07/05/2020 08:23 GMT+7

Nới giãn cách, không nới nghị định 100

THU DUNG - MINH HÒA
THU DUNG - MINH HÒA

TTO - Trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (tăng 14.924 trường hợp so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2019), trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Nới giãn cách, không nới nghị định 100 - Ảnh 1.

Quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM tối 6-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều địa phương nhìn nhận sau những ngày cách ly xã hội, tâm lý người dân có phần chủ quan hơn với các quy định về an toàn giao thông (ATGT). Hiện tại giao thông gần như đã trở lại bình thường nên việc "nhắc nhau" tinh thần của nghị định 100 là cần thiết.

Uống rượu bia, vẫn lái xe

Những ngày sau cách ly xã hội, hàng quán bắt đầu mở cửa trở lại cũng là lúc nhiều người dân tại TP.HCM đổ ra các quán nhậu xả hơi. Không ai cấm nhậu, nhưng nhậu xong vẫn lái xe có chiều hướng tăng lên.

Ngày 4-5, mới sau 18h, rất nhiều nhà hàng, quán nhậu... dọc tuyến đường Hoàng Sa (Q.1) kín chỗ ngồi. Có quán chục bàn khách ngồi kín, không đủ chỗ nên chủ quán kê thêm bàn nhậu ra vỉa hè cho khách lai rai. Thậm chí, anh Đức - một chủ quán nhậu trên đường này - còn cho biết khách tăng đột biến nên bây giờ muốn nhậu phải đặt bàn trước.

Nhiều chủ quán nhậu khác chia sẻ tình hình đầu năm 2020 quán không có khách, doanh thu giảm sút trầm trọng khi nghị định 100 có hiệu lực. Qua tết, dịch COVID-19 ập đến, rồi cách ly xã hội, hàng quán phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch. Vài ngày gần đây doanh thu của các quán cao vì khách đi đông và lượng bia bán ra nhiều hơn lúc mới áp dụng nghị định 100.

Tương tự, đêm 5-5, "con đường bia bọt" Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) đông nghẹt người dù không phải cuối tuần. Điều đáng nói là khi ra về hầu hết đều trong trạng thái đã chếnh choáng men. 

Tại một quán nhậu hải sản trên con đường này, hàng chục khách rời quán tự chạy xe máy, thậm chí lái ôtô về. Một vị khách nói: "Lâu rồi bạn bè chưa ra quán ngồi chung, gặp mặt nhau từ lúc cách ly xã hội nên hôm nay (5-5) hàng quán mở lại nhóm hẹn nhau ra quán nhậu để nói chuyện cho thoải mái. Uống vài chai vẫn thừa sức tự chạy xe máy về được, không phải lo!".

Nới giãn cách, không nới nghị định 100 - Ảnh 2.

Một số mức xử phạt người lái xe có nồng độ cồn theo nghị định 100 - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phải "hâm nóng trở lại"

Thống kê từ Ủy ban ATGT quốc gia, chỉ trong 4 ngày lễ, cả nước có 79 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, các nguyên nhân chủ yếu vẫn liên quan đến rượu bia, vi phạm tốc độ... 

Ủy ban này đánh giá các đơn vị, đặc biệt CSGT, thanh tra giao thông đã thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát, bố trí điều tiết, phòng chống đua xe, xử lý vi phạm nồng độ cồn... mạnh tay giúp giao thông thông suốt trong dịp lễ. 

Tuy nhiên, ủy ban nhận định dù tai nạn giao thông giảm cả về số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019 nhưng mức giảm chưa sâu, số vụ vẫn còn tăng. 

Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân có tâm lý "xả hơi" trong dịp lễ, cho rằng lực lượng chức năng sẽ hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nên đã lơ là, cố ý vi phạm pháp luật các lỗi sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi sai phần đường...

Từ thực trạng trên, Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu toàn bộ lực lượng CSGT, công an các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường xử phạt theo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, kiểm soát hành vi vi phạm nồng độ cồn... Việc xử phạt nghiêm khắc sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân, nghiêm cấm lái xe khi đã uống rượu bia để hạn chế vi phạm giao thông, tai nạn giao thông. 

Thực tế cho thấy chỉ một tháng kể từ khi nghị định 100 có hiệu lực, số vụ tai nạn, số người chết hoặc bị thương vì tai nạn do uống rượu bia đã giảm rõ rệt, từ 30 - 50%. Đặc biệt trong những ngày cuối năm và đầu năm Canh Tý, số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm hẳn so với trước đây.

Nới giãn cách, không nới nghị định 100 - Ảnh 3.

Rất nhiều thực khách đến quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tối 6-5 bằng xe máy - Ảnh: Q.ĐỊNH

Không chặn sớm, sẽ thành thói quen

Trao đổi về việc nhiều người lơ là nghị định 100, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban ATGT TP.HCM - cho biết trong những ngày lễ qua, tỉ lệ người vi phạm nồng độ cồn tại TP.HCM không cao như trước nhưng có tình trạng nhiều người có tâm lý chủ quan, nhậu "xả hơi" sau dịch bệnh rồi tự đi xe về, cần sớm báo động.

Chính vì vậy, Ban ATGT TP.HCM lập tức yêu cầu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt không được lơ là việc tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt tiếp tục lập chốt chặn có thể gần khu vực quán nhậu, yêu cầu người dân chấp hành, đã uống rượu bia không lái xe. 

Các hàng quán không thực hiện cách ly chống dịch, chính quyền địa phương cũng lập tức đến rà soát, yêu cầu thực hiện nghiêm. "Chúng ta không vì tâm lý chủ quan mà lơ là quy định. Nghị định 100, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn phải tiếp tục thực hiện ráo riết", ông Phúc nói.

Thượng tá Đồng Thái Chiến - phó trưởng Phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc Cục CSGT (Bộ Công an) - cho rằng đúng là sau cách ly xã hội, người dân có tâm lý lơ là chấp hành các quy định về nồng độ cồn. Đây là một sự chủ quan nguy hiểm. Do đó, đơn vị cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn ở các khu vực, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc.

Phải kéo giảm thêm số vụ tai nạn do rượu bia

Mới đây Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM vừa cứu sống một bệnh nhân uống rượu bia chạy xe máy đụng vào xe tải vì nhầm tưởng lối về nhà dẫn đến đa chấn thương, nguy hiểm tính mạng.

Bệnh nhân là G.N.H., 39 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM. Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, vết thương phức tạp vùng cằm, lưỡi, tổn thương động mạch lưng lưỡi máu trong miệng trào ra nhiều, gãy lộ xương hàm dưới, sai khớp cắn, chấn thương vùng ngực bụng, tứ chi.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thời gian gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông do bia rượu có giảm nhưng nhiều ca tai nạn nặng do uống rượu bia vẫn còn.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết trong 4 ngày nghỉ lễ năm nay, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP tiếp nhận 756 trường hợp bị tai nạn giao thông với 2 trường hợp tử vong. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - nơi thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu khu vực phía Nam, BS.CKII Phạm Thanh Việt - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện này - cho hay trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua bệnh viện tiếp nhận gần 200 trường hợp bị tai nạn giao thông.

Trong 4 ngày đầu tiên khi nghị định 100 có hiệu lực (từ ngày 1 đến 4-1-2020) là 224 ca. Ông Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Cấp cứu 115 - cho biết bệnh viện tiếp nhận 62 trường hợp tai nạn giao thông, còn 4 ngày đầu tiên sau nghị định 100 có hiệu lực là 110 trường hợp.

Như vậy, theo số liệu thống kê từ các bệnh viện nhận thấy lượt cấp cứu vì tai nạn giao thông trong 4 ngày lễ vừa qua và 4 ngày đầu tiên áp dụng nghị định 100 có giảm nhưng không nhiều.

THU HIẾN - XUÂN MAI

26 vụ tai nạn giao thông, chết 14 người trong ngày nghỉ lễ đầu tiên 26 vụ tai nạn giao thông, chết 14 người trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

TTO - Chiều 30-4, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người trong ngày nghỉ lễ đầu tiên của dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ.

THU DUNG - MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp