Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 19-3 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn.
Cấp phép cho lao động nước ngoài: thoáng hơn
* Ông Gabor Fluit, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (đại diện cho 1.300 doanh nghiệp châu Âu tại VN), kiến nghị:
- VN cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động nước ngoài để thu hút và giữ chân người tài. Và sẽ không hợp lý khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại VN trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục.
* Ông Hong Sun, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN:
- Thường phải mất 2 - 3 tháng mới được cấp giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung. Do đó, đề nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp.
* Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chính phủ đang giao bộ hoàn thiện, bổ sung, sửa nghị định 152 trong quý 3-2023 theo hướng cởi mở hơn, hồ sơ đơn giản hơn, nhanh nhất có thể và đẩy mạnh việc phân cấp trong hoạt động cấp phép lao động nước ngoài. Nhưng trong 3 đối tượng, chuyên gia, nhà quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu khi cấp giấy phép lao động.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính:
- Chính phủ đang chủ trương áp dụng chế độ visa với người nước ngoài thông thoáng hơn. Sẽ sửa quy định để tạo thuận lợi nhất cho người lao động nước ngoài, không vì một vài trường hợp vi phạm mà không xây dựng chính sách cởi mở.
Hỗ trợ doanh nghiệp khi áp thuế tối thiểu toàn cầu
* Ông Hong Sun: nếu Chính phủ, các bộ, ngành chủ trương thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (một loạt quốc gia có thể thực hiện thỏa thuận áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% bắt đầu từ năm sau) nên cần phải sớm luật hóa. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư khi tiến hành áp thuế.
* Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:
- VN theo dõi sát động thái các nước trên thế giới và đã có báo cáo, kiến nghị cụ thể tới Chính phủ. Chính phủ đã có tổ công tác chuyên về hỗ trợ với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước mắt VN dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn ở VN.
Trong trung hạn, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính:
- Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho VN nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
Giá điện cao, người dân không chịu được
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp... Các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ...
GDP bình quân đầu người của VN chỉ hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm. Nên giá cả phải phù hợp, chi phí sản xuất đầu vào phải phù hợp, trong đó có vay ngân hàng.
Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ VN để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như các dự án đầu tư vào VN lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận