14/06/2020 05:57 GMT+7

Nỗi khổ cú đêm khi phải vật lộn theo lịch của... họa mi

Rachel Hall (The Guardian) - T.L. dịch
Rachel Hall (The Guardian) - T.L. dịch

TTO - Đám họa mi sáng tuy đi sớm đấy nhưng cũng về sớm mà vẫn được khen, đám cú đêm lại hay bị quở trách vì đi làm muộn, thậm chí có ở lại muộn để làm bù vẫn bị mắng.

Nỗi khổ cú đêm khi phải vật lộn theo lịch của... họa mi - Ảnh 1.

"Cú đêm" cho rằng họ làm việc hiệu quả hơn vào giờ đa số mọi người đang ngủ - Ảnh: Getty

Chân dung một cú đêm

Jenny Carter có thói quen đi ngủ muộn, và phải gần trưa hôm sau mới dậy, đôi khi đến tận đầu giờ chiều. Cô thích đêm muộn. Đó là lúc cô cảm giác mình sáng tạo nhất, tập trung nhất. Nhưng xã hội và cả công ty mướn cô lại không tin rằng vào giờ đó cô sẽ làm việc hiệu quả. 

"Với tôi, đi ngủ vào giờ "bình thường" là rất không tự nhiên. Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều sự kiện, cuộc họp và cơ hội chỉ vì chúng diễn ra vào buổi sáng là giờ tôi không dậy nổi", Jenny nói.

27 tuổi, Jenny là một "cú đêm cực đoan" trong số 8,2% dân số Anh có thiên hướng tự nhiên phải gần sáng mới thiếp ngủ. Jenny thích nhất là lên giường vào khoảng 3h sáng, và trưa hôm sau mới dậy. Cô đã phải vật lộn để tổ chức lại đời sống, "điều đình" để được làm trễ hơn một chút, tức khoảng 10h, nhưng thế là cả tuần vẫn phải bớt ngủ để cuối tuần bù lại, ngủ những giấc dài tới 15h mới dậy.

Nhưng đây không phải là chuyện bực mình nhất đối với dạng "cú đêm" như Jenny. "Tệ nhất là người ta đánh đồng bọn cú đêm và những người dậy muộn với lười nhác - cô nói - Tôi cũng làm việc hiệu quả, cũng hăng say và ngăn nắp như mọi người, có cái là khác giờ. Khó nuốt nhất chính là cái cảm giác hoàn toàn bất tương thích với phần còn lại của xã hội, như thể mình là người sai (còn xã hội thì đúng) ấy".

Trời sinh họa mi sao còn sinh cú

Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chính xã hội đã sai, chứ không phải bọn "cú đêm" như Jenny. Thời sinh học (chronobiology) là bộ môn chuyên tìm hiểu con người được đồng hồ bên trong cơ thể đưa đẩy thế nào. Bộ môn ấy nói cái đồng hồ ấy, hay "dạng thời sinh học" của mỗi người, là do gen quy định chứ không phải do ý chí.

Thuật ngữ "cú đêm" dùng để chỉ những người chuyên ngủ muộn và dậy muộn, trái ngược hoàn toàn với "họa mi buổi sáng" chuyên ngủ sớm, dậy sớm. Hầu hết mọi người rơi vào đâu đó giữa hai loại này, với chu kỳ ngủ trung bình từ 23h30 tới 7h30 hôm sau. Tuy vậy, theo từng giai đoạn sống mà người ngả theo cú hay họa mi. Khi bé ta là họa mi, đến thiếu niên thành cú và về già lại trở về làm họa mi (và họa mi hơn!).

Vậy sao lại có cú, có họa mi? Cho tới nay chưa có thuyết nào được chấp thuận hoàn toàn, nhưng các nhà sinh học theo thuyết tiến hóa cho rằng cộng đồng nào có nhiều dạng thời sinh học hơn thì dễ sống sót hơn. Nếu cả bộ lạc không nhất thiết phải ngủ vào cùng một giờ thì vài thành viên nên thức mà canh gác những người đang ngủ.

Một thuyết khác cho rằng có cú, có họa mi là do gene. Giáo sư Colin Espie của Đại học Oxford cho rằng khác biệt này cũng như khác biệt về tóc, mắt, màu da hay chiều cao. "Cũng phân bổ bình thường như bất kỳ đặc điểm sinh học nào khác, là có một thiểu số ở cả hai thái cực nhưng đa số thì lửng lơ".

Nỗi khổ cú đêm khi phải vật lộn theo lịch của... họa mi - Ảnh 2.

Uốn nắn "đám cú đêm" không hề dễ - Ảnh minh hoạ: The Roaring Times

Có chỉnh được không?

Những người thuộc nhóm "cú đêm" tự nhiên về bản chất là khác hẳn với những người mất ngủ hoặc những người bắt buộc phải thức đêm vì công việc. Là "cú đêm" chẳng sao cả; vấn đề chỉ nảy sinh khi bạn cố gắng sống theo lịch của "họa mi" - hoàn toàn không thích hợp với chu kỳ tự nhiên của bạn. 

Nhưng không phải ai cũng hiểu cho thế. "Chúng ta đã bị tẩy não để tin rằng đám họa mi dậy sớm thì hạnh phúc hơn, thành công hơn, kỷ luật hơn, có vẻ "người" hơn so với đám cú đêm" - Jessica Batchelor nói. Cô chuyên viết bài cho mảng y khoa và bản thân cũng là một "cú đêm", thấy mình làm việc hiệu quả nhất vào lúc 23h.

"Tôi phải chống chọi lại cảm giác tội lỗi và xấu hổ khi nói với mọi người giờ ngủ, giờ ăn của mình. Khung giờ mà tôi cảm thấy mình nhiều sức sống nhất thường bị coi là "thiếu trong lành" và thời khóa biểu của tôi nghe như của một ma cà rồng. Bọn cú như tôi đây "nuốt vào" thông điệp này, riết rồi chúng tôi tin rằng mình hẳn phải lười, trầm cảm và vô trách nhiệm".

Giáo sư Espie từng điều trị cho một số "cú đêm" muốn điều chỉnh mô thức ngủ (để còn đi làm). Ông đề nghị họ từ từ chuyển sang ngủ mỗi tuần sớm lên 15 - 30 phút, sáng ra thì cho tăng cường ánh sáng trắng, cốt để não không tiết thêm melatonin - một hormone thường tiết khi trời tối khiến ta buồn ngủ; ngược lại ban đêm thì buồng ngủ các cú phải tắt đèn cho đen kịt vào. "Sẽ phải mất vài tuần để chuyển đồng hồ cơ thể" - Espie nói. Và tuy là khó mà chuyển được một cú đêm thành một họa mi, nhưng ta có thể giúp họ thành con gì đó đâu đấy giữa hai con.

Suy nghĩ của Espie tương tự suy nghĩ được ba trường đại học ủng hộ. Nghiên cứu của ba trường này năm ngoái được đăng tải rầm rộ, trong đó họ bảo các cú đêm có thể "hãm" đồng hồ cơ thể mình lại bằng cách điều chỉnh lối sống, gồm có tập thể dục, ăn uống vào các giờ nhất định kết hợp với phơi mình ra ánh sáng trời.

Nhưng uốn nắn đám cú đêm không dễ vậy. Có người cho rằng giải pháp lý tưởng là tìm công việc gì đó phù hợp nhịp sống tự nhiên của đám này. Đó có thể là chuyên nhận ca đêm hoặc một công việc tự do làm tại nhà, hoặc mở doanh nghiệp riêng.

Đây là kinh nghiệm của Mary McCleod. Cô đành bỏ việc tại một công ty thời trang có giờ làm việc từ 9h đến 17h, về mở công ty riêng bán xà phòng, làm giờ "trái khoáy" từ 11h trưa tới 3h chiều và từ 8h tối tới 1h sáng hôm sau. 

"Hồi đó khi vào văn phòng lúc 9h, tôi thấy buổi sáng của mình khá là vô dụng, tôi thường ở lại trễ để hoàn tất công việc, thế là lại lỡ mất các hoạt động khác trong ngày - cô nói - Tôi thích làm việc theo một thời khóa biểu phù hợp với mình hơn".

Còn cô Hannah Edwards có tiệm làm bánh ngọt và chỉ làm việc vào giờ con cái ngủ cả rồi. Cô bảo: "Ban ngày tôi thiếu tập trung, đầu óc đâu đâu. Thức đêm để làm xong việc với tôi chẳng có gì là khó; khi mọi người đã mệt thì tôi mới bắt đầu. Hiệu suất của tôi, sức sáng tạo của tôi lại cao hơn hẳn những người khác khi ấy đã cạn kiệt".

Lãnh đạo theo nhịp sinh học

Thời khóa biểu làm việc linh động hiện vẫn chưa là thứ phổ biến, nhưng các chuyên gia về giấc ngủ tin rằng rồi nó sẽ phải thành phổ biến.

Suốt 15 năm qua, Camilla Kring vận hành B Society chuyên tư vấn cho các công ty trên thế giới cách áp dụng "chronoleadership" - phương pháp lãnh đạo theo thời sinh học, tức chỉnh các mô hình làm việc sao cho phù hợp với lịch ngủ của nhân viên, thay vì ngược lại.

Theo Camilla, trong khi đám họa mi sáng tuy đi sớm đấy nhưng cũng về sớm mà vẫn được khen, đám cú đêm lại hay bị quở trách vì đi làm muộn, thậm chí có ở lại muộn để làm bù vẫn bị mắng. Tâm lý này xuất phát từ quá khứ làm nông của con người, với công việc đồng áng bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, người nào ngủ rốn thì không nuôi nổi gia đình. 

Camilla Kring cho rằng suy nghĩ đó không còn áp dụng vào thời hiện đại được nữa: "Ta phải tạm biệt người nông dân trong ta đi thôi; ta có còn phải dậy sớm với mấy con bò nữa đâu!".

Cũng thế, Camilla coi ý tưởng rằng mọi người phải có mặt trong văn phòng vào cùng một thời gian là thứ rơi rớt lại của cách mạng công nghiệp, khi mà hầu hết công nhân làm việc trong xưởng máy. Tâm lý đốc công thời ấy là "tôi thấy anh tức là anh đang làm việc". Nhưng theo Camilla, tâm lý ấy cũng không áp dụng được với công việc thiên về đầu óc thời nay, khi mà chất lượng công việc quan trọng hơn số giờ bỏ ra cho công việc ấy.

Ngày nay, khi mọi người đều "sống về đêm" nhiều hơn, quan điểm "lãnh đạo theo thời sinh học" càng được ưa chuộng. Theo nhà sinh học Till Roenneberg, người ta ngày càng tiếp xúc với ánh sáng trời ít hơn nên đồng hồ sinh học cũng biến đổi theo. Mập mờ tới nỗi ông phải có một bộ trắc nghiệm dùng để xác định ai là cú, ai là họa mi.

"Thời chưa có đèn điện, sự phân bổ của cú và họa mi chặt chẽ hơn. Nếu tới 2h sáng mà bạn chưa ngủ và ngày nào cũng nướng tới 10h thì bạn hoặc là bị ốm, hoặc là đồ bỏ đi". Theo Roenneberg, đó là lý do người ta dùng đồng hồ báo thức. 

Ông đưa ra cụm từ "lệch giờ xã hội" để chỉ sự không ăn khớp giữa đồng hồ sinh học với cái thời gian biểu do xã hội đặt ra. Roenneberg tưởng tượng ra một xã hội lý tưởng trong tương lai, ở đó không ai phải dùng đồng hồ báo thức: "Người ta khi ấy nếu mệt thì ngủ; ngủ đủ theo nhu cầu sinh học rồi thì thức".

Vẫn chưa thoát được định kiến

Vậy còn chờ gì nữa mà không ủng hộ một thời gian biểu linh hoạt phù hợp với mô thức ngủ của từng cá nhân?

Paul Kelley, tác giả một cuốn sách về giấc ngủ, cho rằng chính là do định kiến bảo thủ của các ông chủ. Có định kiến này là do khoa học về giấc ngủ trước kia bị bỏ qua. Văn hóa vẫn gán một cách lầm lẫn việc ngủ ít và dậy sớm với đức hạnh, coi ngủ ít và dậy sớm là một thói quen của người thành công, nào là sự thán phục cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher mỗi ngày ngủ có bốn tiếng, nào là những câu chuyện về các vị CEO mới 4h sáng đã dậy đi bộ. Tuy nhiên, điều đó rành rành là bất nhất: ai cũng biết một giấc ngủ ngon khoảng tám tiếng là cần thiết cho sức khỏe.

Nhưng giáo sư Espie cho rằng gió đã đảo chiều. Hồi ông tốt nghiệp y khoa cách nay 40 năm, chẳng mấy ai trong ngành quan tâm đến thể dục và chế độ ăn. Suốt bao nhiêu năm có cổ xúy cho giấc ngủ thì cũng chỉ như hét vào tai điếc. Nhưng ngày nay truyền thông viết rất nhiều về việc ngủ đủ, quần chúng cũng ý thức hơn và đó là điều cực kỳ quan trọng.

Nhưng khi việc ngủ được quan tâm thì đám cú đêm cũng bị lôi vào. Có người còn đưa ra giải pháp đơn giản cho nhóm người này là bớt uống cà phê, sống ngăn nắp hơn, thậm chí cần thiền định. Nhưng "cú đêm" Jenny Carter ở đầu bài nói sự thiếu hiểu biết này đang làm cản trở cô được sống cho ra sống. 

"Mô thức ngủ của tôi chẳng có vấn đề gì. Tôi chẳng hề khó ngủ một khi đã buồn ngủ, chẳng hề vật vã thức chong chong; tôi chỉ có mỗi tội là ngủ muộn hơn và thức dậy muộn hơn. Rắc rối là ngủ như thế không hài hòa với phần còn lại của thế giới mà thôi".

Quay lại với một thời khóa biểu cho cả cú lẫn họa mi, tác giả sách Paul Kelley nói: "Cứ để nhân viên lựa chọn đi và sẽ thấy ngay mà. Chẳng mất xu nào mà còn cải thiện lề lối làm việc của xã hội. Thời gian tốt nhất để tất cả cùng tề tựu chính là đầu giờ chiều".

Cứ thức khuya, dậy trễ là người thông minh? Cứ thức khuya, dậy trễ là người thông minh?

TTO - Một số thống kê, nghiên cứu chỉ ra ai có thói quen thức khuya, dậy trễ là người thông minh, có thu nhập cao. Chưa biết điều này có đúng với tất cả mọi người hay không, chỉ chắc chắn rằng thức khuya hại sức khỏe.

Rachel Hall (The Guardian) - T.L. dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp