30/10/2015 09:07 GMT+7

Nỗi day dứt của mẹ...

TÂM LỤA (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA ([email protected])

TT - Bà là mẹ của N.T.D. (19 tuổi, quê Ba Vì), vừa bị TAND TP Hà Nội kết án 9 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Đau lòng hơn, bị hại trong vụ án lại chính là em họ D. - cô bé mới lên 10 tuổi.

minhhoa

Người mẹ nghèo sấp ngửa chạy từ tầng 3 xuống tầng 1, lao ra sân tòa đuổi theo con đang bị dẫn lên chiếc xe tù. Bà nói trong nước mắt: “Con ơi, nếu mẹ có tiền đi chạy chữa cho con thì có lẽ đã không đến nông nỗi này...”.

Tại phiên tòa ngày hôm ấy, lời thỉnh cầu tha thiết của cả gia đình bị cáo lẫn gia đình bị hại: D. bị bệnh động kinh nên mới có hành vi như vậy đã không được hội đồng xét xử chấp nhận.

Bi kịch của một gia đình

Cáo trạng thể hiện tối 18-7-2014, D. đến nhà cậu ruột chơi. Khi gặp cháu H. (10 tuổi), D. rủ H. ra ngoài cổng chơi và dùng tay sờ vào bộ phận sinh dục của H.. Thấy em họ không phản ứng gì, D. nảy sinh ý định giao cấu với H. và dùng xe máy chở H. đến một lò gạch gần đó để thực hiện hành vi.

Sau đó D. chở H. về nhà và dặn H. “không được nói với ai nếu không anh sẽ chết”.

Ngày hôm sau, mẹ H. thấy con bị chảy máu ở bộ phận sinh dục nên đã đưa con đến trạm y tế xã và gặng hỏi. H. kể lại sự việc cho mẹ nghe. Các bác sĩ đã gọi điện cho công an xã đến và quyết định chuyển H. lên bệnh viện thị xã để điều trị. Ngay sau đó, D. bị bắt.

Bố mẹ D. lẫn bố mẹ bị hại đều đầu bù tóc rối, mặc áo công nhân, xỏ dép lê đến tòa. Bố D. bị bệnh, sức khỏe suy giảm, không thể lao động. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời bên mấy sào ruộng ở quê nhà Ba Vì vẫn không đủ miếng cơm manh áo cho gia đình, mẹ D. rời quê lên TP Hà Nội làm giúp việc nhà.

Ba anh em D. đều phải nghỉ học từ rất sớm để phụ giúp mẹ việc đồng áng. D. đi làm phụ hồ, đóng gạch kiếm tiền giúp bố mẹ.

Tại tòa, gia đình khai D. bị bệnh động kinh từ nhỏ, đã được đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Ba Vì nhưng vì không có tiền nên chỉ chạy chữa qua loa, khám xong mấy hôm rồi về.

Mẹ D. nức nở: “Thỉnh thoảng đang đi làm ở Hà Nội, tôi lại nghe tin con bị lên cơn, lăn đùng ngã ngửa ra nền nhà. Về đưa con đi bệnh viện huyện, bác sĩ kê đơn thuốc vài hôm, cắt cơn rồi lại về nhà”.

Mẹ bị hại nói thêm: “Nhiều lúc nó sang nhà tôi chơi, bỗng dưng ngã vật ra đất, sùi bọt mép, lên cơn co giật...”.

Nhiều người dự khán hỏi mẹ D.: “Sao không đưa con lên TP mà chữa trị cho dứt điểm, sao để bệnh kéo dài như vậy?”. Hỏi vậy nhưng nhìn bà đen đúa, còm nhom, khắc khổ thì chúng tôi đã biết trước câu trả lời.

Bà cúi đầu, đôi tay chai sần vân vê tà áo rồi nói: “Nhà quê mà cô, cứ bệnh không chết người luôn được thì để đó đã. Đồng lương tôi kiếm được còn xếp thứ tự ưu tiên cho miếng cơm manh áo, đóng học phí cho con, giỗ chạp, đám hiếu đám hỉ, chi trả nợ nần rồi có dư dả thì mới nghĩ đến việc đi khám bệnh cho con. Mà từ khi cưới chồng sinh con, có khi nào dư dả được đâu cô ơi...”.

Những lời khẩn cầu của gia đình bị cáo và gia đình bị hại đều không được tòa chấp nhận. Hội đồng xét xử cho rằng tại tòa bị cáo khai báo bình thường, không có cơ sở để chứng minh bị cáo bị bệnh động kinh.

Gia đình bị cáo cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh, vì vậy không có cơ sở để trưng cầu giám định đối với bị cáo. D. đành chấp nhận bản án 9 năm tù, để tuổi trẻ của mình trôi qua trong trại giam.

Đời nghèo

Tôi không thể nào quên câu chuyện của bị cáo Đ.C.A. (29 tuổi, ngụ tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Ở quê nhà, Đ.C.A. được xếp vào thành phần “dưới đáy xã hội” vì đã nghèo lại bị bệnh thần kinh.

Mỗi ngày, khi mẹ đi mò hến dưới sông, vợ đi may để kiếm tiền đong gạo thì C.A. được giao nhiệm vụ ở nhà giữ con. Con đói khóc, C.A. đi mua một gói cháo gà ăn liền loại 3.000 đồng/gói. Bà hàng xóm thấy C.A. đi mua lúc một gói cháo gà, vừa mất công, vừa đắt liền bảo: “Thôi để tao đi mua hộ cho hẳn một thùng”.

Bà hàng xóm có ý tốt, mua thùng cháo bán lại cho C.A. để kiếm 5.000 đồng tiền lãi. Nhưng thùng cháo với 30 gói giá hơn 100.000 đồng, C.A. làm gì có tiền để lấy. Bà hàng xóm tức tối vì đã lấy thùng cháo về nhưng C.A. không mua nên đi đâu cũng nói: “Nó là thằng ăn cắp, ăn chặn”.

C.A. cương quyết thanh minh: “Tôi không ăn chặn, ăn cắp”. Xô xát giữa hai con người nghèo khó ấy khiến bi kịch đau lòng đã xảy ra: C.A. cầm ghế gỗ đánh vào đầu khiến bà hàng xóm tử vong.

Đ.C.A. đã có bệnh án về bệnh thần kinh nên sau khi gây án, Công an huyện Phúc Thọ đã đưa C.A. vào trung tâm bảo trợ xã hội để quản lý chờ giám định. Mỗi tháng C.A. vẫn được nhận trợ cấp của ủy ban nhân dân xã dành cho đối tượng tâm thần.

Kết quả giám định tâm thần cho thấy bị cáo có tiền sử điều trị bệnh động kinh. Khi gây án bị cáo có sử dụng rượu, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bị cáo bị hạn chế. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.

Hỏi về căn bệnh của con, mẹ Đ.C.A. bảo: “Thỉnh thoảng nó lên cơn tâm thần, tôi cũng có ý định đưa con đi bệnh viện huyện chữa trị xem sao. Nhưng vì không có tiền nên cứ lần lữa mãi. Trước đây có lúc tính đưa đi thì nó mặc cảm, bảo con đi chữa bệnh tâm thần thì sau này sao lấy vợ được nữa. Nghe con nói vậy, tôi đành thôi”.

Nghèo khó, mặc cảm bệnh tật, thôi để ra sao thì ra... đó là suy nghĩ chung của nhiều ông bố bà mẹ có con bị ảnh hưởng thần kinh mà chúng tôi gặp ở chốn pháp đình.

Dẫu biết rằng không thể đổ lỗi tất cả tội ác do bệnh tật gây nên, nhưng vì không quan tâm đến con được trọn vẹn, những ông bố bà mẹ nghèo ấy đã mang trong lòng mình một nỗi day dứt khôn nguôi...

TÂM LỤA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp