Phóng to |
Thượng tá Nguyễn Viết Thuân (chủ tịch UBND huyện Trường Sa) và vợ chăm sóc con trai tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 25-7 - Ảnh: Tự Trung |
Nội ngoại đều ở xa. Căn nhà nhỏ ở Nha Trang chỉ còn mình con gái chuẩn bị vào lớp 10. Dù vậy, thượng tá Nguyễn Viết Thuân (49 tuổi) - một chỉ huy của lữ đoàn 146 (thuộc Vùng 4 Hải quân) kiêm chủ tịch UBND huyện Trường Sa - vẫn giữ được sự điềm tĩnh hiếm có.
Làm vợ người lính biển
Khuê được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xác định bị u trung thất. “Khối u rất lớn, một chiều 12cm, một chiều 17cm chèn giữa tim và phổi. Bác sĩ bảo sẽ phải mổ”...
Lẽ ra ngày 20-7 vừa rồi anh Thuân đã ra Trường Sa công tác, nhưng đơn vị tạo điều kiện cho ở lại một thời gian ngắn để đưa con và vợ đi điều trị.
Hơn 20 năm liên tục công tác ở quần đảo đầy sóng gió, bão tố này, anh cũng như biết bao người lính hải quân khác mỗi năm chỉ có một lần phép, mỗi lần 20-25 ngày, nhưng chưa lần nào anh được nghỉ phép trọn vẹn. Không ít lần mới về được một tuần đã có lệnh ra Trường Sa.
“Không phải chỉ riêng tôi mà những người trong ban chỉ huy lữ đoàn cũng không bao giờ được về hết phép. Có khi mới ngày thứ 13 đã lên đường đi làm nhiệm vụ. Đó là điều mà bất cứ người lính nào cũng phải xác định trước và chấp nhận tuyệt đối” - anh bảo.
Vợ anh là con gái của một người lính hải quân nghỉ hưu gốc Bình Định, đi tập kết rồi sau vào Cam Ranh tiếp quản. Cả đời ông hi sinh vì nước non nhưng khi về nghỉ hưu rồi chỉ có căn nhà gỗ bé con con. Là con gái của người lính hải quân, chị Huyền đã hiểu hết phần nào sự thiệt thòi của người vợ, người mẹ có chồng đi biển đảo quanh năm suốt tháng.
Vậy mà chị vẫn lấy anh.
Làm vợ người lính Trường Sa, chị Huyền đã quen với việc phải... mạnh mẽ, cứng cỏi vì cái gì cũng một mình. Thời gian anh là chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, những lần bé Khuê khó thở phải cấp cứu trong đêm, không có điện thoại liên lạc, một mình chị đưa con đi bệnh viện. Khi anh nhận được thư (thường thư từ đất liền ra Trường Sa phải mất một tháng) thì con đã xuất viện từ lâu.
Tất cả mọi chuyện ở nhà mình chị lo liệu. Điều khiến anh chị tự hào là hai đứa con rất ngoan, chăm học. Cô em Trà My (sinh năm 1998) đang chuẩn bị vào lớp 10, học giỏi hơn cả anh. Năm 2010, bé được học bổng du học hè tại Pháp. Vừa rồi Trà My chỉ thi thử vào Trường chuyên Lê Quý Đôn nhưng đậu với số điểm cao.
Bình tĩnh giữa đời
Tháng 6-2012, anh vừa đi công tác biển về đến Bình Thuận thì nhận được tin chị bị ung thư vú. “Giờ thì mẹ nó vào đây chăm con, bệnh nhân nuôi bệnh nhân” - anh tếu táo nói.
Chị muốn gần con, cứ quấn quýt bên con suốt. Anh lo chị mệt, bảo về phòng trọ nằm nghỉ trưa nhưng chị không chịu. Đến tối chị mới chịu về để anh vào thay. Từ khi chăm con, chị đuối sức, phải truyền nước biển mấy lần.
Sau đợt xạ trị lần đầu, tóc chị đã rụng đi nhiều, đôi mắt hốc hác, người gầy hơn. Chị dường như không để ý đến nỗi đau của mình. Chị chỉ đau khi nghĩ về con trai đang ngày đêm chịu đựng những cơn đau hành hạ. Ba ngày nay được tiêm thuốc giảm đau, Khuê mới ngủ được.
“Bốn hộp Salonpas tôi mua về chỉ một chốc là hết. Cháu đau chỗ nào dán chỗ ấy. Có khi dán chi chít cả cánh tay lên đến bả vai. Có đêm hơn 2g sáng, tôi đang nằm dưới hành lang, nghe tiếng bịch bịch, nhìn ra cửa thấy con đang ngồi gục mặt khóc, lấy tay đấm lên vai... Tôi ra xoa vai cho con, xót xa lắm, ước gì mình đau thay cho con cũng được” - người lính hải quân tâm sự. Đã mấy đêm liền anh không ngủ được.
Anh bảo: “Chúng tôi đi trên biển lâu năm, đã trải qua nhiều tình huống khó khăn, thử thách và thậm chí là ngàn cân treo sợi tóc. Bão gió lớn, mình lại là chỉ huy, phải bình tĩnh xử lý mới đảm bảo an toàn về tất cả mọi mặt: con người, lãnh thổ, chủ quyền. Vì vậy dù vợ con mắc bệnh nan y như thế, tôi cũng sẽ bình tĩnh để đối diện với nỗi đau của gia đình mình”.
Người ở tâm bão Hơn 21g, điện thoại đổ chuông. - Anh đang ở đảo, sóng lớn quá, tàu neo ngoài biển mấy ngày rồi mà chưa lên được đảo. Em có quen ai ở bệnh viện ung bướu không? - Dạ có, có chuyện gì không anh? - Bà xã anh vừa đưa vào đấy cấp cứu, khối u ác tính. Mai em vào xem tình hình thế nào giúp anh với. Anh vẫn chưa về được, thấy nóng ruột quá! Từ sau chuyến đi Trường Sa năm 2009 đến nay tôi liên lạc với anh thường xuyên. Cứ có chuyện gì dính tới Trường Sa là tôi lại gọi anh. Khi cơ quan tôi tổ chức “Ngày hội biển đảo”, tôi cũng réo anh để xin tấm bia chủ quyền và cây bàng vuông để trưng bày. Lúc ấy, anh đang đi công tác xa nhưng vẫn sốt sắng hướng dẫn tôi cách để có thể đưa được hai kỷ vật của Trường Sa đến với người dân TP.HCM. Lần đầu tiên tôi nhận từ anh một cuộc gọi như thế mà không phải là việc công. Hôm sau, tôi đến gặp chị. Nhưng chị không ở bệnh viện. Bệnh viện quá đông nên chị phải ra ngoài thuê một phòng trọ gần đó chờ ngày mổ. Gặp tôi, chị thoáng mừng nhưng lại trách anh sao làm phiền tôi?! Khi tôi hỏi: “Chị phát hiện bệnh lâu chưa?”. “Cũng lâu”. Rồi chị bật khóc nức nở. Có lẽ bao nhiêu đè nén bấy lâu bây giờ mới có dịp bật ra. “Anh ấy đi suốt nên vợ chồng bảo nhau uống thuốc trước xem tình hình thế nào rồi tính sau. Nhà neo người, hai cháu còn nhỏ và phải đi học nên lần lữa hoài. Có ngờ đâu bây giờ nó ra thế này”. Khi tôi chuẩn bị ra Trường Sa trong nỗi lo đi giữa hai cơn bão thì anh từ tâm bão điện về động viên rằng biển đã yên và reo vui vì kịp có mặt ở đất liền để đưa con trai đầu lòng đi thi đại học. Đó là giây phút hiếm hoi anh có thể dành được cho gia đình, cho vợ con, nhất là khi vợ anh đang trong giai đoạn xạ trị. Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng một lần nữa cơn bão cuộc đời lại đổ lên anh. Cậu con trai là niềm tự hào của gia đình, là ước mơ của anh lại đang chịu đựng những cơn đau từ một khối u chèn lên tim. Người chiến sĩ hải quân ấy vượt qua biết bao nhiêu cơn bão biển, giờ đang trân mình chống chọi với những cơn bão đổ bộ từ đất liền. MINH THÙY |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận