08/08/2015 12:16 GMT+7

Nói dối hay nói thật?

THIÊN LANG
THIÊN LANG

TT - Nhiều bạn trẻ trên dưới 20 tuổi vẫn thường kể cho nhau nghe về sự cấm cản của gia đình, như một điều kết nối họ với nhau.

Việc nói thật khiến cha mẹ hiểu tôi, trở thành người “cố vấn” hơn là người ban quyền

Tôi không hẳn là đứa con thành thị, nhưng vẫn chịu sự quản thúc của cha mẹ. Tôi nổi loạn, trốn nhà đi đây đi đó và vẫn nói dối. Nhưng chính cách dạy của cha mẹ tôi khiến tôi khâm phục, khiến tôi có thể tự hào nói rằng tôi không thích nói dối. Mẹ tôi đương nhiên rất nghiêm khắc, hay la tôi.

Cha tôi hiền hơn, ông thường không có ý kiến gì nhiều trong những lần tôi “phạm quy”. Nhưng mẹ dạy tôi nhiều bài học về việc nói thật.

Mỗi lần phát hiện tôi trốn đi đâu đó, câu đầu tiên mẹ luôn nói: "Đừng bao giờ nói dối, không bao giờ che đậy được sự thật hết". Và mẹ có đánh hay la tôi cũng vì tội nói dối, chứ không phải tội đi xa.

Không biết vì bản tính nhút nhát hay chính vì cách dạy đó mà tôi rất ít nói dối. Tôi nhớ lần đầu tiên làm một chuyện “to lớn” là năm lớp 4 tôi tự chạy xe đạp (mượn) đến nhà người bạn ở cách trường vài trăm mét.

Đó là quãng đường ngắn ngủi nhưng với một thằng nhóc chưa được đạp xe đi học cũng đủ làm phụ huynh lo sợ. Mẹ la tôi trong khi tôi khoe "thành tích" bằng một giọng điệu tự hào.

Nhưng mẹ la rất nhỏ nhẹ, khác hoàn toàn với những lần tôi nói dối và bị phát hiện mẹ la mắng nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn. Những điều đó ăn sâu vào tiềm thức tôi ngay từ nhỏ.

Nhà tôi là một kiểu mẫu của sự nghiêm khắc, con cái không được đi quá 21g. Nhưng tôi vẫn được đi nếu có dịp đặc biệt như sinh nhật hay xem pháo hoa. Và tôi xem pháo hoa lần đầu tiên trong đời mình năm 12 tuổi, nửa đêm và trong dòng người cuồn cuộn.

Tôi học được cách nói thật khi nhận ra nếu tôi nói thật thì khả năng thành công sẽ cao hơn và ít bị khiển trách hơn nói dối. Đương nhiên tôi vẫn dối cha mẹ tôi nhiều chứ, tôi không phải đứa con... rất ngoan. Nhưng việc nói thật khiến cha mẹ hiểu tôi, trở thành người “cố vấn” hơn là người ban quyền.

Trong những năm cấp III, tôi vẫn rời nhà đi đá banh, đi chơi, đi ăn nhậu rồi ngủ qua đêm nhà bạn, hay xách xe chạy khắp cả tỉnh và nhiều lúc còn “phiêu lưu” sang tỉnh khác. Có những lúc mẹ tôi phản đối, như hồi tôi dám xách xe chạy lên Cần Thơ khi mới 17 tuổi và chưa có bằng lái, hậu quả là tôi bị bắt giam xe.

Nhiều người thế hệ tôi vẫn than vãn về việc gia đình nghiêm khắc ngăn cấm đủ thứ khiến họ phải nói dối, và luôn hi vọng một ngày cha mẹ hiểu được.

Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta chỉ có thể thay đổi suy nghĩ của chúng ta, chứ không thể thay đổi suy nghĩ của thế hệ. Chúng ta không thể đòi hỏi được cha mẹ chúng ta phải nghĩ khác đi những gì họ đã nghĩ suốt mấy chục năm.

Song, điều tôi sợ nhất là những bạn trẻ vẫn hay than vãn về việc chịu sự ngăn cấm của gia đình lúc nhỏ, nhưng khi về già họ cũng áp dụng y hệt những ngăn cấm đó lên con mình.

Đã đến lúc nên xem sự cấm đoán của cha mẹ như kỷ niệm trong quá khứ, thay vào đó những bạn trẻ thế hệ chúng tôi tự tìm lời đáp cho câu hỏi: liệu chúng ta có tiếp tục ngăn cấm thế hệ sau làm những điều mình cho là không được làm?

THIÊN LANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp