ra. Anh tài xế chỉ còn biết đạp thắng và buông một câu than trời: “Chết em rồi”. Như một phản xạ, anh móc túi đếm ngay 750.000 đồng và nhảy xuống xe.
“Chuyện chấp hành luật giao thông thì tài xế nào cũng hiểu, nhưng nhiều tuyến đường qui định tốc độ không hợp lý. Như tuyến Cần Thơ - Vĩnh Long đường rộng thênh thang, nhưng giới hạn tốc độ tối đa chỉ có 50km/g đối với xe khách 15 chỗ và 40km/g đối với xe tải, xe khách lớn thì không ổn. Làm sai thì chúng tôi chịu phạt, nhưng chạy chưa tới tốc độ qui định cũng vẫn bị phạt thì quả là một điều vô lý. Anh em tài xế chúng tôi bị phạt kiểu này quá nhiều rồi” - tài xế Nguyễn Thanh Bình bức xúc nói vậy.
Khổ vì... biển báo hạn chế tốc độ
Phóng to |
Biển báo hạn chế tốc độ |
Bị phạt nhưng cả “tâm” lẫn “khẩu” đều không phục. Anh Hoàng nói: “Tức mà không nói được gì, vì có biển báo, nhưng ai đời giữa xa lộ cao tốc mà lại gắn biển báo tốc độ 10km/g bao giờ. Biển báo qui định như thế này chẳng khác nào cái bẫy... Ai theo cho nổi”. Chẳng phải riêng anh Hoàng, nhiều tài xế kêu oan vì những biển báo kiểu “gài” để bắt bí.
Cũng theo ghi nhận của các bác tài, trên quốc lộ 51 (từ Biên Hòa đến ranh Đồng Nai, dài 120km) được ngành giao thông đặt 14 biển báo qui định tốc độ tối đa từ 15-20km/g, với những bác tài thì tốc độ cho phép kiểu “đi bộ” như vậy là quá thấp, điều khiển xe rất khó. Và mỗi lần qua đây, tài xế nào sơ suất không căng mắt quan sát biển báo là cầm chắc bị “phạt tiền, bấm lỗ, giam xe”...
Chiều 12-10, chiếc xe khách 15 chỗ từ TP.HCM ra miền Trung đang chạy với vận tốc 70-80km/g (vận tốc cho phép 50km/g) bỗng xuống ga, đạp thắng cho xe chạy thật chậm khi chuẩn bị vào địa bàn tỉnh Bình Thuận. 7-8 chiếc xe các loại đang chạy phía sau cũng theo đó nối đuôi nhau tạo thành một đoàn xe thư thả trên đường.
Tài xế giải thích rằng xe đang qua trạm CSGT (đóng gần trại cải tạo Z30D của Bộ Công an), nếu rướn ga chút xíu là “ăn đạn”. Anh tài xế này nói thêm: “Tôi không hiểu nổi. Trước đây chạy từ Đà Nẵng vào TP.HCM hơn 1.000km với xe cũ, đường hư, phải qua đèo qua dốc mất gần 20 giờ.
Những tưởng khi mở đường, tránh đèo, mua xe mới thì thời gian di chuyển sẽ giảm còn 15-16 giờ. Ai ngờ Nhà nước chỉ cho chạy tối đa 50km/g thì thời gian sẽ là... ba ngày”. Anh còn phân tích rằng xe của anh (Mercedes) được thiết kế với vận tốc 160km/g thì ít ra cũng được chạy phân nửa vận tốc đó; chạy chậm thì xe gầm máy, hao xăng và xe dễ hư, không có gì là lợi cả.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận