Các binh sĩ quân đội bên đống đổ nát ở quảng trường Durbar - Ảnh: Việt Phương |
Ngôi đền bị sập ngay trong những chấn động đầu tiên của trận động đất và giờ chỉ còn là một đống gạch nát vụn. Cùng chung số phận với Narayan là các ngôi đền ở quảng trường Durbar và những nơi khác.
Tại quảng trường Durbar, ít nhất sáu ngôi đền lớn bị sập hoàn toàn. Các tòa tháp ở quảng trường này được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Quảng trường với những ngọn tháp cổ này từng là nơi thu hút đông du khách.
Các quán cà phê tầng thượng ở đây xưa nay làm ăn phát đạt nhờ đông khách du lịch lên những quán này ngắm nhìn toàn cảnh quảng trường từ trên cao.
Giờ đây khung cảnh đó không còn nữa và cũng sẽ rất lâu để mọi thứ được phục hồi như cũ.
Ông Govinda Nepal, đạo diễn phim tài liệu ở Kathmandu, nói với Tuổi Trẻ rằng có những di sản của nước này chưa được trùng tu, gia cố trong cả trăm năm nay.
“Không ai nghĩ có động đất mạnh và sức tàn phá lớn đến vậy” - ông buồn rầu nói.
Ông Govinda, một đạo diễn chuyên nghiên cứu về di sản và văn hóa trong 15 năm qua, nói trong hai thập kỷ qua các chuyên gia và báo chí đã liên tục cảnh báo về tác động của động đất đối với các đền chùa cổ nhưng không được chính quyền lắng nghe.
Trong trận động đất vừa qua, khi các tòa tháp cổ sụp đổ thì nơi ở của thánh nữ sống Kumari của Nepal ở Kathmandu vẫn nguyên vẹn.
Mặc dù có những lời đồn đại rằng nơi ở của thánh nữ Kumari là một ngôi nhà với kiến trúc cổ vẫn nguyên vẹn do quyền năng của thánh nữ, nhưng ông Govinda có lời giải thích khoa học: nơi này đã được gia cố và trùng tu nhiều lần nên vẫn đứng vững.
Chuyên gia tư vấn du lịch Brian Singh ở Nepal nói với Tuổi Trẻ rằng cũng cần chú ý đến khía cạnh mật độ xây dựng nhà cửa dày đặc và dân số quá đông ở Kathmandu.
Ông có cách giải thích khác về sự sụp đổ của các di tích: “Trận động đất 80 năm trước ở Kathmandu có ít người ở thung lũng Kathmandu và các di sản vẫn không sao. Với tình trạng xây dựng nhà cửa nhiều và các tòa nhà cao tầng, nền đất ở Kathmandu bị sụt lún và điều này làm nền đất không ổn định”.
Ông Govinda tin rằng các di sản sẽ được xây lại nhưng cho rằng: “Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Nepal. Các di sản được xây lại sẽ không như lúc đầu nhưng chúng tôi hi vọng có công nghệ để làm tốt việc này”.
Hiện Nepal đang lập ra một nhóm điều phối quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa và khảo cổ để đánh giá thiệt hại của các di tích ở Kathmandu. Thông qua một ứng dụng di động, hình ảnh chi tiết về các di tích sẽ được chia sẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái tạo.
“Nhưng chính phủ không có tiền nên việc tái tạo các di tích có thể mất 10-15 năm nhưng phải làm việc này thôi, không cần phải thảo luận gì nữa” - ông Govinda quả quyết.
Từ hôm 1-5, quảng trường Durbar ở Patan đã không cho người bên ngoài vào, bên trong chỉ có lực lượng an ninh và người dân sống trong khu vực này.
Họ là những người thu lượm các phần quý giá còn sót lại của những ngôi đền đã đổ nát. Những thứ này sẽ được cất giữ cẩn thận ở những nơi an toàn để chờ ngày được phục hồi...
Trong khi chính phủ đang bận bịu với công tác cứu trợ, người dân ở Kathmandu lẳng lặng tự nguyện chung tay trong việc khôi phục những di tích bị phá hủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận