02/08/2015 09:18 GMT+7

Nói in ít thôi, để tiết kiệm !

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Đã gần một tuần trôi qua, nhưng trận giao hữu bóng đá giữa tuyển Việt Nam với Manchester City (M.C) vẫn còn bị báo chí Anh “chì chiết”, đó là việc tờ The Mirror đưa trận đấu này vào danh sách 10 trận giao hữu kỳ cục nhất thế giới!

Tuy nhiên, sự “kỳ cục” của 9 trận đấu kia rất bình thường, thì trận của M.C lại tỏ ra ê chề cho chủ nhà. 

Ví dụ, CLB AFC Bournemouth sau khi lên hạng nhất đã thử gửi thư mời CLB Real Madrid đá giao hữu. Dù gửi thư cầu âu và ai cũng xác định là đội bóng siêu sao sẽ không nhận lời, vậy nhưng cuối cùng Real đã đến và thắng 6-0 (tháng 7-2013)!

Hay trận giao hữu kỷ niệm 100 năm ngày diễn ra trận đấu bóng đá quốc tế đầu tiên ở Brazil, Liên đoàn Bóng đá nước này đã tổ chức lại trận đấu của hai đội bóng năm xưa, và kết quả đại diện nước Anh Exeter City đã giành chiến thắng 2-0 đúng với kết quả trong quá khứ (tháng 7-2014)...

Còn trận tuyển Việt Nam - M.C, theo The Mirror, sự “kỳ cục” thể hiện ở chỗ “thủ tục trước trận rườm rà, khiến các cầu thủ nhấp nhổm chờ đợi, quay sang nói chuyện với nhau để giết thời gian”!

Khi mời một đội bóng, hay một ngôi sao thể thao nào đấy đến Việt Nam, chúng ta thường nói đến cái được lớn nhất là thế giới biết đến một Việt Nam an toàn, hiếu khách.

Ví dụ, năm 2003, báo chí thế giới rầm rộ đưa tin bài, hình ảnh về chuyện Beckham đến Việt Nam.

Rồi năm 2012, tay vợt nữ xinh đẹp xếp vị trí số 1 thế giới là Azarenka đến Việt Nam cũng là một sự kiện được quảng bá rất tốt.

Tương tự, Olympic Brazil, CLB Arsenal lần lượt đến vào năm 2008 và 2013 đã giới thiệu được một Việt Nam thật tuyệt với thế giới.

Vậy mà, thật tiếc cho sự kiện M.C, chỉ vì một sự thiếu kiềm chế trong hai bài phát biểu lê thê của đại diện nhà tài trợ và VFF đã khiến cho trận đấu ngốn mất hàng triệu USD trở thành công cốc.

Rõ ràng, cái bệnh phát biểu lê thê tuy khá phổ biến ở Việt Nam nhưng không phải lúc nào nó cũng xuất hiện, và có thể ngăn chặn được một cách hữu hiệu nếu công tác tổ chức được chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Nhân câu chuyện này, chợt nhớ trong chuyến đi Mỹ cùng với đại diện của nhiều tờ báo khác ở Việt Nam, theo chủ đề “báo chí Mỹ thời suy thoái”, chúng tôi đã được tham gia một buổi nói chuyện của trợ lý kinh tế Tổng thống Obama tại Washington.

Trong khán phòng hôm ấy, ngay đối diện với bục phát biểu, người ta có treo một chiếc đồng hồ đếm ngược. Nhân vật chính hôm ấy là trợ lý kinh tế của Tổng thống Obama chỉ được dành cho 15 phút. Hết 15 phút, cho dù nói chưa xong cũng phải chấm dứt để chuyển sang phần báo chí chất vấn.

Như vậy, tật nói dai, nói nhiều không phải là đặc sản riêng của một nước nào, và không phải “nan y”, nên vấn đề là phải rèn luyện và có biện pháp ngăn chặn, cụ thể là siết chặt ở khâu tổ chức, phải chi li từng giây, từng phút.

Sự thiệt hại của bệnh nói dai, nói nhiều không chỉ đơn thuần là tạo nên một hình ảnh không đẹp về mặt văn hóa. Tôi thử làm một bài tính về kinh tế, mới thấy thiệt hại không nhỏ chút nào trong trận cầu giao hữu với M.C.

Này nhé, nếu hôm ấy phần phát biểu chỉ gói gọn trong 5 phút thì chúng ta sẽ giảm được 10 phút cho hơn 30.000 khán giả có mặt trên sân, cho hàng triệu khán giả xem qua truyền hình và cho cả 10 phút chiếm sóng truyền hình vốn rất đắt đỏ khi sử dụng đến cả vệ tinh! Tổng thời gian lãng phí ấy nếu quy thành tiền, ắt là một con số không hề nhỏ.

Vì vậy, làm ơn nói in ít thôi, để tiết kiệm!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp