Sau nhiều vụ xe container gây tai nạn làm chết nhiều người, đêm 15-6 một chiếc xe container lại đâm sập hai nhà dân ở khu phố Giãn Dân, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9 (TP.HCM) - Ảnh: Hải Hiếu |
Sau khi Tuổi Trẻ ngày 17-6 đăng tin “Nới rộng điều kiện học bằng lái FC” phản ánh Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo sửa quy định theo hướng nới rộng điều kiện học lấy bằng FC, nhiều bạn đọc lên tiếng phản biện việc này. Xin giới thiệu một số ý kiến dưới đây.
* Ông Trần Kiêm Hạ (tài xế ở TP.HCM):
Học khó hơn không thay được kinh nghiệm
Gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container gây ra làm chết nhiều người. Sau những vụ tai nạn này, báo Tuổi Trẻ có loạt bài phản ánh tài xế xe container nghiện ma túy, tài xế container sử dụng bằng giả.
Và sau loạt bài này của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quyền - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết theo kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Bộ GTVT chỉ đạo sửa thông tư 46 theo hướng tài xế có bằng lái hạng C, D, E muốn học lấy bằng lái FC chỉ cần tối thiểu một năm kinh nghiệm lái xe các bằng trên, thay vì ba năm như hiện nay.
Là một tài xế lái xe chuyên nghiệp, tôi rất ngạc nhiên và băn khoăn với chỉ đạo nói trên của Bộ GTVT. Thực tế cho thấy phần lớn tai nạn giao thông xảy ra do kỹ năng, ý thức, đạo đức của người cầm lái.
Như vậy sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container gây ra và sau loạt bài phản ánh thực tế nhức nhối của Tuổi Trẻ, đáng lẽ phải siết chặt thêm việc đào tạo tài xế lái xe container thì Bộ GTVT lại có ý định sửa đổi quy định theo hướng dễ hơn để đáp ứng nhu cầu thiếu tài xế lái xe container của một số doanh nghiệp vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền giải thích với báo chí là dù có rút ngắn thời gian kinh nghiệm lái xe của tài xế muốn học lấy bằng FC nhưng quá trình học sẽ khắt khe hơn, từ đó sẽ giảm thiểu tai nạn do loại xe này gây ra. Là người cầm lái lâu năm, theo tôi, việc học cho dù có khắt khe bao nhiêu thì cũng không thể nào thay thế cho kinh nghiệm của người tài xế cầm lái hai năm.
Trước đây, sau 18 tháng học lái xe ở trường, tôi ra trường với tấm bằng hạng D. Lúc đó, với tấm bằng này tôi được phép lái xe đầu kéo nhưng tôi phải trải qua sáu tháng được đàn anh kèm cặp, rồi sau một năm thử việc mới được đơn vị cho cầm lái độc lập.
Sau này, tôi về công tác tại một công ty bêtông ở thành phố và mặc dù đã trải qua mấy năm lái xe tải cùng mấy năm lái chiếc xe bồn trộn bêtông mà khi đảm nhận chiếc đầu kéo ximăng tôi cũng không khỏi lóng ngóng.
Khác với lái xe tải bình thường, lái xe đầu kéo qua khúc cua chỉ cần bẻ lái muộn một tí thì đầu xe chồm sang đường người khác (ngược lại nếu bẻ lái sớm một tí thì dàn bánh sau lấn hẳn sang phần đường phía tài xế bẻ lái). Do đó khi lái xe đầu kéo, tài xế chỉ cần phân tâm một chút là tai nạn có thể xảy ra tức khắc.
Cơ quan chức năng có thể cho rằng chương trình học mới khắt khe hơn sẽ khắc phục được điều này, nhưng kinh nghiệm cầm lái thì sao? Tôi cho rằng kinh nghiệm cầm lái ba năm là sự trải nghiệm cần thiết đối với tài xế. Và trong ba năm ấy, doanh nghiệp vận tải sẽ sàng lọc dần những người kém khả năng hoặc thiếu đạo đức, có tính bốc đồng khi cầm lái để đảm bảo an toàn cho mọi người đi đường.
Một số doanh nghiệp nại rằng: “Do quy định phải có ba năm kinh nghiệm tài xế bằng hạng C mới được thi lấy bằng hạng FC nên chúng tôi thiếu tài xế”. Vậy thì tính ba năm trở về trước, cả nước ta đã đào tạo được bao nhiêu tài xế bằng hạng C? Tôi cho rằng đây là con số không nhỏ. Có lẽ các doanh nghiệp này chỉ nhìn quanh quẩn trong nội bộ doanh nghiệp mình để nói lên điều đó.
* Ông Đặng Cường (người chạy xe ôm trước Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM):
Phải đủ độ “chín” mới nên lái xe container
Mỗi ngày, tôi đứng chờ khách trước Khu chế xuất Linh Trung khoảng 4-5 tiếng đồng hồ và chứng kiến không biết bao nhiêu xe đầu kéo container vượt đèn đỏ. Còn những lúc xe cộ dừng chờ đèn đỏ phía trước thì những tài xế xe đầu kéo container ở phía sau bấm còi inh ỏi và ngang nhiên ủi xe lên, lấn đường.
Từ nhiều năm nay tôi thấy tài xế xe container thường chạy rất ẩu trên đường. Họ chạy tất cả các làn đường, ép xe máy vào lề đường... Theo tôi, chạy xe ẩu như vậy là do ý thức của tài xế.
Theo dõi qua báo đài, tôi được biết cơ quan chức năng sẽ giảm số năm tích lũy kinh nghiệm cho tài xế lái xe từ bằng lái hạng C, D, E... thi lên bằng FC từ ba năm xuống còn một năm. Liệu trong vòng một năm cầm lái xe tải, những tài xế này đã đủ chín chắn để tiếp tục cầm lái những loại xe lớn hơn, có nguy cơ gây ra tai nạn cao hơn như xe đầu kéo container hay không?
Tôi nghĩ cần phải cân nhắc lại việc này vì những người mới vào nghề mà cầm vôlăng xe đầu kéo container thì đó là hiểm họa thật sự cho người đi đường.
Ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP.HCM): Chỉ nên là giải pháp tình thế Việc dự thảo sửa đổi thông tư 46 theo hướng nới lỏng điều kiện học bằng lái FC của Tổng cục Đường bộ, theo tôi, chỉ nên xem là giải pháp tình thế. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các doanh nghiệp vận tải buộc phải chấp nhận tài xế sử dụng bằng giả do không có đủ tài xế có bằng lái thật cũng như những tài xế hội đủ điều kiện để thi bằng lái FC, thì giải pháp này có thể tạm chấp nhận. Ở đây chỉ là nới lỏng yếu tố về số năm kinh nghiệm tối thiểu, còn lại những yếu tố cơ bản khác phải giữ vững. Thực tế cho thấy không phải cứ chúng ta siết điều kiện thi lấy bằng thì ngay lập tức tất cả những ai không có bằng, không đủ chuẩn đều không dám ngồi sau vô lăng và tai nạn giao thông sẽ giảm. Vấn đề ở đây là nới lỏng đối tượng được học, để tạo điều kiện cho nhiều tài xế có thể học và tham gia sát hạch lấy bằng. Nếu công tác sát hạch chặt chẽ vẫn sẽ sàng lọc được các tài xế thật sự đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh nên xem việc nới rộng điều kiện học lấy bằng FC chỉ là hướng giải quyết tạm thời. Về lâu dài, cần có kế hoạch, chiến lược đào tạo tài xế đủ trình độ, kinh nghiệm để lái xe hạng nặng vì đây là loại phương tiện thường gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận