21/02/2016 05:44 GMT+7

Nỗi đau mặc áo Thái, đá bóng Thái…

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Thời gian gần đây, các cây bút bình luận kinh tế vẫn thường báo động về tình trạng các đại gia Thái Lan thôn tính doanh nghiệp VN trong ba lĩnh vực xây dựng, nhựa và bán lẻ.

Tuy nhiên, khi tôi kể câu chuyện các đội tuyển bóng đá mặc áo Thái, V-League chơi bóng Thái thì các đồng nghiệp ở lĩnh vực kinh tế cho rằng: xét về giá trị vật chất thì nó chẳng to, nhưng về giá trị tinh thần thì đau hơn nhiều.

Có một thời người hâm mộ VN rất buồn khi các đội tuyển quốc gia đều mặc áo do Li Ning (Trung Quốc) tài trợ. Chỉ là một bộ trang phục đá bóng mà không có doanh nghiệp nào trong nước đảm đương được hay sao? Hoặc nếu có nhận tài trợ nước ngoài thì cũng phải chơi với những thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Puma... cho nó danh giá chứ sao lại là Li Ning! Vì vậy, khi Li Ning hết hợp đồng, các đội tuyển bóng đá chuyển sang khoác áo Nike, ai cũng thích.

Chân cầu thủ Việt đá bóng Thái Lan: nỗi đau của bóng đá Việt. Ảnh: Nam Khánh

 

Nhưng rồi hết hợp đồng với Nike thì sao? Năm 2014, LĐBĐ VN (VFF) ký hợp đồng với Grand Sport của Thái Lan về chuyện cung cấp trang phục cho các đội tuyển. Từ hợp đồng này, không ít người mỉa mai: đến trang phục còn thua thì mong gì thắng trên sân bóng!

Nhưng chuyện trang phục vẫn không đau bằng chuyện quả bóng. Bởi cho đến giờ này chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu nào thật lớn về trang phục thể thao, trong khi đó về quả bóng thì đã có Động Lực - một sản phẩm được FIFA đóng dấu chất lượng và đã đồng hành cùng bóng đá Việt trong nhiều năm qua.

Nhưng đùng một cái, V-League 2016 vừa khai mạc vào hôm qua thì bóng của Thái Lan (Grand Sport) đã sút văng Động Lực ra khỏi sân chơi của chính người Việt! Một điều đau nữa là loại bóng mà Grand Sport tài trợ cho V-League chỉ là loại để đá ở Giải hạng nhất Thái Lan (trị giá khoảng 1,6 triệu đồng/quả), còn Thai League thì chơi bóng xịn hơn (2,6 triệu đồng/quả).

Ai có lỗi trong vụ bóng Thái đè bẹp bóng Việt ngay trên đất Việt này?

Người thì bảo là VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN) và VFF chơi không có tình, khi Động Lực đã gắn bó cả chục năm nay, thế mà bây giờ lại nỡ đoạn tình. Nhưng cũng có người lại bảo đây là bài học cho Động Lực nhìn lại mình. Người Việt phải luôn ủng hộ hàng Việt, nhưng cũng phải kèm theo điều kiện là hàng Việt phải đàng hoàng. Một số quan chức ngành thể thao cho biết đã ưu ái cho Động Lực rất nhiều nhưng tài trợ mà không thực hiện theo đúng hợp đồng (được biết, không chỉ có bóng đá mà cả bóng chuyền cũng vậy), cả tiền lẫn hàng hóa đều chuyển chậm chạp, thậm chí nợ khó đòi thì cũng đừng trách VFF và VPF đoạn tình...

Tháng 10 năm ngoái, khi đội tuyển Thái Lan đè bẹp tuyển VN ba bàn trắng ngay trên sân Mỹ Đình, hàng triệu người Việt đã thổn thức với câu hỏi: Sao mà thua mãi vậy, bao giờ mới thắng được bóng đá Thái Lan? Giờ đây qua những câu chuyện người Thái thôn tính thương hiệu Việt ở các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, ngành nhựa; rồi các đội tuyển bóng đá đều mặc trang phục Thái, và giờ đây quả bóng Động Lực của VN cũng bị Grand Sport đè bẹp ở V-League thì việc thua trên sân bóng chỉ là chuyện nhỏ.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp